Biển Đông: Mỹ – Trung đối đầu đẩy Việt Nam trước chọn lựa ‘sinh tử’?

18/08/2020 16:00

Tình hình an ninh ở Biển Đông và khu vực đang dần ‘nóng lên’ và có chiều hướng ‘xấu đi rõ rệt’ với các diễn biến từ “đối đầu cục bộ’ sang ‘đối đầu toàn diện’ giữa hai đại cường cùng hiện diện ở khu vực là Trung Quốc và Mỹ. Biển Đông giờ đã đồng thời trở thành ‘thuốc thử’ cho câu cửa miệng ‘phát triển hòa bình’ của Trung Quốc, vị trí thống lĩnh của Mỹ ở khu vực và sự thống nhất của ASEAN.

Mỹ – Trung cùng lúc lôi kéo, xây dựng liên minh trong ASEAN

Trong khi Mỹ, khiến bao dân mình xốn xang với bản “Tuyên bố về lập trường của Mỹ đối với các yêu sách biển ở Biển Đông” ngày 13/07/2020, đã như “3 mặt 1 nhời’ thể hiện lập trưởng mạnh mẽ, phủ nhận các yêu sách biển của Trung Quốc, đồng thời ẩn ý sẽ hỗ trợ các nước ASEAN về vấn đề Biển Đông.

Thì Trung Quốc cũng “không phải dạng vừa”, khi chủ động đưa ra đề xuất hợp tác “KINH TẾ XANH” một phát trúng 2 con nhạn. Vừa nhằm định hình khu vực, đẩy nhanh tiến trình nhất thể hóa kinh tế với ASEAN. Đồng thời, biến Biển Đông trở thành tuyến đường chiến lược, vùng biển trọng điểm trên tuyến “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21”, đối trọng với “Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương” và “Mạng lưới điểm Xanh” của Mỹ. Theo đó, Trung Quốc ra sức sử dụng các lợi ích về kinh tế cũng như sức ép nhằm buộc các nước ủng hộ lập trường, công nhận các yêu sách Biển Đông của mình, ngăn cản sự “can thiệp từ các nước bên ngoài”. Trong đó, Campuchia là quốc gia đã thể hiện rõ quan điểm “thân Trung Quốc ”để đổi lại các lợi ích về kinh tế, hỗ trợ quân sự.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang đứng trước xung đột Mỹ-Trung đầy cam go. Ảnh: AP

Dĩ nhiên, đối với từng nước cụ thể, Mỹ – Trung đều thể hiện mức độ khác nhau.

Như đối với Malaysia, Mỹ đang ra sức lôi kéo nước này trước và sau thời điểm đưa ra tuyên bố, Mỹ đều gặp đại diện Bộ Ngoại giao Malaysia để báo trước về các động thái, đồng thời có ý thúc ép Malaysia ủng hộ khi cho biết sẽ suy xét kỹ lưỡng những phản hồi của các quốc gia liên quan cũng như khuyến khích Malaysia lên tiếng về các yêu sách của mình tại Biển Đông.

Trong khi đó, Trung Quốc một mặt tiến hành gây sức ép, ngăn cản hoạt động thăm dò, khai thác tại Biển Đông của Malaysia (vụ tàu HD-8 và tàu West Capella). Mặt khác, dùng các lợi ích trong đề xuất hợp tác khai thác dầu khí chung và sử dụng chính sách “ngoại giao thầm lặng” trong giải quyết vấn đề song phương để đảm bảo môi trường chính trị ổn định cho chính phủ mới của Malaysia.

Còn Philippines, với chính sách “ngoại giao độc lập”, thường xuyên đưa ra các tuyên bố trái ngược để vừa duy trì quan hệ với Mỹ, đồng thời tìm kiếm lợi ích từ TQ, Tổng thống Duterte là mục tiêu để cả chủ tịch Tập Cận Bình và tổng thống Donald Trump lôi kéo. Với vị trí đồng minh hiệp ước và cung cấp các sân bay, bến cảng gần khu vực tranh chấp tại Biển Đông nhất, Philippines là nước đặc biệt quan trọng nếu Mỹ muốn gia tăng các hoạt động quân sự tại Biển Đông. Do đó, ngay sau ngoại trưởng Mỹ ra tuyên bố, được biết, đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Mỹ đã có cuộc gặp với Đại sứ quán Philippines tại Mỹ để nhấn mạnh “ý nghĩa chính sách Mỹ đang hướng đến với mục đích đầu tiên và quan trọng nhất để hỗ trợ cho Philippines”; thứ hai mới là là cho các tuyên bố chủ quyền của các nước đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực, đồng thời ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài.

Về phía Trung Quốc, trong khi Philippines đang chật vật đối phó với dịch Covid-19, Chủ tịch Tập Cận Bình trong phiên điện đàm với Tổng thống Duterte ngày 11/6/2020 đã cam kết ưu tiên Phillippines tiếp cận với vắc -xin chống Covid-19 của Trung Quốc, cho thấy rõ việc sử dụng “ngoại giao y tế”, xem vắc xin Covid-19 như “củ cà rốt” trong lôi kéo các nước về phía mình.

Tất nhiên, trong cạnh tranh chiến lược tại Biển Đông, vượt trội về quân sự là yếu tố quyết định, do đó: cả Mỹ – Trung đều gia tăng quân sự hóa Biển Đông

Theo đó, sau khi đã hoàn thành cải tạo đảo/đá ở Biển Đông, Trung Quốc đã tiến tới tăng cường năng lực phòng thủ và tấn công cho các căn cứ quân sự tại đây. Bằng loạt các động thái sau: Triển khai hàng loạt vũ khí và hệ thống tên lửa ra Trường Sa; Song song việc kiểm soát khu vực mặt biển, vùng trời, Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh việc thiết lập mạng lưới quan trắc ở đáy Biển Đông, nơi sức mạnh của lực lượng tàu ngầm TQ có thể gây khó khăn cho các tàu sân bay Mỹ. Nhằm thu thập dữ liệu phục vụ tác chiến trên biển, nắm được biến đổi địa chất, đảm bảo sự ổn định của các công trình trên biển và phục vụ việc khai thác tài nguyên như băng cháy tại Biển Đông. Trung Quốc thậm chí còn lên kế hoạch triển khai nhà máy điện hạt nhân nổi ACPR50S trên Biển Đông với thời gian dự kiến từ 01/2018 – 12/2024, tại đảo Phú Lâm và khu vực lân cận. Động thái nguy hiểm này đã được Mỹ cảnh báo và tỏ ra đặc biệt lo ngại có thể làm thay đổi cán cân quân sự tại Biển Đông.

Về phía Mỹ, trên cơ sở “Thuyết về quyền lực biển” đã góp phần giúp Mỹ chiến thắng trong Chiến tranh thế giới thứ hai, đưa nước này trở thành siêu cường, Mỹ luôn coi biển là lợi ích quốc gia quan trọng. Theo đó, Mỹ không ngừng gia tăng các hoạt động quân sự tại Biển Đông như hoạt động tự do hàng hải. Kể từ khi ông Trump nhậm chức đến nay, Mỹ đã thực hiện ít nhất 15 lần hoạt động này, trong khi dưới thời ông Obama, quân đội Mỹ chỉ thực hiện hoạt động này đúng 4 lần. Bên cạnh đó, Tổng thống Trump còn cam kết bán tên lửa cho Philippines; Mỹ cũng đồng thời chia sẻ thông tin Philippines về các hoạt động của Trung Quốc, nhất là đối với “Chiến dịch Bích Hải 2020” mà Mỹ cho rằng, TQ mượn cớ để gây sức ép, đe dọa các quốc gia có yêu sách ở Biển Đông.

Song song đó, Mỹ cũng đẩy mạnh hợp tác quốc phòng giữa các đồng minh. Được biết, vào ngày 31/01/2019, tại căn cứ quân sự General Emilo Aguinaldo, thành phố Quezon, Philippines đã diễn ra Hội nghị lần đầu tiên của “Đối thoại Quốc phòng 3 bên Mỹ – Nhật – Philippines”. Nhằm tăng cường hợp tác quân sự giữa 3 bên với điểm nhấn là thu hút Nhật Bản tham gia vào hoạt động hợp tác quân sự chung trên biển do Mỹ – Philipines tiến hành tại quần đảo Batanes của Philippines. Bước đi này giúp kết nối các đồng minh có chung lợi ích, tạo thành khối sức mạnh để bảo vệ, duy trì các lợi ích của Mỹ cũng như đồng minh tại khu vực Biển Đông nói riêng, khu vực Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương nói chung, nhằm hiện thực hóa chiến lược “Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương tự do và mở rộng” của Mỹ.

Hàng loạt các động thái cứng rắn của Mỹ liên quan đến vấn đề Biển Đông thời gian gần đây nhằm kiên định kiềm chế vai trò độc tôn của Trung Quốc tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Thông qua đẩy mạnh chính sách quân sự hóa ở Biển Đông với các định hướng chiến lược nhằm răn đe, ngăn chặn và loại bỏ Trung Quốc ngay ở giai đoạn phát triển lớn mạnh đầu tiên của lực lượng hải quân. Làm nổi bật sự cứng rắn của Tổng thống Trump, chuyển hướng sự chú ý trong nước phục vụ mục tiêu tái đắc cử. Việc buộc các nước “chọn phe” trong tranh chấp Biển Đông, đặc biệt đối với Philippines là động thái của Mỹ nhằm gây sức ép đối với Tổng thống Duterte đang ở cuối nhiệm kỳ và hỗ trợ cho thế lực thân Mỹ và chống Trung Quốc trong chính trường Philippines. Còn Trung Quốc nhằm phục vụ tham vọng trở thành siêu cường, đối trọng với Mỹ. Âm mưu bá quyền, độc chiếm toàn bộ Biển Đông. Thể hiện sức mạnh quân sự của một “nước lớn”.

Cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc tại Biển Đông có tác động đến cục diện chính trị, an ninh thế giới; có khả năng định hình lại bàn cờ địa chính trị ở châu Á, đặc biệt tại khu vực Đông Nam Á. Xét khía cạnh tích cực về an ninh quân sự và địa chính trị, chính sách của Mỹ giúp kiềm chế Trung Quốc đối với hoạt động trên Biển Đông; tạo chỗ dựa cho các đồng minh, đối tác của Mỹ, khuyến khích các bên tranh chấp, bao gồm Việt Nam khẳng định chủ quyền ở Biển Đông, tự do tiến hành các hoạt động khai thác dầu khí và có động thái cứng rắn hơn trong đấu tranh chủ quyền với Trung Quốc. Đồng thời, cản trở các hành vi của Trung Quốc, bao gồm khai thác tài nguyên và nghề cá trái phép, các hoạt động hủy hoại môi trường biển trong chiến lược phát triển kinh tế biển của Trung Quốc. Tuy nhiên, tác động xấu cũng không ít, có thể thấy như: các chính sách và hoạt động đối đầu Mỹ – Trung sẽ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, lôi kéo nhiều nước can dự vào khu vực Biển Đông, biến khu vực này trở thành nơi cạnh tranh và đọ sức quốc tế và có thể khiến TQ hành động mạnh tay hơn ở Biển Đông; gây bất ổn và phức tạp tình hình, tác động xấu an ninh chủ quyền và lợi ích của Việt Nam.

Thậm chí, GS Mark J. Valencia hiện là học giả thỉnh giảng cao cấp tại Viện Nghiên cứu quốc gia về biển Đông, Hải Khẩu, Hải Nam, Trung Quốc hôm 14/8 có bài viết trên báo South China Morning Post cho rằng: “Các động thái và tuyên bố chống lại yêu sách của Trung Quốc một cách mạnh mẽ gần đây của Mỹ có thể đưa các nước Đông Nam Á có yêu sách ở Biển Đông rơi vào thế phải chọn “phe Mỹ” hay “phe Trung Quốc”.

Nếu cho rằng việc Mỹ gia tăng hiện diện và đối đầu Trung Quốc ở Biển Đông sẽ khiến các nước ASEAN rơi vào thế “chọn phe”, thì đó là suy nghĩ sai lầm.

Hãy nhớ, đối với Mỹ như Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng nước này khẳng định “ý nghĩa chính sách Mỹ đang hướng đến với mục đích đầu tiên và quan trọng nhất để hỗ trợ cho Philippines”. Trên hết, Việt Nam phải là quốc gia quyết định các vấn đề liên quan đến chủ quyền trên biển chứ không phải Mỹ, càng không phải Trung Quốc.

Còn Trung Quốc, dù biên giới trên bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã yên vì hiệp ước phân định biên giới giữa hai nước đã được ký kết, nhưng ngoài biển Đông, Trung Quốc vẫn liên tục quấy nhiễu.Một gã cường quốc được gọi là “hàng xóm” của Việt Nam mà trong tư tưởng luôn có những mưu toan, bành trướng và thực tế ở Biển Đông họ đã chiếm đảo của Việt Nam, có nhiều hành động thay đổi hiện trạng các thực thể đảo/đá, gia tăng hoạt động quân sự… điều này hẳn ai cũng biết.

Xét trong bối cảnh đó, nhớ lời khi xưa của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người từng nhận xét về phong trào yêu nước của Cụ Phan Bội Châu và Cụ Phan Châu Trinh: “Cụ Phan Chu Trinh yêu cầu thực dân Pháp thực hiện cải lương, việc này “chẳng khác nào xin giặc rủ lòng thương”. Cụ Phan Bội Châu hy vọng Nhật giúp ta đuổi Pháp cũng chẳng khác gì “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”.

“Lời nguyền địa lý” không tạo ra nhiều cơ hội thắng thế cho các nước xung quanh Biển Đông trước một TQ mạnh và hung hăng, trong khi liên minh với Mỹ không thể giải quyết triệt để bài toán khó này. Sự kiện Philippines, đồng minh truyền thống của Mỹ, để lọt bãi cạn Scarborough vào tay TQ năm 2012 cho thấy cái gọi là liên minh để chống lại bá quyền đã trở nên mong manh.

Mỹ và các nước cùng nhau đến Biển Đông, không nhất thiết phải lập liên minh, sẽ có thể khiến TQ phải thận trọng và dè chừng hơn. Trong khi đó, Việt Nam có không ít lựa chọn tốt hơn việc “chọn phe” Mỹ hay TQ. Đối sách 4K giúp Việt Nam minh định rõ đâu là đấu tranh bảo vệ chủ quyền tối thượng phải theo đuổi, và đâu là vòng xoáy xung đột của nước lớn phải tránh.

Theo FB Tư Nguyên

Đọc nhiều