420
category
529431

Biển Đông 1/7: Biên niên Đại sự ký Trung Quốc xuyên tạc các sự kiện về Việt Nam

Trần Anh 01/07/2021 18:00

Ngày 1/7, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng và Bí thư thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan Thani Thongphakdi đồng chủ trì Tham khảo chính trị thường niên lần thứ 8 giữa hai Bộ Ngoại giao theo hình thức trực tuyến vào ngày 30/6, trong đó hai bên đã trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì trật tự dựa trên luật lệ, tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất và hiệu quả.

 

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng và Bí thư thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan Thani Thongphakdi đồng chủ trì Tham khảo chính trị thường niên lần thứ 8 giữa 2 Bộ Ngoại giao theo hình thức trực tuyến vào ngày 30/6
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng và Bí thư thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan Thani Thongphakdi đồng chủ trì Tham khảo chính trị thường niên lần thứ 8 giữa 2 Bộ Ngoại giao theo hình thức trực tuyến vào ngày 30/6

Nhân dịp 5 năm phán quyết của Tòa trọng tài Thường trực (PCA) về Biển Đông được ban hành, Đại học Hamburg của Đức vừa thông báo sẽ tổ chức hội nghị quốc tế trực tuyến về Biển Đông vào ngày 09/7, với chủ đề “5 năm sau phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực PCA về Biển Đông ngày 12/7/2016: Đàm phán và những hành vi bắt nạt mới”, nhằm phân tích tình hình Biển Đông trong 5 năm qua, những diễn biến phức tạp trên thực địa, sự xuất hiện của một “liên minh chống bá quyền” quốc tế và những hành động, chính sách đối ngoại của Trung Quốc liên quan tới xung đột ở Biển Đông.

Ngày 29/6, People’s Daily đưa tin, Viện Nghiên cứu Văn kiện và Lịch sử Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phát hành “Đại sự ký 100 năm ĐCSTQ (7/1921 – 06/2021)” nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập. Đại sự ký dài hơn 90.000 từ, mô tả bối cảnh thành lập ĐCSTQ, ghi lại các sự kiện lịch sử qua từng năm, đồng thời có nhiều sửa đổi quan trọng về các sự kiện lớn ở Trung Quốc. Đáng chú ý, Đại sự ký này bổ sung 2 sự kiện liên quan đến Việt Nam, cụ thể là sự kiện Chiến tranh biên giới 1979 và hải chiến Gạc Ma 1988. Điều đáng nói, các ghi chép này đều mô tả sai bản chất các sự kiện, khi gọi việc huy động 60 vạn quân tiến hành chiến tranh xâm lược 06 tỉnh Biên giới phía Bắc Việt Nam 17/2/1979 của nước này là “cuộc Chiến tranh Phản kích tự vệ chống Việt Nam”; và mô tả việc dùng vũ lực tiến công chiếm giữ, sát hại một số cán bộ chiến sĩ Hải quân Việt Nam ở bãi Đá Gạc Ma trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam là “tiến hành tác chiến đánh trả tự vệ ở quần đảo Trường Sa”.

“Đại sự ký 100 năm ĐCSTQ (7/1921 - 06/2021)” đã mô tả sai lệch bản chất các sự kiện Chiến tranh Biên giới 1979 và Hải chiến Gạc Ma 1988.
“Đại sự ký 100 năm ĐCSTQ (7/1921 – 06/2021)” đã mô tả sai lệch bản chất các sự kiện Chiến tranh Biên giới 1979 và Hải chiến Gạc Ma 1988.

Vào ngày 1/7, Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc đã diễn ra tại Quảng trường Thiên An Môn. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có bài phát biểu về những thành tựu của ĐCSTQ trong thế kỷ qua, bao gồm: đoàn kết và lãnh đạo nhân dân Trung Quốc tiến hành công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc; đoàn kết và lãnh đạo nhân dân xây dựng một nước Trung Quốc mạnh hơn trên tinh thần tự lực, tự cường và đạt được thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội; đoàn kết và lãnh đạo nhân dân Trung Quốc thực hiện công cuộc cải cách mở cửa và hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa; đoàn kết và lãnh đạo nhân dân Trung Quốc đẩy mạnh sự nghiệp vĩ đại, thực hiện đổi mới và đạt được thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội mang bản sắc Trung Quốc trong thời đại mới. Đáng chú ý, Chủ tịch Tập Cận Bình đã cam kết sẽ hoàn thành “tái thống nhất” với Đài Loan và “đập tan” các ý đồ giành độc lập chính thức cho Đài Loan.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại quảng trường Thiên An Môn trong Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại quảng trường Thiên An Môn trong Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Cùng liên quan vấn đề eo biển Đài Loan, Financial Times ngày 1/7 dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết, các quan chức quân đội Mỹ và Nhật Bản đã lên kế hoạch cho cuộc xung đột tiềm tàng với Trung Quốc tại Biển Đông, biển Hoa Đông, eo biển Đài Loan vào năm 2020 dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và vẫn được tiếp tục dưới thời Tổng thống Joe Biden. Kế hoạch bao gồm các phiên đánh trận giả trên sa bàn ở cấp tuyệt mật và các cuộc tập trận chung, đáng chú ý là Mỹ và Nhật Bản đã tiến hành các cuộc tập trận chung ở Biển Đông nhưng dưới hình thức huấn luyện cứu trợ thảm họa. Ngoài ra, một quan chức Mỹ còn cho biết, cần khẩn trương tạo ra một cơ chế chia sẻ 3 bên với Đài Loan về thông tin liên quan các hoạt động của Hải quân và Không quân Trung Quốc, đặc biệt là quanh eo biển Miyako ở phía đông Đài Loan để ngăn chặn một cuộc tấn công của Trung Quốc nhằm vào Đài Loan.

Căng thẳng và cạnh tranh giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục được thể hiện rõ nét tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao nhóm các nền kinh tế lớn (G20) diễn ra tại Matera, phía Nam Italy ngày 29/6. Trong đó, Mỹ và Trung Quốc tiếp tục nỗ lực thể hiện vị thế dẫn dắt quốc tế, đồng thời đưa ra tầm nhìn cạnh tranh về hợp tác toàn cầu. Cụ thể, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nỗ lực khẳng định cam kết về “nước Mỹ trở lại”, kêu gọi G20 củng cố cơ chế đa phương nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19, giảm bất bình đẳng và thúc đẩy chống biến đổi khí hậu. Trong khi đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có bài phát biểu mạnh mẽ, nhấn mạnh Trung Quốc đã cung cấp 450 triệu liều vaccine COVID-19 tới hơn 100 quốc gia, kêu gọi các nước duy trì chủ nghĩa đa phương, nỗ lực xây dựng một nền kinh tế thế giới mở, tránh “phá vỡ thị trường toàn cầu, chính trị hóa của các cơ chế hợp tác và sự thống trị của hệ tư tưởng trong các quy tắc và tiêu chuẩn”.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tiếp tục nỗ lực thể hiện vị thế dẫn dắt quốc tế, đồng thời đưa ra tầm nhìn cạnh tranh về hợp tác toàn cầu.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tiếp tục nỗ lực thể hiện vị thế dẫn dắt quốc tế, đồng thời đưa ra tầm nhìn cạnh tranh về hợp tác toàn cầu.

Trong một diễn biến khác, ngày 30/6, Global Times cho biết, một nguyên mẫu của máy bay chiến đấu tàng hình FC-31 của Trung Quốc đã được trưng bày tại Công viên triển lãm hàng không của Tập đoàn máy bay Thẩm Dương (SAC) vào ngày 29/6, nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập SAC. Các chuyên gia nhận định, sự kiện lần này đánh dấu sự phát triển của máy bay FC-31 đã đạt đến một cột mốc quan trọng và bước sang giai đoạn tiếp theo. Với việc sử dụng vật liệu composite tiên tiến và kỹ thuật vượt trội, máy bay FC-31 có khả năng tàng hình cao, và các radar thù địch chỉ có thể phát hiện nó trong phạm vi 50km (trong khi có thể phát hiện máy bay không có khả năng tàng hình cách xa hơn 10 km).

Nguyên mẫu của máy bay chiến đấu tàng hình FC-31 của Trung Quốc đã được trưng bày tại Công viên triển lãm hàng không của Tập đoàn máy bay Thẩm Dương (SAC).
Nguyên mẫu của máy bay chiến đấu tàng hình FC-31 của Trung Quốc đã được trưng bày tại Công viên triển lãm hàng không của Tập đoàn máy bay Thẩm Dương (SAC).

Một ngày sau, ngày 1/7, các hình ảnh vệ tinh của Planet Labs cho thấy Trung Quốc đang xây dựng mới 119 hầm chứa tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và một trung tâm điều khiển trên sa mạc, gần Ngọc Môn ở tỉnh Cam Túc. Như vậy, Trung Quốc đang xây dựng tổng cộng khoảng 145 hầm chứa tại các địa điểm trên khắp Trung Quốc. Các chuyên gia nhận định, Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh hạt nhân nhằm tăng khả năng răn đe và đánh bại các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ trong trường hợp xảy ra xung đột. Hiện chưa rõ liệu Trung Quốc có ý định “lấp đầy” tất cả các hầm chứa bằng tên lửa hạt nhân hay không, nhưng một số hầm chứa tên lửa đang được xây dựng được cho là được thiết kế để chứa ICBM DF-41, một loại tên lửa di động trên đường bộ.

Tại Philippines, ngày 30/6, The Diplomat và Forbes cho biết, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt thỏa thuận bán 12 chiến đấu cơ F-16 Block 70/72, cùng với tên lửa không đối không Sidewinder và tên lửa chống hạm Harpoon cho Philippines. Philippines đang tìm kiếm các máy bay chiến đấu đa năng để giúp tăng cường sự hiện diện của mình ở khu vực Biển Đông đang tranh chấp, tuy nhiên máy bay F-16 có thể sẽ “quá đắt” đối với Philippines. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết, “Nó quá đắt vì vậy Không quân Philippines đang đánh giá những ứng viên khác”. Được biết, Philippines đang cân nhắc giữa chiến đấu cơ F-16 cũa Mỹ và chiến đấu cơ hạng nhẹ Saab JAS-39 Gripen-C /D của Thụy Điển, và sẽ sớm công bố quyết định, có khả năng trước khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte rời nhiệm sở vào năm 2022.

Trong bối cảnh khác, Newpaper24 ngày 30/6 đưa tin Hải quân Ấn Độ sẽ thử nghiệm tàu sân bay đầu tiên do Ấn Độ chế tạo INS Vikrant vào tháng 7/2021, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong nửa đầu năm 2022, giúp Ấn Độ phát triển chiến lược hàng hải mạnh mẽ, tăng khả năng đối phó với các cuộc khủng hoảng cũng như sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương. Được biết, tàu INS Vikrant sẽ được trang bị máy bay chiến đấu MiG-29K, trực thăng cảnh báo sớm trên không Ka-31 của Nga, trực thăng đa dụng MH-60R của Mỹ và trực thăng hạng nhẹ do Ấn Độ sản xuất.

Trần Anh

Đọc nhiều