Biến đường sắt Cát Linh – Hà Đông thành chợ đêm hoành tráng nhất, tại sao không?
Đường sắt Cát Linh – Hà Đông thêm một lần lỡ hẹn. Hẳn nhiều người vẫn đang ôm trong mình sự tức tối. Thế nhưng, thay vì giận dữ, sao không thử “biến sự tức giận thành điều gì đó tốt đẹp hơn”? Ở một phương án khác, dự án này hoàn toàn có thể trở thành chợ đêm hoành tráng nhất Đông Nam Á..
Có lẽ tôi cũng như rất nhiều công dân thủ đô, đã rất kỳ vọng vào sự ra đời của tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông.
Đó là ngày, xe máy đi vào quá vãng, tắc đường chỉ còn là kí ức buồn. Đó là ngày, người dân có thể thong thả ra đường, bước chân vào tàu điện, đọc vài mẩu tin tức, xem một đoạn hài ngắn đã đến chỗ làm, bỏ mặc thời tiết, bỏ mặc những công cụ ngụy trang như áo mưa, áo chống nắng… sau lưng. Đó là ngày, có thể ngắm bình minh hay hoàng hôn từ trên cao, cho mình chút lãng mạn giữa cuộc sống xô bồ đến nghẹt thở!
Chúng tôi cứ nhìn hệ thống đường sắt Trung Quốc, Singapore để tưởng tượng ra viễn cảnh tươi đẹp đó trong sự khắc khoải. Tháng 11/2011, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông chính thức được khởi công. Ai cũng tin vào lời hứa hẹn đầu tiên, rằng đến năm 2015, Thủ đô sẽ thụ hưởng tuyến đường sắt trên cao vốn chỉ có ở các đô thị hiện đại trên thế giới. Hóa ra, đó cũng chỉ là lời “trót lưỡi đầu môi”.
Cây cối bị chặt hạ, nhà cửa lần lượt giải tỏa… Hà Nội ngổn ngang như một đại công trường. Cát Linh – Hà Đông kể từ đó hát khúc nhạc buồn từ năm này qua năm khác, như kẻ thất tình ca mãi câu “Hứa thật nhiều, thất hứa thì cũng thật nhiều”.
Tháng 9/2016, tháng 10/2017, tháng 12/2017, tháng 9/2018 và tháng 4/2019 là những dấu mốc người dân chờ đón Cát Linh – Hà Đông như chờ một… thiên thần. Nhưng thiên thần ấy mãi vẫn không ra đời.
Kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy về tiến độ dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông cho thấy, 13 đoàn tàu, sức chứa trên 1000 khách/lượt đã nhập về nhưng đều chưa thể đi vào hoạt động thương mại vì chưa được nghiệm thu và được kiểm định, cấp chứng nhận an toàn kỹ thuật từ cục đăng kiểm. Đi cùng với kết luận ấy là hàng loạt vấn đề được hội đồng nghiệm thu nhà nước đưa ra đến nhói lòng.
8 lần lỡ hẹn, tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông vẫn… chở gió. Trên 600 nhân lực vẫn… chờ được vận hành còn đoàn tàu thì vẫn nằm phơi mưa nắng. Trong khi đó, bao câu chuyện buồn đã xảy ra kể từ khi công trình này thi công.
Trên đường đi khám bệnh, người đàn ông tên Phong (60 tuổi) cùng vợ thoát chết khỏi thanh sắt như sợi dây thừng lao từ trên lao xuống. Máu đầm đìa thấm vào chiếc sơ mi trắng, miệng ông vẫn lẩm bẩm gia đình có phúc. Bởi chỉ cách ông vài bước chân, một thượng úy công an tử nạn vì thanh sắt rơi trúng đầu.
Đó chỉ là mở màn cho không ít bi kịch đã xảy ra. Nếu không nhầm, 2 chiếc taxi, 1 chiếc ô tô và 2 công nhân đã tử nạn cũng liên quan đến công trình này. Chưa kể, việc thi công công trình còn góp phần gây ô nhiễm, tắc đường, tàn phá tài nguyên thiên nhiên… Nghĩ mà nó đau!
Nhưng, Bộ GTVT vẫn cố gắng “phấn đấu” hoàn thành dự án trong năm 2019 thì hãy cứ đặt niềm tin. Tin bao nhiêu lần rồi, hà cớ gì không tin thêm lần nữa. 1% cũng phải tin.
Hà Nội đã từng có rất nhiều biểu tượng: Cầu Long Biên – “chiếc cầu nối 2 thế kỷ”; khuê văn các – biểu tượng của Thủ đô ngàn năm văn hiến; cột cờ Hà Nội – nhân chứng lịch sử, tinh thần bất khuất của cả dân tộc trong các cuộc chiến tranh… Đường sắt Cát Linh – Hà Đông cũng có thể trở thành một biểu tượng trong cuộc sống hiện đại.
Nếu không thể đưa vào vận hành, đường sắt Cát Linh – Hà Đông có thể trở thành một bảo tàng trên cao độc nhất vô nhị của ngành GTVT. Nhìn nhân chứng sống mỗi ngày, những người trong ngành nói riêng, người dân nói chung sẽ lấy đó làm bài học để đời để “sửa sai” trong những dự án tiếp theo.
Hoặc cũng có thể tận dụng chúng để phát triển mô hình kinh tế đêm của Thủ đô. Chợ đêm Hà Nội không thiếu, phố đi bộ thì lại càng không. Nhưng chợ đêm trên cao hay phố đi bộ trên cao thì hẳn sẽ lại là tuyệt tác. Trước đây, việc lên cao, uống café ngắm phố ban đêm phải trả một khoản tiền không nhỏ. Nếu tận dụng Cát Linh – Hà Đông để biến chúng trở thành một địa điểm ăn uống, đi dạo trên cao với mức giá bình dân hơn thì lo gì không được ủng hộ.
Hoặc một ý tưởng cũng không kém phần táo bạo mà cộng đồng mạng từng đưa ra, đó là biến đường sắt Cát Linh – Hà Đông trở thành những đường hoa trên cao đầy sắc màu. Thiết nghĩ, trong lúc môi trường Hà Nội đang ngày càng ô nhiễm thì đây là ý tưởng không tồi. Thành phố xanh mát hơn ban ngày. Đêm đêm, cây xanh, hoa lá hít CO2, nhả O2 sẽ tạo ra không gian thật dễ thở…
Bức xúc, buồn hay vui cũng chỉ là cảm xúc. Thôi thì đã không thể “chống cự” với kết quả đó thì chúng ta “tận hưởng”…
Mộc Miên/Người Đưa Tin