Nga trở thành nhân tố bất ngờ nếu Trung-Ấn chiến tranh?

30/12/2020 14:10

Thế giới đang trong tình cảnh rất bấp bênh khi các quốc gia lớn như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ gần như đang ở trên bờ vực của một cuộc xung đột có thể dẫn tới Thế chiến III.

Bị Mỹ "nẫng" đồng minh, Nga sẽ phản đòn và trở thành nhân tố bất ngờ nếu Trung-Ấn chiến tranh?

Nga trở thành “nhân tố bất ngờ”

Theo nhà phân tích Haider Abbas trên tờ EurAsian Times, mối đe dọa về hai cuộc chiến tranh lớn đang bao trùm châu Á – một có nguy cơ nổ ra ở Biển Đông giữa Trung Quốc-nhóm QUAD [Bộ tứ kim cương, trong đó có Ấn Độ] và một có thể bùng phát ở Himalaya giữa Trung Quốc-Ấn Độ.

Trớ trêu thay, cả hai cuộc chiến này đều liên can tới Trung Quốc và Ấn Độ. Hai phía đều đối mặt với viễn cảnh chiến tranh 2 mặt trận.

“Tuy nhiên, đâu là nhân tố bất ngờ trong viễn cảnh chiến tranh đang cận kề này? Dự đoán đích xác chính là Nga!” – Ông Abbas viết.

Nhà phân tích Abbas cho hay, Moscow đã rất hoài nghi về nhóm QUAD [liên minh chiến lược giữa Mỹ, Ấn Độ, Australia, Nhật Bản] và đã tỏ thái độ với Ấn Độ khi hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh Nga-Ấn vào ngày 23/12 vừa qua.

Đây là lần đầu tiên trong hai thập kỷ, Ấn Độ và Nga không tổ chức hội nghị thượng đỉnh thường niên.

New Delhi dường như đã báo hiệu sự dứt bỏ quá khứ và có xu hướng đứng chung hàng ngũ với Mỹ trong vài thập kỷ tới. Israel và Saudi Arabia là những đồng minh trung thành nhất với Mỹ. Do đó, họ sẽ trở thành đồng minh với Ấn Độ.

Bị Mỹ nẫng đồng minh, Nga sẽ phản đòn và trở thành nhân tố bất ngờ nếu Trung-Ấn chiến tranh? - Ảnh 1.
Hình ảnh từ một cuộc tập trận chung giữa Trung Quốc-Pakistan. Nguồn: China Military Online

Trung Quốc và Pakistan đang tham gia cuộc tập trận quân sự kéo dài một tháng, và Bắc Kinh đã yêu cầu New Delhi hãy nhìn nhận động thái này “một cách khách quan”. Cuộc tập trận chung diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc và Pakistan đã ký biên bản ghi nhớ mới nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác quốc phòng thân thiết và lâu dài của họ.

Thỏa thuận này do Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa và ban lãnh đạo Pakistan ký kết sau khi ông Ngụy tới thăm sở chỉ huy quân sự Pakistan ở Rawalpindi.

Khi phát biểu tổng kết nội dung tập trận của hai lực lượng không quân, Tư lệnh Không quân Pakistan Mujahid Anwar Khan đã đề nghị các cuộc tập trận tương tự được tổ chức thường xuyên do tình hình toàn cầu có nhiều biến động. Đại sứ Trung Quốc tại Pakistan cũng có mặt trong dịp này.

Màn “diễu võ dương oai” của Trung Quốc và Pakistan tại khu vực chỉ cách biên giới Ấn Độ vài trăm km có khả năng buộc New Delhi phải chuẩn bị sẵn sàng cho bất cứ tình huống bất trắc nào.

Theo ông Abbas, Nga cũng tỏ ra ngày càng cảnh giác với trật tự địa chính trị mới, nhất là khi Mỹ đã “nẫng mất” Ấn Độ sau 70 năm duy trì quan hệ hữu nghị với Nga. Do đó, vào ngày 22/12, Đại sứ Nga tại New Delhi Nikolay Kudashev đưa ra thông điệp rằng, Nga đã cam kết mối quan hệ của nước này với Pakistan và Ấn Độ “không cần phải lo lắng”.

Nhà phân tích nhận định, sự xuất hiện của QUAD chắc chắn đã mang lại thách thức với Nga như đối với Trung Quốc. Do đó, Moscow không muốn Mỹ dễ dàng hạ gục Trung Quốc như vậy. Moscow và Bắc Kinh từ lâu đã có sự ngầm hiểu nhau để cùng xây dựng mặt trận chống Mỹ, chính xác là sau năm 1989 khi Liên Xô dần sụp đổ.

Trong một hoạt động mới được nối lại nhằm đối đầu Mỹ, từ ngày 22/12, Nga đã bắt đầu tổ chức các cuộc tuần tra chiến lược chung trên không tại châu Á-Thái Bình Dương. Hoạt động này được cho là sẽ trở thành “thông lệ” trong tương lai.

Theo các báo cáo truyền thông, tham gia cuộc tuần tra là đội hình kết hợp của 4 máy bay ném bom H-6K Trung Quốc và 2 oanh tạc cơ Tu-95 của Nga. Cả hai quốc gia đã thể hiện sức mạnh không quân của mình trên biển Nhật Bản và Hoa Đông mà không xâm phạm không phận của bất cứ quốc gia nào khác.

Dễ hiểu rằng, mặc dù Nga nhấn mạnh các cuộc “diễn tập” này không nhằm vào bất cứ quốc gia nào nhưng thông điệp rõ ràng là gửi tới Mỹ.

Những người hoài nghi cho rằng Nga còn gửi một thông điệp tới Ấn Độ, bởi Nga và Trung Quốc là đối tác quốc phòng. Trong khi đó, Ấn Độ mặc dù có ít vai trò ở Biển Đông nhưng đang sát cánh với Mỹ để khiêu khích Trung Quốc. Điều này được cho là có thể thúc đẩy Nga hình thành liên minh với Trung Quốc một cách công khai hơn để chống lại Mỹ.

Bị Mỹ nẫng đồng minh, Nga sẽ phản đòn và trở thành nhân tố bất ngờ nếu Trung-Ấn chiến tranh? - Ảnh 2.
Nga sẽ trở thành nhân tố bất ngờ nếu Trung-Ấn chiến tranh? (Nguồn ảnh: Business Insider)

Nga có thể chấp nhận cả Pakistan?

Theo logic tương tự, Nga cũng có thể chấp nhận Pakistan – điều mà Ấn Độ tất nhiên không mong muốn, đặc biệt là khi 70% vũ khí của nước này do Nga sản xuất. Thậm chí nhờ sự trợ giúp của Trung Quốc, Taliban được cho là đang nhận được sự hậu thuẫn từ Nga để chống lại Mỹ trong bối cảnh địa chính trị thay đổi.

Nếu Pakistan nhắm tới việc dùng Taliban chống lại Ấn Độ thì Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF) sẽ ngăn cản họ làm điều đó. Cần nhớ rằng, Islamabad hiện bị FATF liệt vào danh sách tài trợ khủng bố.

Taliban cũng sẽ là một tai họa đối với Nga do trong cuộc chiến tranh Azerbaijan-Armenia vừa qua, tình báo Nga ghi nhận thấy rằng, Thổ Nhĩ Kỳ từng có ý định tung ra các phần tử Taliban chống Nga trong trường hợp Moscow quyết định hậu thuẫn Yerevan chống lại Baku.

Thế giới hiện đang trong tình cảnh rất bấp bênh khi tất cả các quốc gia lớn như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ gần như đang ở trên bờ vực của một cuộc xung đột có thể dẫn tới Thế chiến III.

Theo ông Abbas, chúng ta còn cần phải chờ xem Nga có khuynh hướng chuyển giao hệ thống tên lửa S-400 [trị giá 5,43 tỷ USD] cho Ấn Độ như thế nào vào năm tới để giúp New Delhi củng cố biên giới.

Tài Anh

Đọc nhiều