Biển Đông có vị trí quan trọng với thế giới

20/11/2021 19:58

Trong 2 ngày Hội thảo Quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 (18-19/11), đa số học giả tham gia đều nhất trí cần đề cao hơn nữa sự hợp tác trên biển, cũng như vai trò của luật pháp quốc tế trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.

Học giả trong và ngoài nước cũng tiếp tục bác bỏ yêu sách chủ quyền vô căn cứ của Trung Quốc đối với cái gọi là “đường 9 đoạn” ở Biển Đông.

Vì sao căng thẳng phát sinh?

Tại hội thảo, ông Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao thuộc RAND Corporation (Mỹ), cho rằng nguyên nhân gây mất niềm tin ở Biển Đông là hành động đơn phương của Trung Quốc.

Nhưng tiến sĩ Ding Duo, viện sĩ nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Nam Hải (Trung Quốc), cho rằng chính sự xuất hiện của những cơ chế an ninh do Mỹ dẫn dắt tại Biển Đông như AUKUS khiến tình hình trong khu vực thêm phức tạp.

Trong lúc tiến sĩ Ding nhận định các lực lượng bên ngoài Biển Đông không nên tham gia giải quyết tranh chấp tại khu vực này, những diễn giả khác phản đối mạnh mẽ quan điểm này. Nguyên nhân bởi Biển Đông có vị trí quan trọng với thế giới.

Ngoài ra, việc có mặt các bên khác tại Biển Đông cũng sẽ đem lại nhiều lựa chọn hơn cho các nước có năng lực hạn chế, nhằm đối phó sự bất cân xứng giữa Trung Quốc và Đông Nam Á, theo giáo sư Stephen Nagy thuộc khoa Nghiên cứu Chính trị và Quốc tế, Đại học Cơ Đốc giáo Quốc tế tại Tokyo.

Tiến sĩ Ding Duo phát biểu trong phiên thảo luận thứ nhất của hội thảo. Ảnh: Quốc Đạt.

Các diễn giả cũng thảo luận vị thế của ASEAN trước sự xuất hiện của các quan hệ hợp tác “tiểu đa phương” như AUKUS và QUAD.

“QUAD và AUKUS xuất hiện vì ASEAN chưa thể giải quyết và quản lý hiệu quả các thách thức phát sinh trong quá trình Trung Quốc trỗi dậy” – tiến sĩ Rizal Sukma, chuyên gia cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS), chi nhánh tại Jakarta, Indonesia – nói.

ASEAN không nên nhìn nhận QUAD là cạnh tranh với mình mà có vai trò bổ trợ, theo ông Sukma. Vì thế, ASEAN nên hợp tác với QUAD về những vấn đề an ninh phi truyền thống.

Tương tự, giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales (Australia) cũng đề xuất thành lập cơ chế ASEAN+4 vì các bên có chung nhiều vấn đề trong chương trình nghị sự, như về vaccine, công nghệ, chuỗi cung ứng…

Cả giáo sư Thayer và tiến sĩ Sukma cùng cho rằng ASEAN không cần quan ngại với AUKUS, vì hai bên không có chung chương trình nghị sự.

Đề cao UNCLOS

Xuyên suốt hội thảo, vai trò của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) trong giải quyết tranh chấp Biển Đông được các diễn giả và đại biểu liên tục nhấn mạnh.

Bà Amanda Milling, Bộ trưởng Văn phòng Đối ngoại và Thịnh vượng chung Anh, và ông Igor Driesmans, Đại sứ Liên minh châu Âu tại ASEAN, đều cho rằng các hành vi trên biển phải được điều chỉnh bởi UNCLOS.

“Chúng tôi phản đối yêu sách của Trung Quốc dựa trên cái gọi là ‘đường 9 đoạn’, vì chúng không được dựa trên UNCLOS”, bà Milling nói.

Hội thảo được tổ chức tại Học viện Ngoại giao, Hà Nội. Ảnh: Bộ Ngoại giao.

Các chuyên gia đều nhận định UNCLOS đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp quy chế pháp lý để giải quyết bất đồng tại khu vực.

Theo giáo sư luật quốc tế Kentaro Nishimoto từ Đại học Tohoku (Nhật Bản), Trung Quốc đã đưa ra lập luận để giảm vai trò của UNCLOS khi trao đổi công hàm với một số quốc gia.

Chẳng hạn, trong công hàm ngày 18/9/2020 đáp trả Anh, Pháp và Đức, Trung Quốc khẳng định “UNCLOS không bao hàm mọi vấn đề về trật tự hàng hải”.

Tuy nhiên, giáo sư Nishimoto trích dẫn công hàm của New Zealand, trong đó nhấn mạnh tính toàn diện và nhất quán của UNCLOS.

“UNCLOS có quy tắc rõ ràng về các quyền hàng hải”, ông nói. “Đó cũng là kết quả của phán quyết trọng tài mà UNCLOS cung cấp cơ chế pháp lý toàn diện cho Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), thay thế mọi tuyên bố về quyền lịch sử”.

Bên cạnh đó, dù cơ chế UNCLOS có thể đang phát triển liên tục thông qua đàm phán thực hiện hiệp định, quá trình này là nỗ lực tập thể nhằm xây dựng quy tắc phù hợp với khuôn khổ tổng thể của UNCLOS.

Trong khi đó, giáo sư Jay Batongbacal của Đại học Philippines nhận định các bên tham gia không nên áp đặt cách hiểu của riêng mình về quyền, mà nên tìm cách giải quyết các tranh chấp dựa trên hòa bình thông qua luật pháp quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đã có phát biểu chào mừng hội thảo. Ảnh: Bộ Ngoại giao.

Hợp tác khoa học trên Biển Đông là cấp thiết

Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi, cựu Chủ tịch Hiệp hội Thiên nhiên và Môi trường biển Việt Nam, cho rằng trong bối cảnh tranh chấp Biển Đông, việc nâng cấp hợp tác khoa học là tối cấp thiết vì điều này giúp các bên xây dựng sự tự tin, góp phần làm giảm căng thẳng và duy trì hòa bình khu vực.

Tuy nhiên, tiến sĩ Hồi cho rằng vẫn còn một số thách thức chính đối với hợp tác khoa học, bao gồm việc các quốc gia có nhận thức và mức độ ưu tiên khác nhau đối với hợp tác khoa học, khu vực chưa có thể chế chung về hợp tác biển, và các tàu do quốc gia quản lý đang tăng cường hoạt động khảo sát.

Từ đó, tiến sĩ Hồi đề xuất một số giải pháp như thiết lập chế độ riêng cho hợp tác khoa học biển, thúc đẩy các cơ chế giải quyết những vướng mắc ở trên, ngăn chặn tàu một nước “khảo sát biển” trong vùng đặc quyền kinh tế của nước khác khi chưa được phép.

Cùng về vấn đề hợp tác khoa học tại Biển Đông, giáo sư Anastasia Telesetsky, thuộc Đại học Bách khoa Quốc gia California (Mỹ), đề xuất các quốc gia ven biển thực hiện thám hiểm chung để nghiên cứu khoa học.

Theo bà Telesetsky, cơ chế trên sẽ được xây dựng dựa trên mô hình của Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) và việc hợp tác nên do bên thứ 3 ngoài tranh chấp điều phối.

Khai Tâm

Đọc nhiều