130115
topics
566425

Biến chủng Delta lan nhanh, chuỗi cung ứng của Trung Quốc gặp nguy

17/11/2021 06:44

Biến chủng Delta khiến đợt dịch mới nghiêm trọng hơn đợt dịch hồi tháng 7 và có nguy cơ tàn phá chuỗi cung ứng thực phẩm đông lạnh của Trung Quốc vì virus bám trên loại sản phẩm này.

Trung Quốc (TQ) nhiều ngày gần đây đang phải đối mặt với đợt tái bùng phát COVID-19 mới do biến thể Delta gây ra. Hãng tin Reuters dẫn số liệu mới nhất Ủy ban Y tế quốc gia TQ (NHS) công bố hôm 15-11 cho thấy số ca nhiễm mới đã lên tới hơn 1.300 tính từ ngày 17-10, cao hơn tổng số 1.280 ca bệnh ghi nhận trong đợt bùng phát nghiêm trọng hồi tháng 7.

21 tỉnh, thành báo động, chuỗi cung ứng thực phẩm gặp nguy

Theo tờ South China Morning Post, dịch đang lan ra ít nhất 21 tỉnh, thành ở TQ. Hầu hết các địa phương này ngay từ lúc phát hiện ca nhiễm đầu tiên đã lập tức tái kích hoạt các biện pháp hạn chế di chuyển và tiến hành truy vết, xét nghiệm nhiều vòng đối với người có nguy cơ, đóng cửa các khu vui chơi, giải trí và các địa điểm văn hóa, cấm tụ tập đông người nơi công cộng. TQ kỳ vọng phản ứng kịp thời này sẽ giúp các địa phương bị ảnh hưởng kiểm soát được dịch trong thời gian ngắn tới.

Dù vậy, hiện một số khu vực vẫn đang phải vật lộn chưa tìm ra lối thoát do đợt dịch mới, nóng nhất là TP cảng Đại Liên (tỉnh Liêu Ninh) đang có nguy cơ thành tâm dịch mới của TQ. Theo báo cáo của NHS, suốt tuần qua Đại Liên trung bình mỗi ngày ghi nhận tới 24 ca nhiễm mới – nhiều hơn bất kỳ địa phương nào ở TQ. Số ca nhiễm ở Đại Liên ghi nhận trong ngày 14-11 chiếm phần lớn trong 32 ca cộng đồng được ghi nhận trên cả nước trong ngày này.

Nhân viên y tế Trung Quốc lấy mẫu kiểm tra virus SARS-CoV-2 trên sản phẩm hải sản đông lạnh nhập khẩu. (Nguồn: Reuters)

Hơn 10.000 sinh viên của hai trường ĐH tại Đại Liên đã bị chuyển đến gần 80 khách sạn để cách ly tập trung sau khi phát hiện các ca nhiễm trong ký túc xá. Chính quyền địa phương phải huy động hàng ngàn tình nguyện viên cung cấp nhu yếu phẩm cho những sinh viên này.

Chính quyền Đại Liên khuyến cáo người dân không rời khỏi nhà và tạm dừng hoạt động không cần thiết tại các địa điểm công cộng. Các cơ sở kinh doanh không thiết yếu, trường học cũng buộc phải đóng cửa. Một số quận, huyện của Đại Liên đã tiến hành xét nghiệm diện rộng lần ba sau hai đợt xét nghiệm toàn TP.

Giới chức Đại Liên vẫn đang ra sức truy tìm nguồn lây dẫn đến đợt bùng phát hiện nay. Cơ quan y tế địa phương cho rằng đợt bùng phát này nhiều khả năng liên quan đến các đơn vị nhập khẩu thực phẩm, đưa virus từ bên ngoài vào TP. Ca bệnh đầu tiên tại Đại Liên trong đợt dịch lần này được xác định là một người đàn ông 52 tuổi làm việc tại một kho hàng đông lạnh.

Tờ Hoàn Cầu thời báo cho biết các TP khác ở TQ đã bắt đầu tăng cường điều tra chuỗi cung ứng thực phẩm đông lạnh từ Đại Liên. Các trung tâm mua sắm và công ty thực phẩm trên khắp TQ đã được yêu cầu ngừng bán hàng và xét nghiệm sản phẩm ngay lập tức. Với vị thế là trung tâm cung ứng chính cho khoảng 70% tổng sản phẩm đông lạnh nhập khẩu của TQ, các biện pháp như vậy nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe kinh tế của Đại Liên.

Bên cạnh đó, các TP lân cận như Đan Đông, An Sơn, Thẩm Dương yêu cầu toàn bộ người đến từ Đại Liên phải cách ly tập trung 14 ngày.

Trung Quốc vẫn không từ bỏ “zero COVID”

Đối với nhiều quốc gia đã chấp nhận sống chung với virus SARS-CoV-2 hiện nay, con số hơn 1.000 ca nhiễm mới có thể không quá đáng ngại, song với nước vẫn duy trì chiến lược “zero COVID” (quét sạch F0 trong cộng đồng) như TQ thì đây là kết quả khó chấp nhận, theo hãng tin Bloomberg.

Tuy nhiên, cần thừa nhận rằng một trong những điểm yếu lớn nhất của chiến lược này là đòi hỏi khả năng huy động và tập trung nguồn lực lớn của tập thể trong thời gian ngắn để đuổi theo và bắt kịp tốc độ lây lan của virus một khi dịch bùng phát lại. Hiếm khi nào các thiết chế xã hội đủ khả năng được làm vậy và hậu quả có thể thấy là TQ cứ kiểm soát rồi lại bùng phát dịch nhiều lần như thời gian qua.

Bên cạnh đó, chiến lược quét sạch F0 cũng phụ thuộc rất lớn vào năng lực xét nghiệm của địa phương có dịch. Ngay cả khi xét nghiệm nhanh và hiệu quả thì chắc chắn cũng sẽ để bỏ sót rất nhiều ca nhiễm không có triệu chứng với khả năng lây lan virus như các ca có triệu chứng thông thường. Thậm chí, một nghiên cứu do một số nhà khoa học Mỹ, Anh và Israel đăng tải trên chuyên san y khoa JAMA còn cho rằng nếu truy vết ngược thì khoảng 59% số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu là do bị lây từ người nhiễm không có triệu chứng.

Trung Quốc: Biến thể Delta lan nhanh, chuỗi cung ứng gặp nguy - ảnh 1
Người dân TP Đại Liên thuộc tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc) xét nghiệm COVID-19 hôm 14-11.  

Dù vậy, bất chấp các bằng chứng và số liệu từ các chuyên gia y tế quốc tế, TQ đến nay vẫn chưa có dấu hiệu gì sẽ thay đổi chiến lược chống dịch. Đầu tháng 11, South China Morning Post từng dẫn lời Phó Cục trưởng Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh thuộc NHS Wu Liangyou khẳng định các biện pháp kiểm soát dịch bệnh đang áp dụng ở TQ là “phù hợp với khoa học”.

“Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp kiểm soát COVID-19 chặt chẽ, xây dựng một rào chắn vững chắc ngăn chặn những ca bệnh nhập cảnh và lây nhiễm trong nước” – ông Wu nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, chuyên gia hàng đầu về các bệnh hô hấp tại TQ Zhong Nanshan còn cho rằng sở dĩ dịch thời gian gần đây bắt đầu tái bùng phát nhiều hơn là do TQ gần bước vào mùa đông, người dân có xu hướng tụ tập nhiều hơn, đặc biệt là ở khu vực phía bắc nên làm tăng nguy cơ lây nhiễm.

“Đã có nhiều đợt bùng phát ở vùng tây bắc của đất nước. Miễn là TQ thực hiện các biện pháp chặt chẽ hơn – truy vết chuỗi lây nhiễm, đẩy mạnh xét nghiệm những người tiếp xúc gần với bệnh nhân và xét nghiệm diện rộng khi cần thiết, tôi nghĩ tình hình có thể được kiểm soát trong một thời gian khá ngắn” – ông Zhong cho hay.•

Nhiều người dân Trung Quốc mệt mỏi vì “zero COVID”

Tờ South China Morning Post ngày 14-11 có bài viết mô tả tình cảnh người dân TQ phải chịu đựng các biện pháp chống dịch khắt khe của nước này thông qua chia sẻ của chị Kristen Ng – một nhạc công ở TP Thành Đô thuộc tỉnh Tứ Xuyên.

Chị cho biết gần đây có cùng người yêu đến rạp xem phim và về nhà bình thường. Ba ngày sau, họ được đưa vào khách sạn cách ly bắt buộc 14 ngày, sau khi lực lượng truy vết phát hiện một ca nhiễm COVID-19 đến cùng buổi chiếu phim với chị.

Toàn bộ khách xem phim và nhân viên rạp đều bị đưa đi cách ly do thuộc diện tiếp xúc gần với ca F0. Tuy nhiên, việc truy vết không dừng lại ở đó. Những người từng tiếp xúc với chị Kristen và người yêu, giáo viên một trường địa phương, trong hai tuần qua cũng bị cách ly, bao gồm 200 người là giáo viên, học sinh và phụ huynh. Kristen Ng cho biết hiện không ít người dân tại Thành Đô cảm thấy ngày càng mệt mỏi với chiến lược chống dịch mạnh tay này.

(Theo SCMP)

Đọc nhiều