8
category
580513

Bị khởi tố 3 tội danh, ông Lê Tùng Vân chịu mức án nào?

05/01/2022 17:03

Vừa qua, cơ quan chức năng đã thông tin ông Lê Tùng Vân bị khởi tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của tổ chức, cá nhân… và tội loạn luân. Vậy mức phạt nào mà ông Lê Tùng Vân sắp phải đối diện?

ông Lê Tùng Vân trong một lần du lịch và ngồi cạnh bà Cao Thị Cúc là vợ và đệ tử của ông Vân

Theo thông tin từ cơ quan chức năng thì thời gian qua, Tịnh Thất Bồng Lai dưới sự quản lý của ông Lê Tùng Vân đã lợi dụng danh nghĩa nuôi trẻ mồ côi, cơ nhỡ không nơi nương tựa để kêu gọi lòng tốt của mọi người trong và ngoài nước giúp đỡ, trục lợi cá nhân, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, dư luận xã hội.

Nhóm người tại “Tịnh thất Bồng Lai” cũng được cho là sử dụng nhiều tài khoản mạng xã hội cá nhân khác nhau đăng nhiều video với nội dung không đúng sự thật về diễn biến vụ việc xảy ra tại đây. Chưa kể, những cá nhân ở “Tịnh thất Bồng Lai” còn có hàng loạt các facebook, fanpage trên mạng xã hội, cùng với mục đích kêu gọi từ thiện.

Những hành vi trên sẽ bị xét vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 BLHS. Hiện tại chưa xác định được số tiền mà ông Lê Tùng Vân lợi dụng danh nghĩa từ thiện để kêu gọi nhưng rõ ràng căn cứ vào giải thưởng 300 triệu mà 5 chú tiểu giành được ở chương trình Thách Thức Danh hài, từ điện thoại IPhone đời mới và từ xe ô tô mà Nhất Nguyên, Hoàn Nguyên khoe trên mạng thì số tiền cũng không thể nào ít hơn 9 con số. Căn cứ vào Điểm b, Khoản 4, Điều 174 BLHS thì mức phạt cao nhất mà ông Lê Tùng Vân và những người liên quan có thể nhận là tù chung thân.

Những người ở nơi gọi là “Thiền am bên bờ vũ trụ” khoe điện thoại đắt tiền và xe ôtô sang.

Bên cạnh đó, theo kết luận từ cơ quan chức năng, qua kết quả xác minh ban đầu, đa số những đứa trẻ sống ở “Tịnh thất Bồng Lai” đều có mẹ đi cùng, không phải là trẻ em cơ nhỡ, không nơi nương tựa. Hiện tại, nhà bà Cúc có 18 người đang cư trú, trong đó có 6 trẻ em đều có mẹ ruột cùng tạm trú. Và dựa vào một số nguồn tin thân cận cho hay, ông Lê Tùng Vân có tới 11 người con do quan hệ loạn luân với em gái, con gái. Chính vì vậy, căn cứ vào Điều 184 BLHS thì ông Lê Tùng Vân có thể bị chịu mức án tới 5 năm tù.

Lê Thanh Hoàng Nguyên (sinh năm 1990), Lê Nhất Nguyên (sinh năm 1991), Lê Thanh Nhị Nguyên (sinh năm 1998), Lê Thanh Huyền Trân (sinh năm 2002) là con của ông Lê Tùng Vân

Cuối cùng, cơ quan điều tra xác định ông Lê Tùng Vân có hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân được quy định tại điều 258 BLHS. Còn tùy vào mức độ vi phạm của ông Lê Tùng Vân, tuy nhiên mức phạt cao nhất mà ông Lê Tùng Vân phải đối diện lên đến 7 năm tù.

Hành vi tự nhận Thầy, cho xuất gia của ông Lê Tùng Vân ảnh hưởng rất nhiều đến uy tín của Giáo hội Phật Giáo

Như đã thông tin, năm 2014, bà Cao Thị Cúc (62 tuổi, hộ khẩu thường trú xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) mua lại nhà, đất (gần 2.000m2) ở xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa rồi chuyển về đây sinh sống, sau đó sửa chữa làm điểm tu tại gia.

Qua xác minh, ông Lê Tùng Vân (hộ khẩu thường trú phường 10, quận 6, TPHCM) chuyển về đây sinh sống cùng nhà với bà Cúc từ năm 2015.

Trước đây, ông Vân tạm trú tại xã Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TPHCM) tự phong là Giám đốc Trại dưỡng lão và cô nhi Thánh Đức. Năm 2007, do hoạt động không đúng quy định pháp luật về điều kiện vật chất, vệ sinh môi trường tại cơ sở không bảo đảm… nên UBND huyện Bình Chánh quyết định chấm dứt hoạt động đối với cơ sở Thánh Đức. Sau đó, ông Vân bán hết đất và về tạm trú tại hộ bà Cao Thị Cúc nhằm hành nghề nhận con nuôi.

Bà Cao Thị Cúc là người có con chung với ông Lê Tùng Vân

Thực tế, đa số trẻ sống ở hộ bà Cúc đều có mẹ đi cùng, không phải là trẻ em cơ nhỡ. Hộ bà Cúc có 18 người đang cư trú, trong đó có 6 trẻ em đều có mẹ ruột cùng tạm trú.

Thời gian qua, nơi đây lợi dụng danh nghĩa nuôi trẻ mồ côi để kêu gọi lòng tốt của mọi người trong và ngoài nước giúp đỡ, trục lợi cá nhân, ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Đặc biệt, nhóm người tại “Tịnh thất Bồng Lai” đã sử dụng nhiều tài khoản cá nhân khác nhau, đăng nhiều video với nội dung không đúng sự thật về diễn biến vụ việc xảy ra tại đây.

Tháng 1-2020, ông Lê Tùng Vân đổi tên “Tịnh thất Bồng Lai” thành “Thiền am bên bờ vũ trụ”. Bên cạnh đó, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin tố cáo các hoạt động nhận nuôi trẻ sai quy định, lừa đảo và các hoạt động phức tạp của ông Lê Tùng Vân trước đây.

Liên quan đến tôn giáo, cơ quan chức năng khẳng định đây không phải là cơ sở tôn giáo. Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An đã có văn bản khẳng định, Tịnh thất Bồng Lai, xã Hòa Khánh Tây không phải là cơ sở tôn giáo hợp pháp, do Ban Trị sự giáo hội Phật giáo tỉnh quản lý. Những người đang sống và sinh hoạt tại đó không phải là tu sĩ. Do đó, không liên quan đến sự quản lý của giáo hội.

Tháng 9-2019, tại nơi này cũng xảy ra vụ việc một nhóm người ở TPHCM đến tìm con gái nhưng không gặp, sau đó đã xảy ra xô xát với những người ở đây.

“Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.

Hạnh Nhân

Đọc nhiều