Bí thư TPHCM: “Thành phố mời bà con ở lại…”
Ngày 15/8, dọc xa lộ Hà Nội, đường Phạm Văn Đồng… những trục đường chính chạy thẳng ra khu vực cửa ngõ TPHCM, nhiều dòng xe máy lỉnh kỉnh đồ đạc chất phía sau…
Những nhóm người với va li, hành lý chất đầy trên phương tiện… chạy nối đuôi nhau – sau khi biết thông tin thành phố tiếp tục kéo dài thời gian giãn cách xã hội thêm 30 ngày.
Trong những ngày căng sức để chống lại đại dịch Covid-19, thành phố đông dân nhất lại chứng kiến thêm một hình ảnh buồn.
“Mảnh đất Sài Gòn” – nơi hàng triệu người dân từ mọi miền Tổ quốc chọn làm chỗ an cư, lập nghiệp. Khi chọn cách ra đi, những người ấy vô tình để lại khoảng trống giữa lòng thành phố – nơi từng mang lại cho họ vật chất, sinh kế – khi lâm vào tình cảnh trọng thương bởi đại dịch quái ác.
Đối với nơi họ trở về, sự di chuyển ấy cũng tạo ra sức ép không nhỏ lên hệ thống y tế cũng như tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch Covid-19.
Thành phố cần người dân ở lại
“Thành phố mời bà con ngoại tỉnh ở lại tiêm vắc xin. Ai gặp khó khăn thì chịu khó liên lạc với địa phương, chúng tôi đã có kế hoạch để hỗ trợ, chia sẻ”, đây là lời kêu gọi của Bí thư Thành ủy TPHCM trước bối cảnh nhiều người dân sinh sống ở thành phố chọn giải pháp trở về địa phương khi tình hình dịch Covid-19 diễn ra căng thẳng.
“Không để người dân thiếu đói, cùng cực vì dịch bệnh” là thông điệp xuyên suốt trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 tại TPHCM. Trong thực tế, sự quan tâm của thành phố đối với người dân chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh không phân biệt người thường trú tại địa bàn, hay đến từ địa phương khác.
Đầu tháng 8, khi tình trạng người dân dùng phương tiện cá nhân về địa phương có xu hướng tăng trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi từng lên tiếng: “Thành phố không có chủ trương đưa người dân ngoại tỉnh về quê. Bởi, mỗi người dân đến với thành phố đều có những đóng góp chung cho công cuộc xây dựng và phát triển”.
Trong quãng thời gian trước đó, TPHCM đã chứng kiến nhiều thời điểm, nhiều khu vực giáp ranh địa bàn với các tỉnh lân cận, gặp cảnh ùn ứ bởi nhiều phương tiện cá nhân di chuyển sang địa phương khác bị vướng lại. “Xót xa” là cảm xúc ông Phan Văn Mãi nói khi chứng kiến những hình ảnh trên.
“Vừa qua, hàng trăm bà con về các tỉnh thuộc Đồng Bằng Sông Cửu Long bị vướng lại ở Bình Chánh, Long An. Bà con phải chờ hàng giờ, trong thời điểm mùa mưa, chúng tôi cảm thấy rất xót xa”, ông Phan Văn Mãi chia sẻ.
Phó Bí thư Thành ủy TPHCM bày tỏ mong muốn người dân từ các tỉnh yên tâm và đồng hành cùng thành phố trong giai đoạn hiện tại. Thành phố sẽ tập trung mọi nguồn lực xã hội, nguồn lực từ các địa phương, thậm chí ngân sách, quỹ dự trữ của thành phố để đảm bảo chăm lo, không để ai thiếu đói.
Đối với những chính sách, hành động cụ thể, TPHCM đã triển khai gói hỗ trợ lần một trong tháng 7 với hơn 334.000 lao động tự do, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong quãng thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15. Trong tháng 8, một gói hỗ trợ tương tự đã được thành phố triển khai để chia sẻ cùng người dân trong thời điểm toàn địa bàn áp dụng Chỉ thị 16.
Trong đợt hỗ trợ mới nhất, thành phố hướng tới những hộ lao động nghèo sinh sống tại nhà trọ, khu lao động, khu phong tỏa gặp khó khăn. Không phân biệt thường trú hay tạm trú, bất kể hộ dân nào gặp khó khăn đều được tiếp cận gói hỗ trợ này.
Trong ngày 15/8, Thành ủy TPHCM đã yêu cầu các quận, huyện và thành phố Thủ Đức khẩn trương rà soát các trường hợp công nhân, người lao động, học sinh sinh viên, những người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn để hỗ trợ tiền nhà trọ, lương thực thực phẩm. Chủ trương của Thành ủy tiếp tục là không để ai thiếu đói và sẽ hỗ trợ gói an sinh xã hội bằng tiền mặt trong tháng 8, tháng 9.
Bên cạnh những hỗ trợ từ ngân sách, tinh thần của một thành phố nghĩa tình được phát huy hơn bao giờ hết tại đô thị đông dân nhất cả nước trong đợt dịch Covid-19 lớn nhất. Hàng triệu phần lương thực, thực phẩm từ nhà hảo tâm đến người gặp khó khăn, hàng nghìn bếp ăn nghĩa tình vẫn đỏ lửa suốt thời gian qua là minh chứng rõ nét cho sự đồng lòng cùng chung tay vượt qua đại dịch của đô thị triệu dân.
Ở lại để bảo vệ cho quê nhà
Ngày 15/8, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, cho biết, địa bàn vừa ghi nhận 5 trường hợp mắc Covid-19. Họ đều đi xe máy từ TPHCM về Quảng Nam và cho kết quả dương tính SARS-CoV-2 sau 7 ngày cách ly tập trung, 7 ngày cách ly tại nhà.
Cũng trong chiều cùng ngày, tỉnh Ninh Thuận đã ghi nhận 400 người trở thành F0 trong số hơn 2.000 công dân đi xe máy từ tỉnh Đồng Nai về địa phương. Trước sức ép lớn về cơ sở cách ly, điều trị, nguy cơ lây lan dịch bệnh, Ninh Thuận đã có công văn khẩn đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục quan tâm tuyên tuyền, vận động người dân Ninh Thuận an tâm ở lại, chấp hành tốt các quy định về phòng, chống dịch.
Với đặc điểm lây lan nhanh, phức tạp của biến chủng Delta, bất kỳ sự tiếp xúc nào cũng có khả năng tạo ra sự lây nhiễm dịch Covid-19. Những sự việc trên là minh chứng rõ nét cho việc “ai ở đâu thì ở yên đấy” là điều cần thiết để bảo vệ cho chính mình và cộng đồng.
Dù không trực tiếp mang mầm bệnh, nhưng những sự tiếp xúc trong cả hành trình dài cũng vô tình tạo điều kiện để virus SARS-CoV-2 có khả năng lan tỏa.
PGS. TS Trần Đắc Phu (nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế) nhìn nhận, tình trạng đông người di chuyển về quê nếu tiếp diễn sẽ tạo ra sự lây lan giữa người cùng đi với nhau và lây lan ra nhiều tỉnh, thành. Thời điểm hiện tại, mục tiêu phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện phong tỏa nghiêm phải được đặt lên hàng đầu.
“Hiện tại, số ca mắc tại TPHCM nhiều, sự di chuyển của các F0 sẽ gây ra lây lan trên diện rộng. Chúng ta khó biết ai đã nhiễm virus do biến chủng Delta có khả năng lây lan nhanh, các F0 có thời kỳ không triệu chứng”, PGS. TS Trần Đắc Phu phân tích.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ở nhiều tỉnh, thành, “ai ở đâu ở đấy” là điều đã được quán triệt rõ trong công điện số 1063 của Thủ tướng về công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Mới đây nhất, Nghị quyết 86 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 cũng yêu cầu các địa phương phát hiện, xử lý ngay người đến từ vùng dịch hoặc rời khỏi địa bàn đang giãn cách xã hội mà không được phép của cấp có thẩm quyền.
Những yêu cầu, khuyến cáo trên ngoài việc loại bỏ mọi khả năng lây lan của dịch Covid-19, còn nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng người dân trước bất trắc của hành trình dài, di chuyển tự phát.
Đối với riêng những người Sài Gòn, trong thời điểm hiện tại, với sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền, cùng sự chung sức của mọi người dân không kể tầng lớp, địa vị, họ có đủ điều kiện để an tâm chung sức thành phố vượt qua những ngày đau thương bởi dịch bệnh.
Thời điểm này, bằng cách ở yên tại chỗ, mỗi người đều đang góp phần giúp cả nơi mình sinh sống và nơi mình sinh ra vượt qua đại dịch Covid-19. Rồi một ngày kia, khi “vết thương” đi qua, những câu chuyện kể về khoảng thời gian đoàn kết, chia sẻ và tương trợ lẫn nhau sẽ còn ở lại.
Quang Huy