Bị Mỹ lớn tiếng “dọa nạt”, Ấn Độ ngay lập tức đáp trả

10/01/2021 15:50

Trong một tuyên bố mới đây, Bộ Ngoại Ấn Độ khẳng định sẵn sàng bảo vệ lợi ích của nước này trước thông tin Mỹ sẽ trừng phạt New Delhi vì mua các tên lửa S-400 từ Nga.

Bị Mỹ lớn tiếng "dọa nạt", Ấn Độ ngay lập tức đáp trả: Liên minh với Nga là ưu tiên số 1

Theo tờ Topwar, Bộ Ngoại giao Ấn Độ trong một cuộc họp báo mới đây đã đưa ra quan điểm của nước này về thông tin Mỹ nhiều khả năng sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào New Delhi vì hợp đồng mua các hệ thống phòng không tầm xa S-400 “Triumf” từ Nga.

Trước đó, Cơ quan Nghiên cứu của Quốc hội Mỹ (CRS) đã đưa ra một báo cáo cho thấy Washington hoàn toàn có thể áp đặt các lệnh trừng phạt theo đạo luật CAATSA (Đạo luật Chống lại Kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt) nhằm vào Ấn Độ ngay sau khi Nga chuyển giao hệ thống S-400 đầu tiên cho New Delhi.

Trả lời câu hỏi của giới báo chí về vấn đề này, Anurag Srivastava, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết:

“Ấn Độ – Mỹ có quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu, Ấn Độ – Nga cũng có quan hệ đối tác chiến lược đặc quyền. New Delhi luôn theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập dựa trên lợi ích của mình. Điều này cũng áp dụng cho hoạt động mua sắm quốc phòng của chúng tôi. Tất cả chúng đều được thực hiện vì lợi ích an ninh quốc gia của Ấn Độ.”

Cũng theo ông Srivastava, Ấn Độ cam kết đối thoại mang tính xây dựng với Mỹ về những vấn đề mà hai chưa tìm được tiếng nói chung, một cuộc thảo luận như vậy không thể có chỗ cho các biện pháp trừng phạt hay đe dọa trừng phạt.

Theo tờ báo của Nga, tuyên bố trên của Bộ Ngoại giao Ấn Độ là một tín hiệu rõ ràng dành cho Washington rằng New Delhi luôn sẵn sàng bảo vệ lợi ích quốc gia của họ trong mọi trường hợp.

Trước các đồn đoán về các lệnh trừng phạt vì S-400, Mỹ cũng đang tiến hành một số hành động “đe dọa” đối với Ấn Độ nhằm ép New Delhi từ bỏ mối quan hệ đối tác chiến lược với Nga. Điển hình như việc áp thuế lên một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Ấn Độ.

Hiện tại, Ấn Độ là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. Kim ngạch thương mại năm 2018-2019 đã vượt 140 tỷ USD. Bất kỳ xích mích nào giữa Washington và New Delhi đều dẫn đến thiệt hại kinh tế quy mô lớn cho cả hai.

Trà Khánh

Tags :
Đọc nhiều