425
category
462834

Bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND TP, tổng giám đốc… làm gì trong hội đồng trường?

05/01/2021 10:34

Hàng loạt nhà quản lý, doanh nhân tham gia hội đồng trường của nhiều trường ĐH. Trong đó có cả bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND TP. Những thành viên này sẽ làm gì trong hội đồng trường?

Bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND TP, tổng giám đốc... làm gì trong hội đồng trường? - Ảnh 1.
Ông Trần Bá Dương – chủ tịch HĐQT Công ty CP ôtô Trường Hải (trái), ông Võ Quốc Thắng – chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty CP Đồng Tâm (giữa) tham gia hội đồng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) – Ảnh: T.H.

Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục ĐH, thành viên ngoài trường chiếm tỉ lệ tối thiểu 30% gồm: đại diện cơ quan quản lý có thẩm quyền; đại diện cộng đồng xã hội do hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của trường bầu gồm nhà lãnh đạo, nhà quản lý, nhà giáo dục, nhà văn hóa, nhà khoa học, doanh nhân, cựu sinh viên, đại diện đơn vị sử dụng lao động.

Bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND TP

Hội đồng trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM nhiệm kỳ 2020 – 2025 ra mắt ngày 21-12-2020 gồm 19 thành viên. Trong đó có 6 thành viên ngoài trường gồm: GS.TS Tạ Ngọc Đôn, vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ – môi trường Bộ GD-ĐT; ông Phạm Đại Dương, bí thư Tỉnh ủy Phú Yên; ông Trương Anh Dũng, tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH); ông Hồ Minh Hoàng, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả; ông Võ Quang Huệ, phó tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup và ông Nguyễn Ngọc Linh, phó tổng giám đốc Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn…

Trước đó, hội đồng trường ĐH Kinh tế TP.HCM nhiệm kỳ 2020 – 2025 có 25 thành viên. Trong đó có 8 thành viên đại diện cơ quan quản lý, cộng đồng xã hội. Đáng chú ý có ông Nguyễn Thành Phong – chủ tịch UBND TP.HCM, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Bộ GD-ĐT, ông Trần Ngọc Thuận – chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Hòa – chủ tịch hội đồng thành viên Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM, ông Phạm Quốc Bảo – chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty Điện lực TP.HCM…

Hội đồng trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) nhiệm kỳ 2020 – 2025 có 25 thành viên. Trong đó có 7 thành viên là doanh nhân, nhà quản lý gồm: ông Trần Lưu Quang – phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, ông Trần Bá Dương – chủ tịch HĐQT Công ty CP ôtô Trường Hải, ông Võ Quốc Thắng – chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty CP Đồng Tâm, ông Trần Thanh Hải – chủ tịch HĐQT Công ty CP thực phẩm dinh dưỡng NutiFood…

Ông Dương Anh Đức – phó chủ tịch UBND TP.HCM – hiện đang là thành viên hội đồng trường của ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) và ĐH Sài Gòn. “Phần lớn các trường xếp lịch họp hội đồng trường vào những ngày cuối tuần nên tôi có thể tham gia được, đặc biệt là các cuộc họp quan trọng” – ông Đức chia sẻ.

Bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND TP, tổng giám đốc... làm gì trong hội đồng trường? - Ảnh 3.
Ông Trần Lưu Quang (trái) – phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM – là thành viên hội đồng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) – Ảnh: T.H.

Định hướng sát với thực tiễn

Ông Dương Anh Đức cho rằng để hội đồng trường hoạt động hiệu quả cần thỏa mãn một số yếu tố như có nhiều thành phần. Các thành phần ngoài trường tham gia bất vụ lợi. Thành viên hội đồng trường phải có kiến thức sâu rộng để góp ý sát sườn cho sự phát triển của trường.

“Các trường mời tôi tham gia hội đồng trường vì biết tôi có hiểu biết nhất định về trường. Tôi từng là giảng viên, quản lý giáo dục và nay làm quản lý nhà nước nên có thể tham gia đóng góp ý kiến về chính sách, chiến lược phát triển, đào tạo của nhà trường cũng như khả năng tận dụng cơ chế chính sách giúp nhà trường phát triển” – ông Đức nói.

GS.TS Nguyễn Đông Phong – chủ tịch hội đồng trường ĐH Kinh tế TP.HCM – cho biết hội đồng trường hiện nay có nhiều trách nhiệm lớn, giải quyết nhiều vấn đề như chương trình đào tạo, thành lập một đơn vị mới trong trường… Việc đại diện nhà quản lý, doanh nhân tham gia hội đồng trường để các hoạt động của nhà trường gắn với thực tiễn, tránh hàn lâm.

Trong khi đó, PGS.TS Ngô Văn Thuyên – chủ tịch hội đồng trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM – cho rằng thành viên ngoài trường tham gia hội đồng trường chỉ có lợi cho trường chứ bản thân người đó không có lợi gì. Vì những người này phải tốn thời gian và công sức khi tham gia các hoạt động của hội đồng trường.

“Đây thực sự là những người có tâm huyết với nền giáo dục. Họ tham gia hội đồng trường để đóng góp ý kiến, góp phần định hướng chiến lược phát triển cho trường. Những người có kinh nghiệm trong các doanh nghiệp hoặc lãnh đạo các tỉnh, thành đều là người có tầm nhìn chiến lược rất tốt nên luôn có những đóng góp rất tốt…” – ông Thuyên đánh giá.

Tại phiên họp đầu tiên của hội đồng trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), ông Trần Bá Dương – chủ tịch HĐQT Công ty CP ôtô Trường Hải – cho biết: “Chúng tôi đã có những phương án cho trường như cho sinh viên khó khăn vay học phí trả sau, kêu gọi đóng góp về cơ sở vật chất…”.

3 loại hội đồng trường

Theo PGS.TS Vũ Hải Quân – phó giám đốc thường trực ĐH Quốc gia TP.HCM, các trường ĐH lớn ở châu Á đều có hội đồng trường.

Về chức năng, có thể phân thành ba loại hội đồng trường: (1) Hội đồng trường dạng hợp tác – có thành viên là đại diện doanh nghiệp, các tổ chức xã hội; hoạt động theo tinh thần hợp tác như tài trợ ngân sách, công trình xây dựng, hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu khoa học… (2) Hội đồng trường dạng tư vấn giám sát – thực hiện chức năng tư vấn, giám sát liên quan đến sự phát triển của trường theo đúng định hướng chiến lược của quốc gia, các vấn đề về tự chủ, về tổ chức bộ máy, về đào tạo, về tài chính… (3) Hội đồng trường dạng ra quyết định – có nhiều quyền hạn trong đó có quyền quyết định nhân sự hiệu trưởng, tham gia xây dựng và giám sát chiến lược phát triển, tài chính, tuyển sinh…

“Hội đồng trường các trường ĐH công lập lớn của Singapore, Indonesia, Malaysia đều do chính phủ thành lập gồm đại diện cơ quan chủ quản, ban giám hiệu, các giáo sư đầu ngành, doanh nghiệp, đại diện các tổ chức xã hội… Hội đồng trường của Trường ĐH Indonesia có sự tham gia của đại diện cơ quan chủ quản là các bộ GD-ĐT, KH&CN. Điểm đặc biệt là lá phiếu của đại diện Bộ GD-ĐT chiếm 30% quyền quyết định, thể hiện rõ vai trò đại diện của chủ sở hữu (tức là của cơ quan cấp ngân sách) và đảm bảo cho hoạt động của trường đi đúng chiến lược phát triển của quốc gia” – ông Quân cho biết.

TRẦN HUỲNH/TTO

Tags :
Đọc nhiều