420
category
381578

Biển Đông dậy sóng, theo Mỹ hay Trung Quốc?

08/04/2020 01:55

Ngày 06/04, Bộ Ngoại giao Mỹ có tuyên bố về các hành động phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông, trong đó phía Mỹ có nhắc đến hai trường hợp, một là trường hợp tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam, hai là trường hợp Trung Quốc đặt trạm nghiên cứu trái phép tại Hoàng Sa.

Nhiều người hay nghĩ theo một câu nói đậm chất phim ảnh thế này: “Kẻ thù của kẻ thù là bạn”, ở đây, trong góc nhìn của một số người Việt, Mỹ coi Trung Quốc là kẻ thù và ngược lại, nếu theo lý thuyết trên, Mỹ hoàn toàn có thể là một người bạn của Việt Nam trong cuộc chiến đấu đòi lại chủ quyền lãnh thổ.

Nhưng thực tế, cái tuyên bố mà phía Mỹ vừa đưa ra không hề khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Ngược lại Mỹ đã lồng ghép khéo léo yếu tố “gây bất lợi cho các nước Đông Nam Á”, có mục đích ngầm khẳng định rằng đây là vùng biển “tranh chấp quốc tế”.

Tuyên bố như thế có nghĩa là Mỹ đã ngầm phủ quyết chủ quyền hợp pháp của Việt Nam tại hai quần đảo này. Đồng ý và tung hô cái ý kiến này, tức là đã chấp nhận rằng đây là vùng biển của quốc tế có tranh chấp, không khác gì việc đi ngược lại tuyên bố của Bộ Ngoại Giao.

Ngày 26/03, bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phát biểu: “Theo đó, mọi hoạt động tại hai quần đảo này phải có sự cho phép của Việt Nam”. Nói như vậy nghĩa là là vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam là điều không cần phải bàn cãi, làm gì thì phải xin phép Việt Nam, sổ đỏ mang tên ai thì là của người đó chứ đâu là vùng đất không chủ quyền, rồi ai ai cũng vào đòi chia chát.

Phía Việt Nam cũng như quốc tế đã lên tiếng phản đối tàu hài cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam

Nếu đã là vùng biển “quốc tế”, Mỹ hoàn toàn có quyền và lợi ích tại đây, như việc đã và đang khống chế eo biển Hormuz và khu vực Trung Đông, lấy lý do bảo vệ lợi ích Mỹ, đồng minh và hệ thống “petrodollar”.

Nhiều người hay nghĩ rằng Mỹ sẽ giúp Việt Nam, thậm chí còn mong rằng Việt Nam sẽ cho Mỹ thuê quân cảng nhất nhì Đông Nam Á là Cam Ranh làm căn cứ quân sự. Thậm chí, một ý tưởng táo bạo hơn được tô vẽ ra, đó là việc Mỹ sẽ đánh Trung Quốc vì Việt Nam. Điều này không khác gì tư tưởng trông chờ ngoại bang “ban phát” chủ quyền dân tộc, điều mà các tiền nhân chưa bao giờ làm và sẽ không bao giờ cho phép làm.

Trong những giờ phút hoạn nạn vì đại dịch thế này, hãy nhìn cách “anh cả” Mỹ đối xử với đồng minh phương Tây thân cận như thế nào. Nhắc chuyện gần đây, anh bạn hàng xóm Philippines từng nghĩ rằng Mỹ sẽ vào điều động quân đội nếu phía Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough. Đúng là Mỹ đã vào cuộc, nhưng Mỹ vào cuộc bằng cách im lặng cho Trung Quốc chiếm đóng mặc lời khẩn cầu từ phía Philippines.

Hai tháng sau từ thời điểm “sang tên đổi chủ” bãi cạn, Ngoại trưởng Mỹ và Trung Quốc hân hoan bắt tay nhau trong một cuộc họp song phương còn Philippines thì chẳng thể làm gì hơn việc thưa kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế. Nhưng khổ nỗi, con người sai thì có tòa án xử, nhưng chẳng có tòa án nào xử được những quốc gia siêu cường cả, ngay cả Liên Hiệp Quốc, cũng bị chi phối bởi lợi ích của các nước lớn.

Ngược về quá khứ xa hơn, năm 1974, Mỹ đã bỏ mặc cho Trung Quốc chiếm Hoàng Sa để đổi lại việc người Trung Quốc đứng về phía người Mỹ trong cuộc chiến tranh lạnh với Liên Xô. Mỹ ra lệnh ngầm cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa không được tái chiếm Hoàng Sa. Trong khi lực lượng hải quân, không quân của Việt Nam Cộng Hòa, theo lời của chính họ, thời điểm đó đang là mạnh thứ tư thế giới.

Hay mới đây thôi, chiến tranh thương mại giữa Hàn Quốc và Nhật Bản nổ ra, cả hai đều mong Mỹ trở thành trung gian hòa giải nhưng Mỹ hành động như thể muốn nói: “Việc này không hề liên quan gì đến Mỹ”. Mặt khác, Mỹ tuyên bố tăng gấp 5-10 lần tiền phí để quân đội Mỹ đồn trú giữ gìn hòa bình tại hai quốc gia này. Bằng không sẽ để Triều Tiên bắn tên lửa xuống Nhật Bản.

Đài Loan cũng đã từng “thấm đòn” đồng minh giả tạo của Mỹ. Đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, Mỹ và Trung Quốc “ngoại giao bóng bàn” có qua có lại với nhau. Nghị quyết 2758 xác định Liên Hiệp Quốc tuyên bố Trung Quốc là thành viên sáng lập Liên Hiệp Quốc, bàn giao ghế Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo An cho phía Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc), đại diện của Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) rút lui khỏi Liên Hiệp Quốc và đến nay vẫn không xin gia nhập lại.

Thậm chí, phía Mỹ từng có nghị quyết riêng yêu cầu trục xuất các đại diện của phía Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) ra khỏi Liên Hiệp Quốc mặc dù trước đó mối quan hệ giữa hai phía rất nồng nàn.

Nếu xảy ra chiến tranh, người Hàn Quốc sẽ không có quyền chỉ huy quân đội của họ, hay như bài học Việt Nam Cộng Hòa chẳng có quyền đưa quân ra tái chiếm Hoàng Sa vì phía Mỹ không cho phép vẫn luôn là những bài học mà chúng ta không được phép quên.

Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, phía Trung Quốc, Nga, Cuba đều có ý định đưa quân chiến đấu trực tiếp tại chiến trường nhưng Việt Nam nói không, có thể tiếp nhận vật lực, hỗ trợ, nhưng Việt Nam khước từ lời đề nghị quân đội quốc gia khác tham gia trực tiếp chiến đấu tại chiến trường miền Nam Việt Nam. Bài học về số phận của bán đảo Triều Tiên để cho phía Trung Quốc và Hoa Kỳ quyết định luôn rất đắt giá.

Thứ hòa bình được ban phát thì cũng có thể bị tước đoạt bất cứ lúc nào.

Mỹ đã từng thất bại tại Việt Nam vì người Mỹ không hiểu người Việt Nam và không biết đến lịch sử Việt Nam. Đến giờ, thất bại tại Việt Nam vẫn là thất bại cay đắng nhất trong lịch sử của quốc gia siêu cường này.

Trung Quốc từng là một miếng bánh ngọt được chia bởi các cường quốc, thì Biển Đông, tương lai cũng có thể trở thành một miếng bánh như vậy. Và nếu Việt Nam chọn một phe để theo, phe phương Tây hay phương Đông, phe Mỹ hay phe Trung Quốc thì chắc chắn phe còn lại sẽ không để chúng ta yên phận.

Bài học Ucraina khi rũ bỏ gấu Nga, ngả về phương Tây rồi hậu quả mà quốc gia này phải chịu là kinh tế ngày càng yếu kém, quyền tự quyết không có, phương Tây không chấp nhận để Ucraina gia nhập EU, bán đảo Krym thì bị gấu Nga thu hồi.

Việt Nam đã tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc cả ngàn năm nay, Việt Nam rất hiểu Trung Quốc và Trung Quốc cũng rất hiểu Việt Nam. Bực mình thằng hàng xóm thì có thể bán đất để chuyển nhà, nhưng làm sao mà bốc cả đất nước Việt Nam di chuyển đi chỗ khác được? Gần như mọi thế hệ tương lai của chúng ta đều phải sống cạnh Trung Quốc, vì thế, phải khéo. Vài trăm ngàn người đu càng vượt biển thì còn được chứ một trăm triệu người thì không thể nào.

Ngay cả khi thắng trận, Việt Nam rất hiếm khi đánh theo kiểu “tận diệt“, luôn chừa đường lui cho quân thù. Chứ thử đánh chết bỏ xem, Thoát Hoan sẽ không có mà chui được vào ống đồng, Quách Qùy cũng chẳng thể rút quân một cách an nhiên được.

Mà ngay sau mỗi chiến thắng, các triều đại ta đều cử người sang cầu hòa, mang theo vàng bạc châu báu biếu cho anh hàng xóm béo phương Bắc. Nếu hồi xửa mà có mạng xã hội, chắc các cháu thiếu nhi sẽ chửi các cụ là: “Tại sao lại làm như thế? Hèn với giặc”.

Chủ trương ngoại giao của Việt Nam là mềm mỏng, khéo léo, làm bạn với tất cả các quốc gia. Tuy mềm nhưng vẫn cứng, nghèo chứ không hèn. Bản thân là một nước nhỏ bé, lại đang phát triển, lực còn yếu thì phải nhịn, chứ không thể nói đánh là đánh, giờ nếu mà đòi đánh Trung Quốc, đến cả Mỹ hay Nga còn chưa dám nói phần thắng trước Trung Quốc nữa là. Mấy anh xăm trổ hay ba que thì nói cái gì cũng hay, chiến tranh có phải đơn giản như việc oai cóc tía trên Youtube đâu?

Người nào muốn Việt Nam theo Mỹ thì cứ nhìn bài học của Philippines, Thái Lan hay Ucraina đấy. Năm nào, Mỹ cũng lượn lờ ở Biển Đông bằng lý lẽ tự do hàng hải, tự do thương mại và để thực thi quyền và lợi ích quốc tế. Thậm chí, Mỹ còn dàn xếp hẳn một chiến dịch liên quan là FONOPs (Freedom Of Navigation Operations). Động thái của Mỹ không khác gì việc nhắc nhở mấy nước nhỏ nhỏ rằng: Ở Biển Đông, ngoài Trung Quốc ra còn có bọn tao đấy, chúng mày liệu mà chọn phe.

Câu kết cho một khởi đầu: “Sức mạnh của một dân tộc thể hiện rõ nhất không phải khi nó đứng ở vị thế của kẻ mạnh, mà khi nó sinh ra, mới ngước mắt nhìn mặt trời đã nhận thấy mình là kẻ yếu”.

Tifosi

Đọc nhiều