Biển Đông sẽ không bao giờ như trước nữa

01/05/2020 21:06

“Cuộc chiến công hàm” giữa Trung Quốc và các nước quanh Biển Đông diễn ra song song một loạt động thái điều động quân sự trong tháng 4 của hải quân Trung Quốc đã không còn mang tính chất thăm dò, mà lộ rõ là hiếp đáp, vào lúc cả thế giới đang chống trả đại dịch COVID-19, thứ vốn xuất phát từ chính Trung Quốc.

Từ trái sang: tàu chiến Úc HMAS Parramatta, tàu đổ bộ tấn công của Mỹ USS America, tàu khu trục USS Bary, tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill trên Biển Đông. Ảnh: sldinfo.com

Dùng vũ lực là 
“điều bình thường mới”?

Thời Báo Hoàn Cầu, cơ quan ngôn luận “lớn lối” nhất của Trung Quốc, là nơi thường xuyên loan báo các động thái quân sự ngày càng trở thành “tự nhiên” của đất nước mình. Tỉ như tin hôm 13-4: “Tàu sân bay Trung Quốc Liêu Ninh tiến hành tập trận ở Biển Đông”, với một số chi tiết của cuộc tập trận: “Đội hình hải quân gồm tàu sân bay Liêu Ninh đã tiến hành tập cất và hạ cánh máy bay trong cuộc tập trận “xuyên khu vực trên biển”, có sự tham gia của máy bay phản lực chiến đấu J-15 cùng một số trực thăng trên tàu”.

Bản tin nhấn mạnh giải thích “xuyên khu vực trên biển” là gì: “Đội tàu do tàu sân bay dẫn đầu đã đi qua eo biển Miyako, eo biển Ba Sĩ và tiến vào Biển Đông để tập trận”. Có nghĩa nay hải quân Trung Quốc đã có thể vận động xa hơn, “vòng vo” hơn, lâu ngày hơn, đủ sức “bao phủ” hết diện tích biển tự nhận là của mình.

Tin này được loan đi kèm lá chắn lý luận pháp lý: “Đây là sự sắp xếp thường xuyên theo kế hoạch hằng năm, phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế, phát ngôn viên của hải quân Trung Quốc Gao Xiucheng [Cao Tú Thành] cho biết hôm thứ hai” cùng răn đe: “Hải quân Trung Quốc sẽ tiếp tục thường xuyên tổ chức tập trận tương tự theo kế hoạch nhằm tăng cường khả năng chiến đấu có hệ thống của các nhóm tàu sân bay, ông Gao nói”.

Bài báo không quên khoe sức mạnh của đội tàu sân bay Liêu Ninh lần này còn gồm bốn tàu khu trục trang bị tên lửa hành trình Type 052D, Type 054A (mỗi loại hai chiếc) và một tàu tiếp tế Type 901. Với người đọc thường, chi tiết trên chỉ có nghĩa đội tàu sân bay này chủ yếu gồm bốn chiếc khu trục hộ tống.

Song cần biết rằng hai tàu khu trục Type 054D, có lượng giãn nước toàn tải 7.000 tấn và dài 157m, được trang bị tổng cộng 64 quả tên lửa đối không và đối hạm đặt trong hệ thống ống phóng thẳng đứng “tiện dụng” hơn ống phóng nghiêng, và có radar quét mảng điện tử chủ động (AESA) màn hình phẳng…

Truyền thông Trung Quốc miêu tả lớp tàu khu trục Type 052D tương đương với các tàu được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis của hải quân Hoa Kỳ. Còn tàu Type 54A hỏa lực yếu hơn, chỉ trang bị 32 ống phóng thẳng đứng có khả năng phóng tên lửa chống hạm và phòng không cũng như ngư lôi chống ngầm, song vẫn nhiều gấp bốn lần số ống phóng tên lửa của, nói chẳng hạn, tàu Gepard.

Không chỉ tự biện luận, Hoàn Cầu Thời Báo còn nhờ những “thợ viết mướn” như Mark J. Valencia, người đã phân bua: “Trung Quốc đã không ngừng hoạt động trong các khu vực yêu sách của mình, cũng như các quốc gia có yêu sách khác – và cả không có yêu sách như Mỹ, vốn cũng tiếp tục các hoạt động tự do hàng hải mang tính khiêu khích”.

Valencia nhắc lại vụ tàu Trung Quốc húc chìm tàu cá Việt Nam tháng trước: “Vụ chìm tàu đánh cá Việt Nam tại vùng biển Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa đóng vai trò cột thu lôi với những người chỉ trích Trung Quốc”.

Đến đây, học giả đóng vai thầy cãi mướn cho Trung Quốc: “Nhưng đầu tiên, không rõ ai là người có lỗi. Việt Nam tuyên bố tàu giám sát Trung Quốc đâm và đánh chìm thuyền của họ, trong khi Trung Quốc cho biết chiếc thuyền đã không chịu rời đi và sau đó va chạm với tàu Trung Quốc sau khi quay bánh lái. Tất nhiên, nếu tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc không rượt đuổi tàu đánh cá, vụ va chạm sẽ không xảy ra”.

Việc sử dụng Valencia làm loa phản biện thay vì phát ngôn viên chính thức cho thấy Trung Quốc nay đã bước qua một giai đoạn mới: khẳng định cái gọi là “chủ quyền” qua một bên thứ ba, dù ai cũng hiểu bên thứ ba đó chỉ là cánh tay nối dài của những phát ngôn chính thức.

Cuộc chiến công hàm

Cho tới giờ, Trung Quốc đã luôn ngang ngược khẳng định chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông trong cái gọi là đường chín đoạn phi pháp. Song, từ ngày 12-12-2019, Trung Quốc gửi công hàm số CML/14/2019 tới tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (TTK LHQ) quả quyết rằng: (1) Trung Quốc có chủ quyền đối với bốn nhóm đảo (còn gọi tắt là Tứ Sa) là Hoàng Sa, Trường Sa (của Việt Nam), Trung Sa, Đông Sa, gọi chung là “Nam Hải chư đảo”; (2) Trung Quốc có các vùng biển (nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa) từ các nhóm thực thể; và (3) Trung Quốc có quyền lịch sử ở Biển Đông. Với công hàm CML/14/2019 này, lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra công khai và đầy đủ lập trường liên quan “Nam Hải chư đảo” với LHQ.

Bên cạnh lập trường chính thức nêu trên về “Nam Hải chư đảo”, Trung Quốc còn đưa ra yêu sách: (1) với các bãi ngầm và cấu trúc lúc chìm lúc nổi ở Trường Sa, bãi cạn Macclesfield, thậm chí với những bãi ngầm nằm hoàn toàn trong thềm lục địa phía nam của Việt Nam như bãi Tư Chính; (2) xác lập đường cơ sở quanh các nhóm quần đảo để từ đó yêu sách đầy đủ các vùng biển, bao gồm cả vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa từ “đường cơ sở quần đảo” như một quốc gia quần đảo.

Trung Quốc từng có “tiền lệ” xác lập đường cơ sở thẳng quanh các nhóm đảo nằm xa lục địa của Trung Quốc như Hoàng Sa (của Việt Nam) vào năm 1996 hay nhóm đảo Senkaku (mà Nhật Bản khẳng định chủ quyền) vào năm 2012.

Yêu sách “Tứ Sa” được đánh giá là nguy hiểm vì mưu toan biến cái không được phép, không hợp pháp thành cái được phép, cái hợp pháp qua yêu sách chủ quyền đối với các bãi ngầm ở Biển Đông, quy thuộc thành quần đảo, điều hoàn toàn trái với UNCLOS 1982 vốn quy định các bãi ngầm hoặc cấu trúc lúc chìm lúc nổi không phải là đối tượng thụ đắc lãnh thổ, không thể có vùng biển riêng.

Tất nhiên, các nước trong khu vực đã phản ứng. Ngày 6-3-2020, Philippines gửi lên TTK LHQ công hàm số 000191-2020 phản đối công hàm CML/14/2019 của Trung Quốc. Philippines tuyên bố các yêu sách của Trung Quốc không phù hợp với luật pháp quốc tế. Ngày 23-3-2020, Trung Quốc gửi công hàm CML/11/2020 lên TTK LHQ để phản bác các công hàm của Philippines.

Trong công hàm này, Trung Quốc yêu sách chủ quyền đối với Trường Sa (của Việt Nam), bãi Scarborough (mà Trung Quốc gọi là Hoàng Nham) và các vùng biển lân cận; yêu sách quyền chủ quyền và quyền tài phán với các vùng biển liên quan cũng như vùng đáy biển và vùng đất dưới đáy biển. Trung Quốc còn tiếp tục nhắc lại yêu sách quyền lịch sử ở Biển Đông.

Trong bối cảnh đó, ngày 30-3-2020, Việt Nam gửi công hàm số 22/HC-2020 lên TTK LHQ để phản bác hai công hàm CML/14/2019 và CML/11/2020 của Trung Quốc.

Giữa khung cảnh “cuộc chiến công hàm” còn chưa được LHQ (qua các tòa quốc tế) phân xử, Trung Quốc vẫn tiếp tục thực hiện những động thái binh bị và truyền thông quốc tế cứ như thể nước này đã “có lý” rồi, qua việc làm hoàn toàn sai trái: thành lập các “quận” mới “Tây Sa” và “Nam Sa”, rồi đặt tên cho 80 đảo, bãi đá và thực thể trong Biển Đông!

Rõ ràng đây là một bước thay đổi dứt khoát, chấm dứt mọi “nể nang, hữu nghị” nào còn rơi rớt, lột sạch mọi lớp vỏ mỏng “tôn trọng luật pháp quốc tế” còn miễn cưỡng duy trì, là động thái thẳng tay chiếm đóng và xua đuổi, như bình luận của Valencia về các tàu cá Việt Nam. Biển Đông nay đã thay đổi hoàn toàn khác trước.

Núp bóng dân sự

Cho tới nay, vẫn có một số ý kiến cho rằng tại Mỹ cứ “léng phéng” ra vô Biển Đông nên chọc giận Trung Quốc, khiến Trung Quốc phải “mạnh bạo”, nên tốt hơn hết là Mỹ ra khỏi đây. Tháng 4-2020 là tháng mà Trung Quốc chứng tỏ “chủ quyền” của họ trên Biển Đông ngang ngược hơn bao giờ hết.

Cùng cuộc diễn tập của nhóm tàu sân bay Liêu Ninh ở mạn trên, hôm 13-4, tàu Hải Dương Địa Chất 8, mà năm ngoái đã “đan lưới” ở vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam suốt 4 tháng, tìm cách băng qua Việt Nam, với sự hộ tống của hai tàu hải cảnh, một tàu cá và một tàu dân sự khác mang cờ Trung Quốc.

Đến sáng 14-4, đội tàu này cách bờ biển Bình Định ở khu vực Phú Thứ, Phú Hòa khoảng 87,5 hải lý. Dẫn đường cho nhóm tàu Hải Dương Địa Chất 8 là nhóm tàu hải cảnh mang số hiệu 2103, 5901 và 4201, trong đó tàu 5901 là tàu hải cảnh lớn nhất của Trung Quốc, chạy cách nhóm tàu Hải Dương Địa Chất 8 khoảng 54 hải lý về phía đông nam.

Sang đến sáng 15-4, đội tàu này dường như hướng xuống Malaysia, nơi đang diễn ra cuộc đối đầu giữa Malaysia và Trung Quốc xung quanh hoạt động thăm dò dầu khí của Malaysia ở lô ND-2. Tối cùng ngày, đoàn tàu này đã đi khỏi ranh giới vùng biển Việt Nam và thẳng hướng về phía Malaysia.

Tối 17-4, Hải Dương Địa Chất 8 đã vượt qua vùng chồng lấn yêu sách vùng đặc quyền kinh tế giữa Malaysia và Indonesia. Phải chăng đây là đòn trả đũa của Trung Quốc sau vụ Malaysia đệ trình yêu sách thềm lục địa của nước này lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa của LHQ tháng 12-2019? Là gì đi nữa, đây lại là một dấu hiệu nữa cho thấy nay Trung Quốc đang ngày càng tự tung tự tác, muốn làm gì ở đâu thì làm, chứ không phải chỉ trả đũa Mỹ chọc giận. ■

Valencia khẳng định Trung Quốc không lợi dụng dịch COVID-19 để leo thang căng thẳng, nhưng thực tế là hải quân nước này đã hoạt động mạnh hơn hẳn trong bối cảnh 26 chiến hạm các loại của Mỹ đang “liệt giường, liệt chiếu” trong tháng 4 vì dịch bệnh, bao gồm ba tàu sân bay.

Tổn thất này khiến Mỹ phải điều động tàu đổ bộ tấn công USS America vô Biển Đông cùng tàu khu trục USS Barry, tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill cùng hội quân với tàu HMAS Parramatta của hải quân Úc. Tàu đổ bộ USS America là một tàu sân bay có trọng tải 45.000 tấn, đang chở theo năm chiếc F-35 cất cánh thẳng đứng cùng các trực thăng tấn công, có thể được xem như đối thủ ngang tầm với tàu Liêu Ninh.

Danh Đức/TTO

Đọc nhiều