Biến Paris thành “bãi chiến trường”, người dân Pháp quyết không lùi bước

Tuệ Ngô 14/04/2023 19:53

Nước Pháp tiếp tục chứng kiến ​​​​các cuộc biểu tình rầm rộ về quyết định của Tổng thống Emmanuel Macron về việc tăng tuổi hưởng lương hưu nhà nước từ 62 lên 64 vào năm 2030.

Theo dữ liệu từ nhà điều hành lưới điện RTE, khoảng 16% nguồn cung cấp điện của đất nước đã bị chặn trong các cuộc biểu tình vào đầu tuần này, khi hàng ngàn người tiếp tục diễu hành trên đường phố.

Ngoài ra, việc bảo trì tại 9 lò phản ứng hạt nhân của Pháp đã bị gián đoạn do cuộc đình công phản đối kế hoạch cải cách lương hưu của chính phủ. Khoảng 8,2 gigawatt nguồn cung cấp điện của đất nước tại các nhà máy nhiệt điện, thủy điện và hạt nhân cũng bị chặn, người phát ngôn của hiệp hội CGT cho biết.

Tuy nhiên, nhập khẩu từ các nước láng giềng tổng cộng chưa đến một gigawatt, cho thấy nguồn cung đủ để đáp ứng nhu cầu.

Các đường vành đai đã bị đóng cửa và các cảng bị phong tỏa trên khắp nước Pháp vào đầu tháng này sau các cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Macron sau khi ông sử dụng sắc lệnh khẩn cấp của tổng thống để tăng tuổi nghỉ hưu.

Đến 9 giờ sáng ngày 17/3, đường vành đai Paris, cảng Calais và nhiều nhà máy lọc dầu đã ngừng hoạt động. Điều này xảy ra sau khi các công đoàn và người biểu tình tìm cách đưa nước Pháp vào thế bế tắc. Các dịch vụ xe lửa và tàu điện ngầm, bao gồm cả Eurostar, cũng bị hủy bỏ, nhiều trường học đóng cửa.

Các báo cáo ban đầu ước tính rằng hơn một triệu người đã tham gia vào các cuộc biểu tình. Vào hôm 6/4, khoảng 100 người biểu tình đã chặn một con đường dẫn đến nhà ga số một của sân bay Charles de Gaulle và tiến vào tòa nhà ga vào ngày thứ 11 của cuộc đình công toàn quốc.

Tại paris, những người biểu tình đã đốt cháy quán bia La Rotonde, một trong những nhà hàng Tổng thống Emmanuel Macron hay lui tới, và xâm nhập một tòa nhà văn phòng và tấn công cảnh sát. Trong khi một vài người bắt chuột chết ném vào tòa thị chính “để cho thấy thực tế khó khăn trong sứ mệnh của họ”, một lãnh đạo của công đoàn cgt cho biết vào thời điểm đó.

Trong khi đó, tại hai thành phố Nantes và Nancy ở miền Tây và miền Đông Pháp, những người biểu tình đã tấn công cảnh sát bằng đá và đốt phá một chi nhánh của Ngân hàng Trung ương Pháp.

Mới đây nhất, các thành viên nghiệp đoàn và những người đình công hôm 13/4 đã xông vào trụ sở của tập đoàn hàng xa xỉ LVMH ở Paris, trong đợt biểu tình mới nhằm phản đối kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Guardian đưa tin.

Một đoạn video ghi lại cảnh đám đông vẫy pháo sáng và biểu ngữ khi họ tràn qua lối vào trụ sở chính của LVMH trên Đại lộ Montaigne sang trọng ở trung tâm thủ đô Paris, Wall Street Journal đưa tin.

Trong video khác, đám đông đã di chuyển lên khu vực thang cuốn dẫn lên các tầng cao hơn – nơi đặt văn phòng của ông Arnault cùng với những giám đốc điều hành hàng đầu khác.

Một chiếc xe Mercedes và thùng rác cũng bị đốt cháy ở thành phố Rennes phía tây, trong khi những người biểu tình và cảnh sát đụng độ ở Nantes – điểm nóng căng thẳng trong tuần gần đây.

Hơi cay đã được bắn vào con phố rue de Rivoli ở trung tâm Paris sau các cuộc đụng độ gần một cửa hàng bách hóa.

Bộ trưởng Nội vụ Gerald Darmanin cũng cho biết rằng cảnh sát đã bắt giữ 111 người trên toàn quốc và 154 cảnh sát đã bị thương, trong đó có những người bị thương nặng.

Tổng thống Macron đang chịu áp lực phải tìm kiếm cách xoa dịu dư luận nếu những thay đổi về hệ thống hưu trí được Hội đồng Hiến pháp thông qua vào hôm 14/4.

Sau khi có yêu cầu của thủ tướng Élisabeth Borne, Hội đồng Hiến pháp sẽ đưa ra phán quyết về việc liệu luật này có phù hợp với hiến pháp Pháp hay không. Các chính trị gia cánh tả cũng yêu cầu hội đồng đưa ra phán quyết xem xét liệu có thể tổ chức hình thức trưng cầu dân ý về cải cách hưu trí.

Nếu đúng như vậy, ông Macron có thể sẽ ký thành luật các quy định hưu trí mới ngay lập tức để chúng có thể có hiệu lực trước cuối năm 2023.

Tuệ Ngô

Đọc nhiều