Bí mật về lực lượng chống khủng bố GSG 9 của Đức
Sau vụ giải cứu bất thành con tin bị nhóm khủng bố bắt giữ tại Thế vận hội Olympic 1972, CHLB Đức đã quyết định thành lập một lực lượng đặc biệt chống khủng bố.
Lực lượng này có tên gọi Nhóm Kiểm soát biên giới số 9 (Grenzschutzgruppe 9 GSG 9) nằm trong cơ cấu Cảnh sát Biên phòng liên bang Bundesgrenzschutz (BGS). Quân số ban đầu của GSG 9 là 180 người.
Nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức
Nhiệm vụ chủ yếu của GSG 9 là chống các tổ chức, cá nhân khủng bố, giải cứu con tin; ngăn chặn âm mưu ám sát các quan chức và nhà ngoại giao nước ngoài; bảo vệ các mục tiêu và quan chức chính phủ. GSG 9 cũng làm nhiệm vụ đối phó tội phạm nghiêm trọng như bắt cóc và tống tiền; phát triển, thử nghiệm, đánh giá các chiến thuật và kỹ thuật dùng cho mục đích này.
Ngoài ra, GSG 9 còn có thể được Bộ Chỉ huy BGS giao nhiệm vụ hỗ trợ các đơn vị thường trực của BGS, các cơ quan liên bang như Cục Chống tội phạm liên bang, Cơ quan Hải quan liên bang và các cơ quan địa phương theo yêu cầu. Tuy nhiên, khi đó các vấn đề sử dụng chiến thuật và phương pháp hành động cụ thể luôn thuộc thẩm quyền của chỉ huy trưởng GSG.
Với quy chế là một lực lượng cảnh sát, GSG 9 có quyền bắt giữ trên toàn quốc và được phép tiến hành xâm nhập lâu dài vào các nhóm khủng bố. Điều đó tạo điều kiện cho việc tiến hành các chiến dịch phòng ngừa chống khủng bố ngoài các nhiệm vụ thường trực như giải cứu con tin và trấn áp tội phạm.
GSG 9 có quân số 200-250 đội viên và được chia thành 3 đơn vị hành động. Trong đó, đơn vị số 1 làm nhiệm vụ tấn công chống khủng bố đường bộ, giải cứu con tin vô hiệu hoá các mục tiêu cụ thể, bố trí xạ thủ bắn tỉa… Đơn vị số 2 chống khủng bố đường biển, thực hiện các nhiệm vụ như cướp tàu thuỷ, các cơ sở ven bờ và các giếng khoan dầu. Đơn vị số 3 là tấn công nhảy dù, đối phó với các tình huống đòi hỏi xâm nhập từ trên không.
Mỗi đơn vị hành động có 30 người, gồm ban chỉ huy 5 người, 5 đội tác chiến SAT (Spezialeinsatztruppe) với 5 người/đội. SAT cũng chính là đơn vị chiến đấu cơ bản của GSG 9. Ngoài các đơn vị hành động, GSG 9 còn có các bộ phận khác như tham mưu, kỹ thuật, tư liệu, huấn luyện… và đơn vị không quân riêng (Grenzschutz-Fliegergruppe).
Trang bị
GSG 9 là lực lượng đầu tiên đưa súng HK MP5 vào hoạt động chống khủng bố. Đến nay, đây là loại vũ khí phổ biến nhất cho các đơn vị chống khủng bố, đặc nhiệm nhiều nước.
Ngoài ra, GSG 9 còn sử dụng các loại tiểu liên Walter MP-K; các biến thể súng trường tấn công HK G3; súng trường tấn công tối tân G11; các loại súng phóng lựu bắn đạn cay và khí gây tê liệt thần kinh; thiết bị nổ, súng bắn đạn ghém tự động; súng bắn tỉa có kính nhìn đêm. Súng ngắn gồm các kiểu Glock, HK P7 và HK P9; súng ngắn ổ quay, đi kèm với kính ngắm quang học…
GSG 9 còn được trang bị khí tài nhìn đêm, các thiết bị nghe lén/chống nghe lén tối tân, các phương tiện phát hiện và phòng hộ vũ khí NBC, các thiết bị liên lạc hiện đại..
Quân phục của đội viên GSG 9 là bộ đồ áo liền quần màu xanh xẫm hoặc màu nâu, đội mũ bê-rê màu nâu. Tất cả các đội viên đều có 2 bộ trang bị tác chiến 1 cho hoạt động ban ngày và 1 cho hoạt động ban đêm. Giày là loại nhẹ, màu nâu, có độ bền cao do hãng Adiddas chế tạo. Đội viên GSG 9 còn được trang bị áo giáp chống đạn bằng ti-tan của hãng Bristol Armor và mũ sắt ti-tan có gắn thiết bị đàm thoại bên trong.
GSG 9 được quyền sử dụng trực thăng của BGS như AS-332L1 Super Puma, SA-330J Puma, Bell 212, EC-135 và EC-155. Các loại trực thăng này đều lắp ra-đa laser cảnh báo vật cản, có khả năng phát hiện các sợi dây có dộ dày 5mm. GSG 9 được trang bị một đội xe đặc biệt như xe Mercedes bọc thép, xe jeep, xe máy, xe thùng… Khi cần thiết, họ sử dụng xe tăng tiểu hình điều khiển từ xa có khả năng tháo gỡ chướng ngại, phá cửa, lên xuống cầu thang.
Một trong những chiến dịch nổi tiếng nhất của GSG 9 là chiến dịch Magic Fire ngày 18/10/1977. Trong đó, GSG 9 đã giải thoát thành công hơn 80 con tin đi trên chiếc Boeing 737 của Hãng hàng không Đức Lufthansa bị 4 tên khủng bố người Ảrập bắt làm con tin.
Nguyên Phong/VNN