Biểu tình chống phân biệt chủng tộc: Chưa thể hạ nhiệt

08/06/2020 21:20

Nhiều động thái “tích cực” từ giới chức Mỹ đã được đưa ra để hạ nhiệt “cơn tức giận” của người dân.

Gần 2 tuần đã trôi qua, song các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc sau cái chết của người đàn ông da màu Gioóc-giơ Phloi ở Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, thậm chí còn gia tăng và tiếp tục lan sang các quốc gia khác, đôi khi đã biến thành bạo động. Nhiều động thái “tích cực” từ giới chức Mỹ đã được đưa ra để hạ nhiệt “cơn tức giận” của người dân.

Ngày 7/6 (theo giờ Mỹ), Hội đồng thành phố Minneapolis, bang Minnesota của Mỹ – nơi người đàn ông da màu George Floyd bị cảnh sát ghì cổ dẫn tới tử vong, đã tiến hành bỏ phiếu thông qua quyết định giải thể và xây dựng lại sở cảnh sát thành phố này.

Quyết định này được đưa ra sau khi Chủ tịch Hội đồng thành phố Minneapolis Lisa Bender cam kết giải thể sở cảnh sát hiện tại và xây dựng lại đơn vị này áp dụng mô hình mới về trật tự công cộng thực sự mang lại an toàn cho cộng đồng.

bieu tinh chong phan biet chung toc: chua the ha nhiet hinh 1

Còn ở Bắc Carolina, một số sĩ quan cảnh sát và các thành viên cộng đồng đã có hành động rửa chân cho nhà lãnh đạo tôn giáo da màu – những người đứng đầu của các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc tại đây, để thể hiện sự hàn gắn chủng tộc và thông điệp hòa giải.

Hiện một số cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc diễn ra ở các thành phố như Washington, New York, Winter Park và trên toàn bang Florida đã bắt đầu chuyển hướng sang kêu gọi cải tổ lực lượng cảnh sát và đòi công bằng xã hội.

Tại thủ đô Washington, người biểu tình đã tụ tập kín các tuyến phố gần Nhà Trắng, hô vang các khẩu hiểu như “Tôi không thể thở” và “Dân chủ là như vậy đấy”. Trong khi đó, một hàng rào dựng xung quanh Nhà Trắng được gắn các biểu ngữ đòi “Quyền sống cho người da màu” và bày tỏ quan điểm “Không công lý, không hòa bình”.

Thành phố Los Angeles là một trong những nơi chứng kiến các cuộc biểu tình quy mô lớn tại Mỹ, với khoảng 20.000 người tham gia. Còn tại New York, ít nhất 6 nhóm biểu tình đã tổ chức các cuộc tuần hành qua khu trung tâm Manhattan mang theo các biểu ngữ kêu gọi ngừng cấp ngân sách cho cảnh sát.

Các cuộc biểu tình ở New York diễn ra ôn hòa hơn so với cảnh tượng bạo loạn thường thấy ở thành phố đông dân nhất nước Mỹ trong những ngày vừa qua. Thị trưởng New York Bill de Blasio ngày 7/6 cũng đã dỡ bỏ lệnh giới nghiêm áp đặt ở thành phố này trong những ngày qua để ngăn chặn bạo loạn.

Cùng với làn sóng biểu tình tại Mỹ, người dân tại nhiều thành phố khắp châu Âu đã xuống đường tuần hành những ngày qua, nhằm kêu gọi sự đối xử công bằng giữa các sắc tộc.

Tại thủ đô Rome của Italy, thủ đô Budapest của Hungary, Madrid của Tây Ban Nha, đã có hàng nghìn người tham gia cuộc biểu tình ủng hộ phong trào “Black Lives Matter” (Quyền sống cho người da đen).

Đụng độ đã xảy ra giữa cảnh sát và người biểu tình tại thủ đô các nước Bỉ và Anh. Tại Brussels, cảnh sát tiến hành 150 vụ bắt giữ sau cuộc biểu tình có khoảng 10.000 người tham gia ở khu vực trung tâm thủ đô. Thị trưởng Brussels Philippe Close cho biết, nhiều đối tượng gây rối đã cố tình khiêu khích cảnh sát và đập phá các cửa hàng trên đường phố. Cảnh sát đã sử dụng hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông và bắt giữ những kẻ phá hoại.

Tại London, đụng độ cũng nổ ra tại trung tâm thủ đô của Anh sau khi hàng chục nghìn người đổ ra đường tham gia cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc trong ngày thứ hai liên tiếp. Một nhóm người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát bên ngoài khuôn viên Bộ Ngoại giao, sau khi một người đàn ông bị cảnh sát bắt tại đây. Trong khi, một nhóm người biểu tình tại thành phố Bristol, Anh vẫn đang bị cảnh sát truy tìm khi lật đổ tượng nhà buôn nô lệ thế kỷ 17  Edward Colston rồi ném xuống sông.

Biểu tình cũng diễn tại tỉnh Quebec của Canada với quy mô khoảng 10.000 tại trung tâm thành phố Montreal.

Các cuộc biểu tình tương tự đã diễn ra ở 1 số quốc gia châu Á và châu Phi, song với quy mô nhỏ hơn.

(Theo Reuters)

Đọc nhiều