148628
topics
547755
Bí thư Đà Nẵng: Về lâu dài phải tính ‘sống chung với dịch’
01/09/2021 21:32

Sau 20 ngày người dân ở yên trong nhà, thành phố Đà Nẵng đang tính nối lại một số hoạt động từ ngày 5/9 và lên kịch bản “sống chung với dịch” về lâu dài.

Ngày 1/9, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Đà Nẵng sẽ chống dịch như thế nào sau ngày 5/9 – thời điểm dự kiến hết tăng cường giãn cách, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng chia sẻ “Đây là điều lãnh đạo thành phố đang trăn trở, vì không thể đóng cửa mãi được”.

Theo ông, chiều nay Ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố sẽ họp bàn để chốt phương án “mở lại những hoạt động gì” cho người dân.

Ông Quảng nhìn nhận nếu tiếp tục áp dụng người dân ở yên trong nhà là quyết định dễ dàng với hệ thống quản lý nhà nước của thành phố, vì đã thành nếp. Nhưng vấn đề phải tính đến là các hệ quả khác về mặt xã hội; tư tưởng, tâm lý của người dân bị ảnh hưởng sau thời gian dài phải ở trong nhà, nhất là các hộ sống trong kiệt hẻm chật chội.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng.

“Nếu ví hoạt động xã hội như một mạch máu, buộc chặt trong một thời gian nhất định để ngăn độc tố tấn công và lan ra rộng, cơ thể sẽ chịu đựng được, nhưng buộc quá lâu, mạch máu không lưu thông thì những bộ phận phía sau mạch máu sẽ bị hoại tử, phải cắt bỏ. Do đó, cần tính toán mở lại các hoạt động để mạch máu hoạt động xã hội được lưu thông”, ông Quảng nói.

Lãnh đạo Đà Nẵng cho rằng, căn cứ vào kết quả chống dịch sau 20 ngày, thành phố phải khoanh được chính xác các khu vực vùng đỏ, vùng vàng và vùng xanh, từ đó có cách ứng xử và biện pháp phòng dịch phù hợp. Vùng đỏ phải áp dụng triệt để việc phong toả, cách ly y tế để tách F0; tăng cường các biện pháp giám sát như lắp camera, nơi có điều kiện thì bay flycam….

Còn ở vùng vàng, ông Quảng cho biết thành phố sẽ mở lại một số hoạt động thiết yếu, như người dân được đi chợ vì ban điều hành khu dân cư không thể đi chợ hộ; mở lại các chợ truyền thống và chợ đầu mối; hoạt động sản xuất kinh doanh có thể tăng từ 30 lên 50% nhân lực và không tổ chức “3 tại chỗ”, vì doanh nghiệp phải bỏ ra chi phí quá lớn, nhiều nơi không thể đáp ứng yêu cầu…

“Nhưng mở lại hoạt động nào thì phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, có điều kiện kèm theo. Nếu không sẽ lại trở thành nguy cơ lây nhiễm và thành quả 20 ngày qua người dân chật vật ở trong nhà quay về con số 0”, ông Quảng nói, cho biết thành phố phải tính đến việc giám sát người ra đường, thiết lập lại các chốt kiểm soát.

Lãnh đạo Đà Nẵng cũng tính đến việc tạo sự khác biệt rõ ràng trong việc nới lỏng các hoạt động và đi lại của người dân ở vùng xanh với vùng vàng. Từ đó tạo động lực để người vùng xanh bảo vệ chính nơi ở của mình, và người ở vùng vàng cũng phấn đấu để trở thành vùng xanh. Trước mắt, ngành y tế đang ưu tiên tiêm vaccine cho người ở vùng xanh.

Về lâu dài, Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết lãnh đạo thành phố đã tính đến kịch bản sống chung với dịch. Ông nói, biến chủng nCoV lần này rất phức tạp, nhiều trường hợp ghi nhận dương tính khi đã cách ly 21 ngày.

Khi kiểm soát được dịch, Đà Nẵng mở lại một số hoạt động sẽ tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện đợt bùng phát mới. “Trong trường hợp thành phố nới lỏng thì cũng phải có kịch bản chuyển ngay về trạng thái báo động. Nghĩa là người dân và chính quyền phải sẵn sàng cho tình huống quay lại ở yên trong nhà khi dịch bệnh trên địa bàn mức độ nguy cơ cao. Đó là cách sống chung với dịch”, ông Quảng nói và cho rằng 20 ngày tạm dừng hoạt động mà thành phố đang áp dụng là thời gian để chuẩn hóa các quy trình chống dịch cần thiết.

Chợ An Hải Bắc, quận Sơn Trà được làm nhiều vách ngăn, tạm thời hoạt động trở lại, ngày 27/8.

Trước đó từ 11/8, Đà Nẵng đưa ra biện pháp “chưa có tiền lệ” là phong toả toàn thành phố để chống dịch. Lúc này, lãnh đạo thành phố muốn tạo ra “bảy ngày vàng” xét nghiệm toàn diện các hộ dân, nhằm kiểm soát được ổ dịch liên quan đến Cảng cá Thọ Quang (879 ca dương tính trong 17 ngày).

Trong khi y tế đang tập trung truy vết những khu vực phong toả cứng ở quận Sơn Trà, thì ổ dịch mới bùng phát ở chợ đầu mối. Hết 7 ngày người dân không ra khỏi nhà, đến 23/8, chuỗi lây nhiễm ở chợ đầu mối đã ghi nhận 901 bệnh nhân, chuỗi Thọ Quang lên 1.152 người và chưa dừng lại, buộc địa phương phải gia hạn thời gian cách ly lên 10 ngày và sau đó là 20 ngày, đến 5/9.

Sau 17 ngày tạm dừng mọi hoạt động, thành phố ghi nhận tổng cộng 2.229 bệnh nhân mắc Covid-19. Số ca dương tính những ngày qua vẫn còn nhiều và liên tục biến động. Trong đó ngày 30/8 là 54 ca, ngày 31/8 lại tăng lên 123 ca và ngày 1/9 giảm còn 55 ca. Tín hiệu tích cực là ca cộng đồng giảm mạnh, trong hôm nay chỉ ghi nhận 3 ca (phát hiện từ lấy mẫu đại diện hộ gia đình).

Nhân viên y tế đưa F0 ghi nhận tại kiệt 51 Lý Tự Trọng (quận Hải Châu) lên Bệnh viện dã chiến, trưa ngày 26/8.

Ông Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng, lý giải số bệnh nhân nhiều vì khu phong toả, cách ly trên địa bàn vẫn còn nhiều. Sau thời gian ủ bệnh, người dân trong khu vực này được phát hiện dương tính. Chủng Delta lây lan nhanh, nhiều hộ bị lây nhiễm cả gia đình, nên số lượng bệnh nhân tăng. Một số ổ dịch bùng phát ở kiệt hẻm nhỏ, chung cư.

Thành phố duy trì lấy mẫu hộ gia đình 3 ngày/lần trong thời gian người dân ở yên trong nhà. Theo bác sĩ Thạnh, về lý thuyết sau ba lần lấy mẫu có thể phát hiện hết bệnh nhân trong cộng đồng. Tuy nhiên không loại trừ trường hợp ủ bệnh từ 4 đến 5 ngày, nên sau ngày thứ 16 mới dương tính và nguy cơ F0 vẫn còn lẩn khuất.

“Số F0 từ lấy mẫu đại diện hộ gia đình dù vẫn còn, nhưng đã giảm mạnh. Trong đó, lần lấy mẫu đầu tiên phát hiện 81 ca, lần thứ hai lên 121 ca, lần thứ ba 39 ca, lần thứ tư còn 19 ca. Qua đây thành phố đã tách được rất nhiều F0 ra khỏi cộng đồng để khoanh vùng cách ly hẹp”, ông nói và khẳng định điều này cho thấy hiệu quả việc áp dụng biện pháp cách ly xã hội để tập trung xét nghiệm.

Ngành y tế Đà Nẵng đang tiếp tục lấy mẫu toàn diện lần thứ 5, làm cơ sở để đánh giá tình hình dịch bệnh và tham mưu cho lãnh đạo thành phố có những biện pháp chống dịch tiếp theo. Ông Thạnh cho rằng thành phố có thể mở lại một số hoạt động buôn bán hàng thiết yếu ở “vùng vàng”, nhưng phải đảm bảo việc đeo khẩu trang, kính chống giọt bắn, người bán được tiêm vaccine và xét nghiệm định kỳ…

Nguyễn Đông

Đọc nhiều