Biển Đông: 12 năm trôi qua còn nguyên đó lo ngại lẫn ước mong

19/11/2020 08:30

Hội thảo lần 1 diễn ra năm 2009. 12 năm trôi qua, nhưng lo ngại về tình hình Biển Đông  còn nguyên đó và ước mong về một vùng biển hoà bình, hợp tác, phát triển vẫn luôn đau đáu đợi chờ.

Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 12 vừa kết thúc tại Hà Nội với 9 phiên trình bày và thảo luận.

Biển Đông: 12 năm trôi qua còn nguyên đó lo ngại lẫn ước mong
Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 12 diễn ra dưới hình thức kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến. Ảnh: Báo Quốc tế

Ba sự kiện

Hội thảo lần này diễn ra sau 3 sự kiện đặc biệt quan trọng.

Sự kiện thứ nhất là đại dịch Covid-19 xuất hiện và vẫn đang hoành hành trên khắp thế giới.

Tham khảo thêm

Đại dịch khiến nhiều học giả quốc tế không thể tham dự hội thảo vì hầu hết các quốc gia vẫn hạn chế đường bay quốc tế. Do đó, hội thảo được tổ chức dưới hình thức kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến.

Tuy vậy, hội thảo lại thu hút được số lượng kỷ lục các học giả quốc tế tham gia cũng như khán giả theo dõi qua Internet, trong đó có 250 đại biểu tham gia trực tiếp, 1 bộ trưởng Quốc phòng, 1 cố vấn cấp cao, 60 học giả hàng đầu cùng 500 đại biểu theo dõi trực tuyến.

Sự kiện thứ hai là thế giới vừa chứng kiến bầu cử Tổng thống Mỹ. Sự chia rẽ của các cử tri cũng như chia rẽ về quan điểm của những người ủng hộ/phản đối Tổng thống Trump cho thấy nền chính trị thế giới đang có những đổi thay khó ai có thể dự đoán chính xác được.

Điều này được phản ánh ở chủ đề hội thảo “Duy trì hoà bình và hợp tác trong bối cảnh có nhiều biến động”.

Sự kiện thứ ba là hội thảo diễn ra sau khi Việt Nam vừa hoàn thành trọng trách Chủ tịch ASEAN và chuyển giao vai trò này cho Brunei.

Muốn hợp tác phải có lòng tin

Thế giới đã chứng kiến sự tàn phá của Covid-19. Tuy nhiên, không phải đại dịch diễn ra thì các cường quốc lại lơi lỏng các tham vọng chính trị của mình, mà dường như lại là cơ hội để họ đẩy mạnh hơn. Trung Quốc chính là một trong số đó.

Có thể cảm nhận được cảm giác tuyệt vọng khi nhắc lại những lý lẽ đã bị bác bỏ hoàn toàn; Trung Quốc không thể tìm thấy lý lẽ biện minh nào khác hợp lý cho lập trường của mình – GS Batongbacal (Philippines)

Giám đốc chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI) Greg Poling chứng minh rằng, Trung Quốc đã khởi đầu sự căng thẳng ở Biển Đông từ lâu, và đại dịch lại là cơ hội để nước này thúc đẩy các hành động gây hấn tại đây.

Đó là gia tăng xâm phạm vùng biển của các quốc gia khác đồng thời leo thang đe doạ quân sự trên Biển Đông thông qua triển khai lực lượng quân sự và tiến hành các cuộc tập trận liên tục.

Các chuyên gia tham dự hội thảo đưa ra nhiều đề xuất thúc đẩy hợp tác trên Biển Đông thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học, bảo tồn và phát triển tài nguyên biển, trong đó có tài nguyên hải sản vốn đang có nguy cơ cạn kiệt trước việc đánh bắt vô tội vạ và bằng biện pháp huỷ diệt của ngư dân Trung Quốc.

Biển Đông: 12 năm trôi qua còn nguyên đó lo ngại lẫn ước mong
Các quốc gia trong khu vực Biển Đông đều phải tuân thủ “luật chơi” chung, đó chính là luật pháp quốc tế

Các nhà khoa học Trung Quốc luôn phải gồng mình biện minh cho các hành động của Bắc Kinh. Tuy nhiên, như học giả Campuchia TS Chheang Vannarith đề cập, muốn hợp tác phải có lòng tin. Muốn có lòng tin thì các bên đều phải tự kiềm chế.

Thêm nữa, để có thể hợp tác với nhau theo cách tất cả các bên cùng có lợi, các quốc gia trong khu vực Biển Đông đều phải tuân thủ “luật chơi” chung, đó chính là luật pháp quốc tế.

Trở ngại trên con đường duy trì hòa bình

Những trở ngại cho việc duy trì hoà bình, hợp tác trên Biển Đông vẫn còn nguyên đó khi Trung Quốc phớt lờ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển năm 1982.

Trung Quốc vẫn chưa chịu từ bỏ cái gọi là yêu sách “đường lưỡi bò” cho dù nó không có cơ sở pháp lý nào, bị quốc tế phản đối và Phán quyết trọng tài bác bỏ. Thậm chí, Trung Quốc còn tìm cách để tiến xa hơn thông qua các hành động thách thức pháp luật quốc tế.

Biển Đông: 12 năm trôi qua còn nguyên đó lo ngại lẫn ước mong
Trung Quốc tập trận ở Biển Đông tháng 5/2020. Ảnh: Chinamil

Nhiều quốc gia dưới hấp lực của nền kinh tế Trung Quốc đã im lặng làm ngơ trước các hành động bất chấp pháp luật của Trung Quốc. Thế nhưng, cũng đã có những chuyển biến tích cực về mặt pháp lý trong thời gian vừa qua.

“Cuộc chiến công hàm” đã chứng minh điều đó. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều quốc gia đã mạnh mẽ lên tiếng để phản đối các tuyên bố vô lý và phi pháp của Trung Quốc thông qua các công hàm/công thư gửi trực tiếp lên Liên hợp quốc. Trong số đó bao gồm cả những quốc gia không có tranh chấp ở Biển Đông như Hoa Kỳ, Australia, Anh, Pháp và Đức.

Damos Dumoli Agusman Vụ trưởng Vụ Luật pháp và điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao Indonesia đã tập trung phân tích giá trị pháp lý của các công hàm. Theo đó, các công hàm này đều thể hiện rõ quan điểm chính thức về mặt pháp lý của từng quốc gia.

Trung Quốc muốn ban hành nội luật thì cũng không được vi phạm tới luật quốc tế – Phó Đô đốc Yoji Koda (Nhật Bản)

Đáng chú ý, ngay cả quốc gia thể hiện đang có quan hệ gần gũi, thân thiết với Trung Quốc như Philippines nhưng trong công hàm vẫn rất mạnh mẽ phản đối các luận điệu sai trái của Trung Quốc.

GS Batongbacal từ Philippines nhận xét trước việc Trung Quốc lặp đi lặp lại những lập luận phi lý và tối nghĩa của mình: “Có thể cảm nhận được cảm giác tuyệt vọng khi nhắc lại những lý lẽ đã bị bác bỏ hoàn toàn; Trung Quốc không thể tìm thấy lý lẽ biện minh nào khác hợp lý cho lập trường của mình”.

Lập luận lạc điệu

Chính vì lẽ đó, lập luận và giải thích của các học giả Trung Quốc trở nên lạc điệu trong hội thảo. Học giả Jun wu Pan nói rằng, việc Trung Quốc sắp thông qua luật Hải cảnh mới không có gì để quốc tế phải quan tâm.

Trong khi đó, Phó Đô đốc Yoji Koda từ Nhật Bản đã phải nhắc lại học giả Trung Quốc rằng Trung Quốc muốn ban hành nội luật thì cũng không được vi phạm tới luật quốc tế.

Điều này bắt đầu từ việc Trung Quốc luôn tuỳ tiện đơn phương tuyên bố các vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven Biển Đông là vùng biển “thuộc chủ quyền của Trung Quốc” bất chấp các quy định của Công ước Luật biển mà họ đang là thành viên.

Triển vọng về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) vẫn còn xa vời khi quan điểm trong ASEAN chưa thống nhất. Theo lời chuyên gia Richard Heydarian từ Philippines, “ASEAN cần một sự nâng cấp” để có thể đưa ra những quyết định thống nhất, dựa trên lợi ích của chính ASEAN chứ không phải lợi ích của mỗi quốc gia đơn lẻ.

Các học giả quốc tế đã đề xuất rất nhiều phương án hợp tác cho Biển Đông, từ phát triển nghề cá cho đến phát triển khoa học biển cùng với việc bảo tồn và phát triển bền vững đại dương. Thế nhưng, điều khó khăn nhất đang ngăn cản chính là thái độ thiếu hợp tác từ Trung Quốc.

Tất cả sáng kiến hay giải pháp đề xuất chỉ có thể thực hiện được nếu chính phủ Trung Quốc thực sự có thiện chí, và tự kiềm chế mình không làm phức tạp thêm vấn đề.

Vì thế, biến Biển Đông thành một khu vực hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn chỉ là mong ước khi thực tiễn Trung Quốc vẫn luôn tiếp diễn các hành động coi thường luật pháp quốc tế trên vùng biển này.

Việt Hoàng/VNN

Tags :
Đọc nhiều