Biển đảo mênh mông chỗ đâu mà núp bóng “yêu nước”
Ai cũng có quyền yêu nước và nếu là một người con Việt Nam chân chính, ai cũng mang trong mình lòng yêu nước nồng nàn. Vậy nhưng nực cười thay, một số đối tượng chống đối, cơ hội chính trị, chạy theo tiếng gọi của cái gọi là “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền”, sẵn sàng bán rẻ quê hương, sẵn sàng quay lưng lại với Tổ quốc lại lên mặt dạy đời người Việt Nam về lòng yêu nước.
Nói về lòng yêu nước, chắc chắn người dân Việt Nam sẽ luôn ở nhóm những công dân có lòng yêu nước sâu sắc nhất. Trong mắt của bạn bè quốc tế, Việt Nam vẫn có nhiều điều đặc biệt, thậm chí là phi thường đến mức khó tin. Một quốc gia nhỏ bé bên bờ biển đông nhưng lại chiến thắng được những đội quân xâm lăng hùng mạnh bậc nhất thế giới. Một đất nước dù gặp bao khó khăn nhưng mọi người vẫn sẵn lòng sẻ chia, đùm bọc đồng bào của mình. Một đất nước bị nhiều nhà “dân chủ” phàn nàn, tố cáo là vi phạm tự do, dân chủ, nhân quyền nhưng nền tảng công nghệ thông tin và sự phát triển của công nghệ số lại vào nhóm đầu của thế giới. Với nhân dân Việt Nam, tất cả khó khăn, thử thách chỉ là tấm đá mài để cho lòng yêu nước, tinh thần kiên cường, bất khuất ngày càng tỏa sáng.
Tuy nhiên, một số kẻ “mồm năm miệng mười”, cố tình lợi dụng các vấn đề được dư luận quan tâm, tiến hành đổi trắng thay đen, xuyên tạc lịch sử, chĩa mũi súng vào chính quốc gia, dân tộc, nơi được gọi bằng hai tiếng Tổ quốc để đạt được mưu đồ cá nhân đen tối.
“Tung hỏa mù” chống phá đất nước
Đối với Việt Nam hiện nay, vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo vẫn luôn là vấn đề nóng. Không ít lần, Đảng, Nhà nước ta đã chỉ rõ bảo vệ chủ chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo diễn ra căng thẳng, phức tạp, quyết liệt hơn. Hoà bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông đứng trước thách thức lớn, tiềm ẩn nguy cơ xung đột. Trong đó, những căng thẳng liên quan đến bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, đặc biệt là đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa luôn luôn là vấn đề nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn xác định rõ kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình.
Lợi dụng lòng yêu nước của quần chúng nhân dân, lợi dụng những căng thẳng trong vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo, các đối tượng đã tiến hành nhiều hoạt động xuyên tạc, công kích, hướng lái, kích động tư tưởng thù hằn. Cùng với đó, các đối tượng này thêu dệt nên nhiều câu chuyện với kịch bản vu khống trắng trợn Đảng, Nhà nước Việt Nam không quan tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo. Thậm chí, một số kẻ còn vẽ ra cái gọi là Đảng cộng sản “bán nước” để hù dọa quần chúng, gây chia rẽ mất đoàn kết dân tộc.
Trong số những nhà biên kịch “dân chủ” đang công kích đất nước, những thông tin, bài viết của đối tượng Nhân Tuấn Trương đang được nhiều đối tượng chống đối, cơ hội chính trị chia sẻ, gây nhiễu loạn thông tin. Nhiều luận điệu nhận định chủ quan, vô căn cứ được tung ra như: “Phía Việt Nam thì không nhất quán về quan điểm chủ quyền lãnh thổ cũng như hiệu lực biển của các vùng lãnh thổ trên biển. Theo thời gian, lập trường của Việt Nam thay đổi theo từng trường hợp”, “Về chủ quyền, qua những tài liệu lịch sử và pháp lý của nhà nước tiền nhiệm VN Dân chủ Cộng hòa, nhà nước Việt Nam đã (mặc nhiên) nhìn nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa liên tục trong hai thập niên, từ năm 1958 cho đến năm 1978”, “Việt Nam không thể yêu cầu Trung Quốc giảm yêu sách về hiệu lực các đảo Hoàng Sa vì chính Việt Nam cũng đã từng chủ trương các đảo Hoàng Sa có hiệu lực như vậy”, “Trong cuộc chiến bảo vệ lãnh thổ Hoàng Sa từ 17 đến 19 tháng giêng năm 1974, các bằng chứng lịch sử và pháp lý nhắc lại cho thấy đảng CSVN đã chọn đứng về phía TQ để chống lại VNCH, tức chống lại hành vi của nhân dân miền Nam bảo toàn lãnh thổ của tổ quốc Việt Nam” v.v…
Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước
Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Đây là vấn đề hiển nhiên, không cần bàn cãi. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý vững chắc để chứng minh chủ quyền.
Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam chưa bao giờ và sẽ không bao giờ chấp nhận những hành động xâm chiếm, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên biển Đông. Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán, kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền và quyền tài phán của mình đối với các quần đảo, các vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa như đã được quy định theo luật pháp quốc tế, bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Trong nước, Đảng, Nhà nước ta đã xây dựng hành lang pháp lý về bảo vệ chủ quyền. Trong quan hệ quốc tế, Việt Nam đã tham gia Công ước Luật Biển 1982. Đồng thời, Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, tích cực tham gia xây dựng “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC); “Tuyên bố 6 điểm ngày 20/7/2012 của ASEAN về Biển Đông”; dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC, trong đàm phán Việt Nam và các nước thống nhất nguyên tắc COC phải sử dụng UNCLOS làm cơ sở)
Vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam là hết sức thiêng liêng, nhưng cũng hết sức khó khăn, phức tạp và lâu dài. Việt Nam kiên quyết và kiên trì đấu tranh bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế để giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình đối với các vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo luật pháp quốc tế.
Bảo An
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.