Biển Đông ngập tràn hệ thống viễn thám của Trung Quốc

29/09/2021 12:39

“Biển Đông thực sự là một phần trong chiến lược phòng ngự chiều sâu của Trung Quốc”, Michael Dahm, nghiên cứu viên cấp cao về an ninh quốc gia thuộc Phòng thí nghiệm ứng dụng vật lý, Đại học Johns Hopkins (Mỹ), nói trong tọa đàm trực tuyến về Biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tổ chức ngày 23/9.

Chuyên gia Mỹ cho rằng Trung Quốc xây dựng mạng lưới thông tin dày đặc trên các đảo nhân tạo bị bồi đắp trái phép trên Biển Đông, hòng chiếm ưu thế trong việc kiểm soát thông tin.

Theo ông Dahm, Trung Quốc muốn dùng các tiền đồn họ xây dựng trái phép tại Biển Đông để phục vụ mục đích phòng ngự. Nếu có xung đột, đối phương sẽ phải vượt qua các đảo nhân tạo ở Biển Đông để chạm tới đảo Hải Nam (Trung Quốc).

Để thực hiện ý đồ, Trung Quốc đã xây dựng mạng lưới thông tin dày đặc trên các đảo nhân tạo được bồi đắp trái phép. Mạng lưới này góp phần giúp Trung Quốc thực hiện chiến lược chiến tranh thông tin hóa, ông Dahm nhận định.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần khẳng định Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp luật pháp quốc tế.

Hạm đội tàu cá Trung Quốc neo đậu tại rạn đá Ba Đầu thuộc cụm Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam ở Biển Đông. Ảnh: Reuters.

7 thực thể của Trường Sa bị Trung Quốc bồi đắp trái phép

Từ năm 2013, quân đội Trung Quốc bắt đầu xây dựng các đảo nhân tạo bên trên những thực thể họ chiếm đóng trái phép. Những đảo này được phát triển thành căn cứ quân sự và được hoàn thiện đáng kể trong năm 2018.

Trên đất liền Trung Quốc, các yếu tố cấu thành của một căn cứ quân sự có thể được phân tán trên phạm vi rộng. Nhưng tại Biển Đông, rất nhiều hệ thống đều được tập trung trên cùng một đảo nhân tạo, như hệ thống truyền thông vệ tinh, hệ thống truyền tin cao tần, radar, tác chiến điện tử, cơ sở tên lửa, nhà chứa máy bay,…

“Những tiền đồn chính của Trung Quốc (trên các đảo nhân tạo) đủ lớn để lắp đặt hoặc triển khai gần như mọi loại hệ thống vũ khí hoặc máy bay trong tay quân đội nước này”, ông Dahm nói.

he thong thong tin Trung Quoc Bien Dong anh 3
Nhiều yếu tố thông thường phân tán diện rộng trên đất liền xuất hiện trong một bức ảnh vệ tinh chụp đá Vành Khăn thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp. Ảnh: Maxar/DigitalGlobe.

Theo ông Dahm, truyền thông từng đưa tin Trung Quốc triển khai tên lửa đất đối không tại các đảo nhân tạo, dù ảnh vệ tinh thương mại và miễn phí chưa ghi nhận hình ảnh loại tên lửa này.

“Nếu có, chúng sẽ được đặt trong garage… Mỗi đảo nhân tạo lớn của Trung Quốc đều có 8 garage, tương ứng con số 8 bệ phóng thường thấy trong một tiểu đoàn tên lửa phòng không của Trung Quốc”, ông Dahm nói.

Dù vậy, ông Dahm chỉ ra rằng hỏa lực trên các đảo nhân tạo này không bằng hỏa lực của chỉ ba tàu hải quân Trung Quốc kết hợp lại, gồm một tuần dương hạm, một khu trục hạm, và một khinh hạm.

“Nếu Hải quân Trung Quốc điều 10-20 tàu tới Biển Đông, ta sẽ dần thấy được là tên lửa có thể chỉ được đặt trên các đảo nhân tạo để phòng thủ”, ông Dahm nói.

Mạng lưới thông tin dày đặc

Ông Dahm chỉ ra rằng chúng ta thường tập trung vào hệ thống vũ khí cùng phạm vi tấn công mà đôi lúc quên đi điều chiếm vị trí trung tâm trong chiến lược chiến tranh thông tin hóa của Trung Quốc, cụ thể là việc kiểm soát thông tin trên chiến trường.

Theo ông Dahm, những đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp đã tạo ra một mạng lưới dày đặc các năng lực truyền tin, giám sát, và trinh sát. Các đảo nhân tạo này được kết nối với nhau bằng cáp quang dưới biển, vệ tinh thông tin, đường truyền băng thông rộng tần số cao, đường truyền tán xạ tầng đối lưu…

he thong thong tin Trung Quoc Bien Dong anh 4
Mạng lưới truyền tin được xây dựng trên các đảo nhân tạo bị Trung Quốc bồi lấp trái phép. Đồ họa: Michael Dahm.

Với mạng lưới liên lạc trên, tàu và máy bay quân sự Trung Quốc có thể hoạt động tương đối kín đáo tại Biển Đông bằng cách tắt hệ thống liên lạc và radar, qua đó khiến chúng khó bị phát hiện. Trong khi đó, các đảo nhân tạo sẽ âm thầm thu thập và truyền đạt thông tin chiến trường.

Lấy ví dụ cho công dụng của những đảo nhân tạo này, ông Dahm nhắc lại sự kiện hàng trăm tàu cá Trung Quốc, vốn bị nghi là tàu dân quân biển, neo đậu trái phép tại đá Ba Đầu vào tháng 3.

Gần đá Ba Đầu là đá Tư Nghĩa, một rạn san hô thuộc cụm Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã bị Trung Quốc bồi đắp trái phép.

Lượng thông tin mà đá Tư Nghĩa cung cấp cho Trung Quốc vượt xa so với lượng thông tin tàu các nước khác nhận được. Do nắm thông tin, tàu Trung Quốc có thể lựa chọn thời gian và địa điểm can dự.

he thong thong tin Trung Quoc Bien Dong anh 5
Căn cứ trái phép trên đá Tư Nghĩa giúp hệ thống truyền tin và radar của Trung Quốc có độ bao phủ, từ đó giúp tàu nước này chiếm ưu thế trong khả năng nắm bắt tình hình. Đồ họa: Michael Dahm.

Theo ông Dahm, căn cứ trái phép trên đá Tư Nghĩa còn giúp hệ thống truyền tin và radar của Trung Quốc có độ bao phủ, từ đó giúp họ chiếm ưu thế trong khả năng nắm bắt tình hình, cũng như khả năng liên lạc và điều khiển lực lượng dân quân biển neo đậu tại đá Ba Đầu một cách dễ dàng.

“Giá trị thật sự của các đảo nhân tạo (đối với Trung Quốc) cả trên phương diện sức mạnh chiến đấu và thông tin chiến trường nằm ở những thông tin liên lạc và dữ liệu tình báo – giám sát – trinh sát các đảo này thu thập được, cũng như sức mạnh trên không”, ông Dahm nhận định.

Mở rộng tầm hoạt động của máy bay

Một lợi thế nữa mà Trung Quốc thu được từ những sân bay được xây dựng trái phép tại Biển Đông là việc tăng tầm hoạt động cho máy bay.

Với vị trí nằm cách đất liền Trung Quốc 700 hải lý, nếu cất cánh từ những sân bay này, máy bay Trung Quốc có thể hoạt động lâu hơn, đặc biệt là loại máy bay làm nhiệm vụ đặc biệt và thiết bị bay không người lái phụ trách truyền tin và trinh sát.

“Một lần nữa, thông tin vẫn là cốt lõi trong chiến thuật chiến tranh thông tin hóa của Trung Quốc”, ông Dahm nhấn mạnh.

Quân đội Trung Quốc hoàn toàn có thể cho máy bay trinh sát cảnh báo sớm KJ-500 hoặc máy bay chống tàu ngầm KQ-200 bay từ đất liền đến eo biển Malacca hoặc vùng lân cận Singapore.

Nhưng với khoảng cách ấy, kể cả máy bay tầm xa như KJ-500 cũng sẽ phải quay đầu sau khoảng một tiếng.

he thong thong tin Trung Quoc Bien Dong anh 6
Một máy bay cảnh báo sớm KJ-500 của Trung Quốc cất cánh vào ngày 6/2/2019. Ảnh: China Military.

Nếu bay từ đảo nhân tạo, máy bay trinh sát – chỉ huy – điều khiển của Trung Quốc có thể hoạt động trong thời gian dài hơn và có thể vươn tới Vịnh Thái Lan hoặc biển Celebes (vùng biển tiếp giáp Malaysia, Philippines và Indonesia), theo ông Dahm.

Trong tương lai, máy bay tiêm kích và thậm chí là máy bay đánh bom của Trung Quốc có thể được triển khai tới các đảo nhân tạo này. Nhưng lúc này, quân đội Trung Quốc đang triển khai máy bay làm nhiệm vụ đặc biệt và trực thăng tới đây.

Ông Dahm cho biết tháng 6/2020, ảnh vệ tinh cho thấy máy bay KJ-500 và KQ-200 được triển khai tới sân bay tại đá Chữ Thập.

Tới tháng 6 và tháng 7, ảnh vệ tinh cho thấy có máy bay làm nhiệm vụ đặc biệt và trực thăng hoạt động từ đá Subi và đá Vành Khăn. Điều này cho thấy các sân bay ở 2 đá này đã có thể hoạt động 100%.

Tóm lại, bất kể Trung Quốc triển khai năng lực quân sự gì tới Biển Đông, tầm với và độ chính xác của vũ khí Trung Quốc sẽ được quyết định bởi tầm nhìn của họ, ông Dahm nhận định.

“Các đảo nhân tạo là những mắt xích mấu chốt trong một hệ thống tại Biển Đông. Hệ thống này lại bao gồm nhiều hệ thống khác giúp tạo ra mạng lưới truyền tin và trinh sát, từ đó mở rộng phạm vi tấn công và triển khai lực lượng vượt xa khỏi các đảo nhân tạo”, ông Dahm nói.

Quốc Đạt

Đọc nhiều