420
category
534667

Biển Đông 20/7: Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói “không biết” về vụ tàu chiến quấy nhiễu trên Biển Đông

Trần Anh 20/07/2021 18:00

Ngày 19/7, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Tại cuộc điện đàm, hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ để tiếp cận nguồn vaccine COVID-19 và phục hồi kinh tế-xã hội bền vững; tăng cường hợp tác để thúc đẩy quan hệ hai nước trên mọi lĩnh vực và tại các cơ chế đa phương.

Biển Đông 20/7 - ảnh 1
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.

Ngoài ra, lãnh đạo hai nước cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục duy trì đoàn kết và các nguyên tắc đã nhất trí của ASEAN trong vấn đề Biển Đông, đảm bảo thực thi đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất và hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.

Cùng ngày, Thư ký Báo chí Lầu Năm Góc John Kirby cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sẽ có chuyến công du tới Philippines, Singapore và Việt Nam bắt đầu từ ngày 23/7 để mở rộng và làm sâu sắc hơn các mối quan hệ an ninh song phương, trong bối cảnh cạnh tranh với Trung Quốc leo thang. Bộ trưởng Lloyd Austin nhấn mạnh, “Các liên minh và đối tác mạnh mẽ là chìa khóa để hỗ trợ một trật tự dựa trên quy tắc ở Ấn Độ – Thái Bình Dương. Đó là lý do tại sao tôi đến thăm Singapore, Việt Nam và Philippines vào cuối tuần này”. Truyền thông Philippines dẫn lời các chuyên gia ngoại giao châu Á cho biết, mục đích của chuyến thăm là nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của các nước Đông Nam Á và thúc đẩy chiến lược Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương (PDI) của Mỹ để kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc, trong đó Philippines đóng một vai trò quan trọng trong kế hoạch răn đe với tư cách đồng minh lâu đời nhất của Mỹ trong khu vực.

Biển Đông 20/7 - ảnh 2
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sẽ có chuyến công du tới Philippines, Singapore và Việt Nam bắt đầu từ ngày 23/7 để mở rộng và làm sâu sắc hơn các mối quan hệ an ninh song phương, trong bối cảnh cạnh tranh với Trung Quốc leo thang.

Thời điểm này, Tuần duyên Philippines cho biết đã xua đuổi một tàu chiến Trung Quốc ở khu vực đá Đồng Thạnh thuộc Biển Đông. Theo tuần duyên Philippines, tàu Trung Quốc gửi tin nhắn vô tuyến điện nói mình là “tàu chiến hải quân Trung Quốc 189” và yêu cầu tàu Philippines giữ khoảng cách. Được biết, tàu 189 cũng đã rời khỏi khu vực sau nhiều lần thách thức tàu tuần duyên BRP Cabra của Philippines. Trong cuộc họp báo ngày 19/7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói “không biết về thông tin trên” và chuyển câu hỏi cho các cơ quan chức năng khác.

Biển Đông 20/7 - ảnh 3
Hình ảnh được cho là “tàu chiến hải quân Trung Quốc 189”.

Cũng trong cuộc họp báo, trả lời câu hỏi về việc lãnh đạo Mỹ, Nhật, Úc… tại cuộc họp không chính thức các lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) ngày 16/7 đã thảo luận và ủng hộ chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do rộng mở, ông Triệu Lập Kiên nhấn mạnh tất cả các bên cần phải cởi mở, có tinh thần trách nhiệm và nên tập trung vào việc giải quyết các vấn đề hơn là “chơi đùa với các khái niệm” và “kéo bè kết cánh nhằm vào bên thứ 3” vì lợi ích địa chính trị; khẳng định Trung Quốc sẵn sàng cùng với các bên thúc đẩy hợp tác cùng có lợi, nỗ lực vì chất lượng cuộc sống của người dân trong khu vực dựa trên tinh thần cộng đồng chung vận mệnh châu Á – Thái Bình Dương.

Biển Đông 20/7 - ảnh 4
Ông Triệu Lập Kiên nhấn mạnh tất cả các bên cần phải cởi mở, có tinh thần trách nhiệm và nên tập trung vào việc giải quyết các vấn đề hơn là “chơi đùa với các khái niệm” và “kéo bè kết cánh nhằm vào bên thứ 3” vì lợi ích địa chính trị

Liên quan tình hình tại eo biển Đài Loan, vừa qua, truyền thông Trung Quốc công bố dữ liệu cho thấy Hải quân Trung Quốc trong 10 năm gần đây, kể từ năm 2017, đã thay đổi mục tiêu các hoạt động diễn tập quân sự, giảm các cuộc tập trận ở các vùng biển xa như Biển Đông, Tây Thái Bình Dương, eo biển Soya giữa Nhật và Nga, và Ấn Độ Dương, dần chuyển sự chú ý sang Đài Loan và liên tục tập trận kiểm tra khả năng chiếm đảo với số lượng cuộc tập trận tăng theo thời gian. Đáng chú ý, Hải quân Trung Quốc đã tiến hành 13 cuộc tập trận trong năm 2020, 20 cuộc tập trận chỉ trong 6 tháng đầu năm 2021. Chuyên gia phân tích cấp cao về an ninh Trung Quốc Malcolm Davis tại Viện Chính sách Chiến lược Úc nhận định, Trung Quốc đang tập trung nhiều hơn vào việc chuẩn bị cho các tình huống tiềm tàng trên eo biển Đài Loan. Trong khi đó, chuyên gia an ninh cấp cao Timothy Heath tại Tổ chức tư vấn Rand Corporation của Mỹ cho biết, việc gia tăng hoạt động huấn luyện gần Đài Loan của Trung Quốc nhằm đe dọa Đài Loan cũng như cải thiện khả năng của Hải quân Trung Quốc trước các nhiệm vụ chiến đấu, tuy nhiên Trung Quốc khó có thể tấn công thống nhất Đài Loan nhanh chóng vì lo ngại sẽ vướng vào cuộc chiến mới với Mỹ.

Các dữ liệu trên được công bố trong thời điểm truyền thông Đài Loan đưa tin máy bay quân sự của Mỹ C-130 số hiệu N3755P đã bay từ sân bay Quốc tế Ninoy Aquino ở Philippines và hạ cánh xuống sân bay Đào Viên, Đài Loan vào ngày 19/7, để vận chuyển các bưu kiện ngoại giao cho Giám đốc Viện Mỹ tại Đài Loan (AIT) mới được bổ nhiệm Sandra Oudkirk. Giám đốc Tô Tử Vân thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược và Tài nguyên Quốc phòng Đài Loan nhận định động thái này gửi đi thông điệp Mỹ đang bình thường hóa các chuyến bay dân và quân sự cũng như bình thường hóa quan hệ với Đài Loan. Trong khi đó, Truyền thông Trung Quốc chỉ trích đây là hành động quân sự mang tính khiêu khích, gửi tín hiệu sai lệch cho Đài Loan, khuyến nghị Trung Quốc cần có biện pháp ngăn các chuyến bay quân sự của Mỹ đến Đài Loan trở thành thông lệ.

Trong một diễn biến khác liên quan đến căng thẳng trong quan hệ Anh – Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace vừa qua đã khẳng định Trung Quốc không thể dọa Anh ra khỏi vùng biển quốc tế, cảnh báo phương Tây phải tránh một cuộc Chiến tranh Lạnh ở Đông Á và nhấn mạnh rằng một tàu sân bay Anh sẽ xuất kích ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép. Được biết, Bộ trưởng Ben Wallace đã đến Nhật Bản sau chuyến thăm Mỹ nhằm nhấn mạnh chiến lược xoay trục của Anh sang Đông Á khi sự quyết đoán của quân đội Trung Quốc ngày càng tăng trong khu vực.

Biển Đông 20/7 - ảnh 5
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace vừa qua đã khẳng định Trung Quốc không thể dọa Anh ra khỏi vùng biển quốc tế, cảnh báo phương Tây phải tránh một cuộc Chiến tranh Lạnh ở Đông Á và nhấn mạnh rằng một tàu sân bay Anh sẽ xuất kích ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.

Trong chuyến thăm Bộ Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ (INDOPACOM) tại Hawaii, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace đã gặp Tư lệnh INDOPACOM, Đô đốc John C Aquilino và thông báo nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh sẽ tập trận với Mỹ, Úc, Pháp, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc ở Biển Philippine vào tháng 8/2021. Hoạt động cùng với Lực lượng Hải quân và Không quân từ Mỹ, Úc, Pháp, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc, nhóm tàu sân bay Anh sẽ thực hiện một số cuộc tập trận tích hợp được thiết kế để xây dựng khả năng tương tác giữa các đối tác quốc tế có cùng chí hướng trong khu vực quan trọng toàn cầu này. Được biết, trong nhóm tàu sân bay Queen Elizabeth có một khinh hạm HNLMS Evertsen của Hà Lan, và nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ cũng sẽ được triển khai tham gia.

Trần Anh

Đọc nhiều