7
category
522616

Biển Đông 04/06: Hé lộ nguy cơ dẫn đến đối đầu quân sự Mỹ – Trung tại 3 điểm nóng ở châu Á – Thái Bình Dương

04/06/2021 13:35

Nhà báo Joris Zylberman đã phân tích về những nguy cơ có thể dẫn đến đối đầu quân sự Mỹ – Trung tại 03 điểm nóng ở châu Á – Thái Bình Dương : Eo biển Đài Loan, biển Hoa Đông và biển Đông.

Theo đó, đối với Đài Loan, theo cựu Đô đốc Hải quân Mỹ James Stavridis, sự mập mờ về chiến lược của Mỹ đối với Đài Loan “có thể dẫn đến những đánh giá sai lầm từ phía Trung Quốc (hay từ Đài Loan) và khơi dậy một cuộc xung đột diện rộng”. Tuy nhiên, Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ Avril Haines lại cho rằng, việc tỏ rõ lập trường sẽ khiến Trung Quốc tìm cách gây cản trở các lợi ích của Mỹ trên toàn thế giới và khiến Đài Loan tuyên bố độc lập. Đối với biển Đông, Mỹ có thể bị lôi kéo vào một cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và một trong số các nước đồng minh của Mỹ, đặc biệt là Philippines. Đối với biển Hoa Đông, Trung Quốc ít dám mạo hiểm hơn khi mối tương quan lực lượng rõ ràng là bất lợi cho Trung Quốc và nghiêng về liên minh Mỹ-Nhật.

Cùng diễn biến, trong cuộc họp báo trực tuyến từ Bangkok, Thái Lan ngày 02/06, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman tái khẳng định “cam kết sâu sắc” của Mỹ đối với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mà Philippines là thành viên chủ chốt, cam kết sẽ thách thức Trung Quốc về các vấn đề như nhân quyền và biển Đông, đồng thời thúc đẩy một khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Bên cạnh đó, Tổ chức sáng kiến theo dõi tình hình chiến lược biển Đông (SCSPI) của Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc cho biết, quân đội Mỹ đã tiến hành 72 chuyến bay do thám ở biển Đông trong tháng 05/2021, trong đó có 52 chuyến do Hải quân Mỹ tiến hành và số còn lại do Không quân Mỹ thực hiện. Theo đó, các chuyến bay do thám gần Trung Quốc của Mỹ tăng gấp đôi so với năm 2020, cao hơn 65 chuyến vào tháng 04/2021, nhằm duy trì sự hiện diện liên tục ở biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường tập trận và hoạt động gây quan ngại trong khu vực. Mới đây, Không quân Mỹ đề xuất chi 48 triệu USD trong ngân sách năm tài khóa 2022 để nghiên cứu công nghệ tên lửa đẩy tái sử dụng cho phép Bộ tư lệnh Tác chiến Đặc nhiệm Không quân triển khai binh sĩ nhanh chóng tới mọi nơi trên Trái Đất trong 01 giờ. Theo đó, kế hoạch sẽ tập trung nghiên cứu khả năng ứng dụng tên lửa cho lĩnh vực quân sự, bao gồm cách triển khai, tháo dỡ và phóng nhanh tên lửa từ “địa điểm bất thường”, xác định vị trí hạ cánh, phát hiện kẻ thù và khả năng thả hàng của tên lửa khi hồi quyển.

Trước động thái của Mỹ, một lữ đoàn trực thuộc Lực lượng Thủy quân lục chiến Trung Quốc đã được tiếp nhận xe tăng Type 15 với biểu tượng con báo đen trên tháp pháo. Trước đây, xe tăng Type 15 chỉ phục vụ cho Lục quân Trung Quốc và được triển khai cho các nhiệm vụ trên cao nguyên. Tuy nhiên, vì Type 15 rất vượt trội trong các nhiệm vụ đổ bộ và phản ứng nhanh, nên nó cũng rất phù hợp khi được triển khai cho Thủy quân lục chiến Trung Quốc. Nhờ trọng lượng nhẹ và động cơ mạnh mẽ, Type 15 có thể hoạt động trong nhiều điều kiện thử thách trong khi các xe tăng chiến đấu chủ lực khác không làm được như khu vực cao nguyên, bãi biển, rừng…

Liên quan việc Malaysia cáo buộc Trung Quốc điều 16 máy bay vận tải quân sự áp sát không phận Malaysia, một nguồn tin trong quân đội Trung Quốc cho biết, nước này chỉ điều hai máy bay vận tải để cung cấp hàng tiếp tế cho binh sĩ đóng tại biển Đông và sau đó họ đã tiến hành tập trận để thích nghi với thời tiết và điều kiện trong khu vực. Các máy bay của Trung Quốc đã tránh vùng thông báo bay (FIR) Hồ Chí Minh do Việt Nam quản lý, đi xuyên qua FIR Singapore trước khi tiến vào FIR Kota Kinabalu của Malaysia vào trưa ngày 31/05.

Hạnh Nhân

Đọc nhiều