420
category
326553

Biển Đông: Hai ý đồ của Trung Quốc trong nhiệm kỳ ông Duterte

27/09/2019 07:13

Ngoài COC, Trung Quốc đang tận dụng chính quyền Duterte để đạt lợi ích tại bãi cạn Scarborough.

Hãng tin CNN hôm 26-9 dẫn lời Ngoại trưởng Philippines Tedoro Locsin Jr. cho biết Philippines có thể đã ký nhiều thỏa thuận với Trung Quốc (TQ) nhưng tất cả vẫn chưa “thành hình thành dạng”. Thông báo này được đưa ra trong cuộc phỏng vấn với thủ tướng Úc và Chủ tịch Viện chính sách xã hội châu Á Kevin Rudd tại New York (Mỹ) sáng 25-9 (giờ địa phương) bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Quan hệ TQ-Philippines dưới thời Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trở nên nồng ấm bất chấp căng thẳng biển Đông ngày càng leo thang. Cho đến hiện tại, Bắc Kinh có ít nhất hai ý đồ muốn hoàn thành khi ông Duterte còn tại vị.

Xây dựng bãi cạn Scarborough

Phó Chánh án Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio cho rằng TQ muốn xác lập chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough dưới thời ông Duterte và nhất là trước khi Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) được đàm phán thành công. Theo ông Carpio, Bắc Kinh cố gắng xây dựng bãi cạn này, vốn bị TQ chiếm từ Philippines năm 2012. Lý do là tổng thống Philippines từng nói rằng không thể ngăn cản TQ xây dựng Scarborough bởi họ quá mạnh.

“Tất cả chúng ta đều biết họ (TQ) có kế hoạch (xây dựng bãi cạn Scarborough) và sẽ thực hiện trước khi nhiệm kỳ của Tổng thống Duterte kết thúc (…) Sau khi tuyên bố chủ quyền và hoàn thành việc xây dựng (đảo nhân tạo), họ sẽ nói: “Chúng ta (TQ và ASEAN) hãy ký COC và không ai được xây dựng bất kỳ thứ gì nữa (ở biển Đông)” – ông Carpio nói.

Lý giải về phản ứng của Manila, ông Carpio cho rằng TQ dường như rất tự tin rằng ông Duterte sẽ không triển khai tàu hải quan và cảnh sát biển để ngăn TQ tôn tạo phi pháp bãi cạn Scarborough. Trước đây ông Duterte nhiều lần lên tiếng lo ngại bị các lực lượng quân đội TQ tấn công nếu Manila cử tàu ngăn cản các hoạt động ngang ngược của Bắc Kinh. Trong chuyến thăm TQ hồi cuối tháng 8-2019, ông Duterte không nhắc đến bãi cạn Scarborough. Đồng thời, ông Duterte bị người đồng cấp TQ Tập Cận Bình bác bỏ việc nhắc lại phán quyết Tòa Trọng tài 2016, trong đó có đề cập chiến thắng pháp lý của Manila trước Bắc Kinh đối với bãi cạn mà TQ đang có ý đồ tôn tạo.

Theo đánh giá của tờ Philstar, nếu TQ thành công trong việc xây dựng một đảo nhân tạo ở Scarborough, điều đó đồng nghĩa Bắc Kinh sẽ có thể ngang ngược chiếm giữ lâu dài bãi cạn này. Về mặt chiến lược, TQ sẽ hoàn thành tam giác quân sự hòng kiểm soát biển Đông.

Biển Đông: Hai ý đồ của Trung Quốc trong nhiệm kỳ ông Duterte - ảnh 1
Tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng về phía tàu cá Philippines gần bãi cạn Scarborough năm 2015. Ảnh: AP

Thúc đẩy COC

Trong thời gian tại vị còn lại của ông Duterte, TQ còn muốn tận dụng triệt để vai trò của Philippines trong ASEAN. Hiện nay TQ muốn tranh thủ thời gian Philippines điều phối quan hệ ASEAN-TQ nhiệm kỳ 2018-2021 để thúc đẩy COC một cách gấp gáp và có lợi cho Bắc Kinh. TQ muốn nội dung COC phải đảm bảo: (i) Loại bỏ sự can thiệp của các nước thứ ba (như Mỹ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ); và (ii) Tiến hành thỏa thuận song phương giữa TQ với từng quốc gia ASEAN chứ không phải với một tập thể ASEAN thống nhất.

TQ đã hành động bá quyền trong quá trình xây dựng thỏa thuận (COC) với các nước láng giềng ở biển Đông. Bắc Kinh mong muốn một COC chỉ xoay quanh cách thức TQ và các nước Đông Nam Á hợp tác với nhau mà không có sự can dự của bất kỳ nước nào khác.

Ngoại trưởng Philippines TEDORO LOCSIN JR.

Ngoài ra, nếu COC được thông qua trong tình trạng lợi ích nghiêng về TQ thì nước này càng có lý do bỏ qua phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016.

Cần lưu ý rằng năm 2017, Philippines giữ vai trò chủ tịch luân phiên ASEAN. Trong giai đoạn này, TQ không gặp nhiều khó khăn trước Philippines dù Manila vừa là bên chính danh trong mâu thuẫn ở biển Đông và vừa thắng vụ kiện đình đám tại Tòa Trọng tài. Với các đề xuất trông có vẻ “béo bở” với ông Duterte như khai thác chung Philippines-TQ theo tỉ lệ ăn chia lợi ích tương ứng 60/40, Bắc Kinh kỳ vọng sẽ có sự ủng hộ của Manila, chí ít là để chia tách sự đồng thuận của ASEAN trong việc thông qua thỏa thuận bất lợi cho TQ.

Tất nhiên, với tính đặc thù trong cơ chế đồng thuận chung của ASEAN, dù Philippines có ngả về TQ thì Việt Nam, Malaysia vẫn sẽ đảm bảo TQ không thể đạt được ý đồ.

Rất nguy hiểm nếu Trung Quốc xây dựng Scarborough

Cho đến hiện nay, TQ đã xây dựng hàng loạt đảo nhân tạo trên các rạn san hô và đá ngầm ở quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Ngoài ra, Bắc Kinh còn quân sự hóa các đảo nhân tạo phi pháp này. Giới phân tích cho rằng TQ muốn thực hiện hành vi tương tự trên bãi cạn Scarborough với ý đồ nắm được quyền kiểm soát quân sự hiệu quả tại biển Đông.

Lợi ích Trung Quốc dành cho Philippines chỉ nằm trên giấy

Theo Ngoại trưởng Philippines Tedoro Locsin Jr., nhiều cam kết của chính phủ TQ hỗ trợ Philippines để phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng chưa trở thành hiện thực. “Vâng! Chúng tôi có ký một số thỏa thuận nhưng tất cả hầu như chưa được thực hiện (…) Do những thỏa thuận này vẫn nằm trên giấy nên nếu so sánh với các khoản đầu tư của Nhật Bản và các khoản hỗ trợ chính thức khác thì các thỏa thuận (với TQ) chẳng là gì cả” – Ngoại trưởng Tedoro Locsin Jr. phát biểu tại New York hôm 25-9 (giờ địa phương).

Được biết chỉ riêng chuyến thăm của ông Tập đến Philippines vào tháng 11-2018, hai bên đã ký 29 thỏa thuận, trong đó có biên bản ghi nhớ việc hợp tác khai thác chung dầu khí đầy tranh cãi. Các chuyên gia cảnh báo ông Duterte có thể “sập bẫy” của TQ, không chỉ là vấn đề “bẫy nợ” mà còn là “bẫy gác tranh chấp, cùng khai thác” ở biển Đông.

Đỗ Thiện/ Pháp Luật TP.HCM

Đọc nhiều