419
category
449354

“Biến động” ở Biển Đông 

sông trà 15/11/2020 18:44

“Hai bên cần tiếp tục nỗ lực thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và nỗ lực xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế UNCLOS 1982”.

Đó là một trong những phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị cấp cao (HNCC) ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan giữa ASEAN với các Đối tác. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn luôn giữ vững lập trường của mình ở Biển Đông trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị cấp cao (HNCC) ASEAN lần thứ 37

“Biến động” ở Biển Đông

Tình hình biển Đông vẫn đang phức tạp, có nhiều biến động. Chúng ta cũng rất khó lường cái gì có thể xảy ra. Có thể tình huống giống hoặc không giống nhưng dù là tình huống nào, chúng ta cũng phải chuẩn bị hết sức kỹ càng.

“Biến động” đầu tiên về Biển Đông mà chúng ta không thể không nói đến là cuộc bầu cử Mỹ. Dư luận ai cũng đồn đoán chính sách về Biển Đông của Trump và Biden sẽ thay đổi.

Lịch sử 300 năm của nước Mỹ chưa khi nào đề cao chủ nghĩa dân tộc như 4 năm vừa rồi, toàn bộ được gói gọn trong slogan “Nước Mỹ trên hết”. Đương nhiên, nội hàm của mệnh đề này sẽ xung đột nghiêm trọng đến lợi ích của các cường quốc. Trump thất cử, chủ nghĩa Trump cũng tan thành mây khói.

Cả thế giới nín thở ngóng theo chương trình nghị sự của Biden để xoay trở, điều chỉnh sao cho ít lệch pha nhất. Nếu như cần tìm một hệ quy chiếu để dự đoán thì hãy lật lại hình ảnh nước Mỹ 8 năm dưới thời B. Obama.

Nhưng kỳ thực, dù ai thắng thì một thực tế của Mỹ không bao giờ thay đổi, Mỹ luôn tuân thủ câu: “Không có đồng minh vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn – chỉ có Lợi ích Quốc Gia là vĩnh cửu”. Song song, dù ai nắm quyền tại Mỹ thì Việt Nam vẫn là nước được Mỹ tôn trọng trong chiến lược phát triển kinh tế lẫn an ninh-quốc phòng.

“Biến động” thứ hai, Trung Quốc thời gian qua sẽ  tăng cường hoạt động quân sự ở Biển Đông.

Cần phải nhớ, trong 8 năm ông Obama làm Tổng thống, thế giới hầu như không có nhiều thông tin về các chương trình hành động của Bắc Kinh. Chẳng ai biết “Vành đai Con đường” có hình hài ra sao, tác động, ảnh hưởng như thế nào đến các quốc gia nhỏ, nghèo.

Cũng trong 8 năm đó, Trung Quốc liên tục tăng cường các hoạt động phi pháp trên Biển Đông. Cho đến cuối nhiệm kỳ Tổng thống Trump, lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ mới có một Ngoại trưởng Mỹ (Mike Pompeo) trực tiếp lên tiếng bác bỏ các yêu sách về chủ quyền phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông.

Mới đây, ngày 4/11 vừa qua, Trung Quốc công bố dự thảo sửa đổi luật dành cho lực lượng hải cảnh của nước này đã được trình bày. Trong đó, điểm nổi bật là hải cảnh có trách nhiệm xua đuổi tàu thuyền các nước khác, thậm chí sử dụng vũ khí nhằm vào tàu các nước khác ở khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Việc sử dụng vũ khí có thể được thực thi khi tàu nước ngoài không đáp ứng yêu cầu của hải cảnh Trung Quốc.

Nếu Luật này được thông qua, sẽ là mối nguy lớn với ngư dân Việt Nam, bởi vì khái niệm “vùng biển Trung Quốc” hiện nay còn gây tranh cãi về phạm vi, quy mô, nhiều khu vực chồng lấn lên chủ quyền, lãnh hải của Việt Nam và nhiều quốc gia Đông Nam Á khác.

Vì sao đến bây giờ, dự Luật này mới được truyền thông Trung Quốc công bố? Phải chăng, người Trung Quốc đã biết đối thủ nặng ký nhất của mình sắp sửa xách va ly rời khỏi chính trường?

Theo nhận định của các chuyên gia quốc tế, đây chỉ là chiêu trò luật pháp mà Trung Quốc đưa ra như trên thì thực tế cũng là một hình thức “quân sự hóa” bằng lực lượng dân sự, khiến tình hình Biển Đông càng thêm phức tạp.

Trước đó, ngày 8/10, Đài CGTN của Trung Quốc đăng tải đoạn video có nội dung “khoe” rằng máy bay tiêm kích của nước này vừa bay liên tục 10 tiếng ở Biển Đông. “Kỷ lục” trước đó của không quân Trung Quốc ở vùng biển này là 8 tiếng 30 phút.

Hoặc cuối tháng 8 vừa qua, Trung Quốc đã phóng ra Biển Đông tên lửa Đông Phong 26B (DF-26B) – loại tên lửa được Trung Quốc tự tin đặt cho danh xưng “sát thủ tàu sân bay”.

Liên quan đến vấn đề này, Thạc sĩ Nguyễn Thế Phương thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế (Trường ĐH KHXH&NV – ĐH Quốc gia TP.HCM) nhận định: “Bản thân cuộc tập trận của Trung Quốc đã là một thông điệp, nhưng các hoạt động trong cuộc tập trận đó mới quyết định sức nặng của thông điệp muốn gởi. Vụ phóng 2 tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D và DF-26B như báo Hong Kong đã nói là một động thái bất ngờ, nhưng thông điệp vẫn như cũ: cảnh báo Mỹ và chứng minh năng lực, khả năng sẵn sàng chiến đấu của Trung Quốc”.

“Biến động” thứ ba mà chúng ta không thể không đề cập đó là nội bộ của ASEAN về lập trường Biển Đông chưa có sự thống nhất để đưa ra một bộ quy tắc chung buộc các quốc gia phải tuân thủ, trong đó có Trung Quốc. Điều đáng nói, chính Trung Quốc là người đứng sau giật dây cho sự bất đồng này.

Ở Biển Đông, ngoài Trung Quốc thì một số nước ASEAN như Malaysia, Philippines, Việt Nam… đều có tuyên bố chủ quyền. Đây chính là điểm đầu tiên Trung Quốc muốn khai thác để chia rẽ các nước ASEAN. Việc các nước ASEAN có tranh chấp Biển Đông và cho đến nay chưa giải quyết dứt điểm về mặt nội bộ giúp Trung Quốc tìm kiếm khoảng trống để chen chân vào cuộc chơi.

Sắt son lời thề giữ biển

Những hành động của Trung Quốc đe dọa trực tiếp đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam và các quốc gia, ảnh hưởng đến tự do hàng hải và hàng không cũng như các hoạt động kinh tế tại khu vực Biển Đông.

Trước hàng loạt tuyên bố chính trị, những hành động ngang ngược và biện pháp hành chính sai trái trên Biển Đông của Trung Quốc thời gian qua, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã liên tục đưa ra các tuyên bố khẳng định: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hủy bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó và không có những việc làm tương tự trong tương lai”.

Quan điểm, đường lối chỉ đạo nhất quán của Đảng ta là phải giữ vững, bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, cả trên đất liền và biển đảo, duy trì môi trường hòa bình, ổn định để phát triển. Đây cũng là tinh thần, truyền thống lịch sử thiêng liêng nghìn đời mà ông cha ta để lại, dù bất kỳ giai đoạn, thời kỳ lịch sử nào cũng không bao giờ thay đổi.

Dù biến động thế nào đi nữa, chúng ta đều phải ghi nhận một điều rằng, biển, đảo Việt Nam không chỉ trải suốt dọc chiều dài đất nước hàng ngàn cây số bờ biển, với hàng ngàn hòn đảo từ Bắc vào Nam, mà ở sâu trong tiềm thức người Việt gắn với truyền thuyết về cội nguồn dân tộc và văn hóa biển đặc sắc.

Nói cách khác, trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là những ngư dân bao đời gắn bó với nghề biển, những vùng biển như Vịnh Bắc Bộ, Hoàng Sa, Trường Sa, biển Tây Nam… là ngư trường truyền thống, là chốn mưu sinh, là máu thịt không thể tách rời của đất mẹ Việt Nam.

Bên cạnh đó, chúng ta đã có sức mạnh quốc tế rất mạnh mẽ để chia sẻ trong vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo. Hơn nữa, khi Việt Nam đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên nên những nước muốn quậy phá phải suy nghĩ, kiềm chế lại.

Có thể nói,  biển, đảo không phải lúc nào cũng yên bình và dù Biển Đông có dậy sóng thế nào đi nữa. Thì với mỗi người dân Việt Nam, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Vì thế, quân và dân ta luôn trong tâm thế sẵn sàng đứng lên đấu tranh, không quản ngại hy sinh để giữ bình yên cho biển đảo, bảo vệ biên cương tổ quốc.

Có lẽ, tuyên ngôn về chủ quyền đất nước “Nam quốc sơn hà” ngàn năm trước đã được các thế hệ người Việt tiếp nối, “sắt son lời thề giữ biển”.

Sông Trà

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Đọc nhiều