8
category
524715

Bị kiểm tra sai phạm đất đai lập tức xin được “trả lại” 145ha đất vàng

15/06/2021 09:26

Liên quan tới việc chuyển nhượng các khu ‘đất vàng’ tại Bình Dương đang được các cơ quan trung ương làm rõ, thông tin mới nhất là các bên liên quan đã nộp tiền khắc phục hoặc xin nhượng lại phần vốn góp để chuyển quyền sở hữu lại cho Nhà nước.

Sai phạm đất đai tại Bình Dương: Xin trả lại 145ha đất vàng cho Nhà nước - Ảnh 1.
Khu đất 43ha từng do doanh nghiệp thuộc Tỉnh ủy Bình Dương quản lý liên quan vụ án đang được Bộ Công an chỉ đạo Công an tỉnh Bình Dương điều tra – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Các động thái khắc phục thiệt hại này liên quan đến hai khu “đất vàng” là 145ha (dự án sân golf Harmonie Golf Park) và 43ha (dự án khu đô thị Tân Phú).

Trả lại dự án 145ha

Ngày 14-6, nguồn tin của Tuổi Trẻ xác nhận hội đồng quản trị Tổng công ty Sản xuất – xuất nhập khẩu Bình Dương (còn gọi Tổng công ty 3-2, từng là doanh nghiệp nhà nước thuộc Tỉnh ủy Bình Dương, nay đã cổ phần hóa với gần 40% cổ đông tư nhân) đã có nghị quyết về việc thống nhất chủ trương chuyển nhượng 30% cổ phần mà tổng công ty này sở hữu tại Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Tân Thành (phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một).

Công ty Tân Thành là chủ đầu tư của dự án 145ha sân golf tại TP mới Bình Dương. Theo nghị quyết, hội đồng quản trị Tổng công ty 3-2 đồng ý chuyển nhượng phần vốn góp khi được cơ quan chức năng có thẩm quyền cho phép và theo quy định pháp luật.

Trước đó, hai cổ đông khác của Công ty Tân Thành (công ty này gồm tổng cộng 3 cổ đông) là Công ty cổ phần Hưng Vượng (chiếm 38% cổ phần) và Công ty TNHH Phát Triển (chiếm 32% cổ phần) cũng đã có văn bản gửi Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương và cơ quan chức năng đề nghị nhượng lại cổ phần tại Công ty Tân Thành cho doanh nghiệp nhà nước là Công ty TNHH MTV Đầu tư và quản lý dự án Bình Dương (hiện 100% vốn thuộc Tỉnh ủy).

Giá chuyển nhượng theo giá trị sổ sách của khoản đầu tư. Điều này đồng nghĩa, doanh nghiệp nhà nước có cơ hội sở hữu toàn bộ công ty chủ đầu tư của dự án sân golf 145ha với giá gốc, dù giá trị thực tế của dự án hiện đã cao hơn gấp nhiều lần.

Vì sao các cổ đông chấp nhận “hy sinh” như vậy? Trong văn bản, đại diện Công ty Phát Triển cho biết là để khắc phục những sai sót trong quá trình công ty này mua cổ phần tại dự án 145ha.

Cụ thể, trước đó đối tác Hàn Quốc góp không đủ vốn nhưng đã chuyển phần vốn cho Công ty Phát Triển là chưa phù hợp với hợp đồng liên doanh. Đồng thời người đại diện theo pháp luật của Công ty Phát Triển là người có liên quan tới Tổng công ty 3-2 nên thuộc đối tượng không được tham gia góp vốn.

Theo tìm hiểu, bà Nguyễn Thục Anh – chủ tịch hội đồng thành viên Công ty Phát Triển – là con gái của ông Nguyễn Văn Minh (nguyên chủ tịch hội đồng quản trị Tổng công ty 3-2).

Đối với các nhà đầu tư mua cổ phần của Tổng công ty 3-2 khi doanh nghiệp này cổ phần hóa thì không trực tiếp liên quan tới những sai phạm ở giai đoạn trước. Tuy nhiên, một nhà đầu tư cho biết họ đồng ý nhượng lại 30% cổ phần tại dự án 145ha theo giá gốc là để hỗ trợ cơ quan chức năng giải quyết vụ việc, thu hồi tài sản về cho Nhà nước.

Sai phạm đất đai tại Bình Dương: Xin trả lại 145ha đất vàng cho Nhà nước - Ảnh 2.
Khu đất 145ha (kế bên khu đất 43ha) được đầu tư làm sân golf nay các nhà đầu tư đề xuất nhượng lại để doanh nghiệp nhà nước quản lý – Ảnh: BÁ SƠN

Nộp tiền khắc phục vụ 43ha

Liên quan tới “dự án 43ha” hiện đang được Bộ Công an điều tra, bước đầu cơ quan điều tra xác định sai phạm là do Tổng công ty 3-2 đã chuyển nhượng khu đất này sang cho Công ty Âu Lạc với giá 250 tỉ đồng, thấp hơn bảng giá đất theo quy định của UBND tỉnh Bình Dương thời điểm chuyển nhượng năm 2016.

Đối với việc khắc phục hậu quả, cơ quan điều tra cho rằng nếu chỉ so với bảng giá nhà nước thì các bị can đã gây thiệt hại hơn 126,8 tỉ đồng. Được biết, sau khi có ý kiến ban đầu của cơ quan điều tra, Tổng công ty 3-2 và Công ty Âu Lạc đã có hai đợt chuyển tiền khắc phục hậu quả với tổng số tiền trên 252 tỉ đồng.

Cụ thể, cuối năm 2019, đã có hơn 125,6 tỉ đồng được Tổng công ty 3-2 nộp về tài khoản phong tỏa của Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương. Tháng 4-2020, Công ty Âu Lạc (thông qua Tổng công ty 3-2 nộp hộ) đã chi 126,8 tỉ đồng để nộp cho Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Dương nhằm khắc phục hậu quả.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Văn phòng Tỉnh ủy cho biết số tiền doanh nghiệp nộp để khắc phục chênh lệch với giao dịch của “dự án 43ha” đã được Văn phòng Tỉnh ủy chuyển về Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an và báo cáo cơ quan chức năng.

Về việc nhận chuyển nhượng cổ phần để doanh nghiệp thuộc Tỉnh ủy nhận lại “dự án 145ha”, hiện nay dù đã có văn bản chấp thuận bán của các cổ đông nhưng việc nhận chuyển nhượng, thời điểm thực hiện phải chờ chấp thuận của cơ quan điều tra.

Ủy ban Kiểm tra trung ương xem xét dấu hiệu vi phạm

Tại cuộc họp báo do Hội đồng bầu cử quốc gia tổ chức ngày 10-6, đại diện Hội đồng bầu cử cho biết việc không công nhận tư cách một đại biểu tại Bình Dương (ông Trần Văn Nam – bí thư Tỉnh ủy) là do có ý kiến của cơ quan chức năng.

Theo đó, Ủy ban Kiểm tra trung ương đang xem xét các dấu hiệu vi phạm đối với Ban thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương và sẽ công bố chính thức trong thời gian tới.

Được biết, Tỉnh ủy Bình Dương đã có báo cáo giải trình, làm rõ và phương hướng khắc phục liên quan một số dấu hiệu vi phạm, trong đó có những sai phạm đối với khu đất 43ha và 145ha.

Tới nay, liên quan đến vụ án xảy ra tại Tổng công ty 3-2, cơ quan điều tra đã khởi tố tổng cộng 14 bị can về hành vi “vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, gồm: 3 lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Bình Dương, 7 cán bộ Tổng công ty 3-2, 2 lãnh đạo Công ty Âu Lạc (nhận chuyển nhượng 43ha) và 2 lãnh đạo công ty thẩm định giá.

BÁ SƠN

Đọc nhiều