Bị dồn vào chân tường và ‘cơ hội vàng’ cho cải cách

21/05/2020 11:40

Đại dịch Covid-19 rõ ràng đã có những tác động sâu sắc tới mục tiêu phát triển kinh tế ở Việt Nam. Hôm qua, sau nhiều tính toán, Chính phủ đã đưa ra các kịch bản kinh tế điều chỉnh gửi tới Quốc hội.

Bị dồn vào chân tường và 'cơ hội vàng' cho cải cách
Quang cảnh phiên họp Quốc hội sáng 20/05.

Covid-19 chặn đà phát triển

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu ra dự kiến có 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020.

Kịch bản 1: Thời gian Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4/2020 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam trong quý III/2020. Theo đó, phương án tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dự kiến khoảng 4,4-5,2% so với năm 2019 (thấp hơn 1,6-2,4 điểm phần trăm mục tiêu đề ra).

Kịch bản 2: Thời gian Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4/2020 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam trong quý IV/2020. Theo đó, phương án GDP tăng dự kiến khoảng 3,6-4,4% so với năm 2019 (thấp hơn 2,4-3,2 điểm phần trăm mục tiêu đề ra).

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 được World Bank dự báo (ngày 31/3) đạt 4,9% theo kịch bản cơ sở và 1,5% theo kịch bản bi quan. Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) ngày 03/4 dự báo đạt 4,8%. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 14/4 dự báo khoảng 2,7%.

Tuy nhiên, các tổ chức quốc tế vẫn đánh giá Việt Nam là một trong số ít nước đạt được mức tăng trưởng dương và có ảnh hưởng của dịch thấp hơn các nước khác. Triển vọng kinh tế Việt Nam trong trung hạn được đánh giá thuận lợi do nhu cầu trong nước và xuất khẩu vẫn ở mức cao. Ngày 08/04/2020, tổ chức Fitch Ratings thông báo về việc giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức “BB” và điều chỉnh triển vọng sang “Ổn định”. Việc Fitch xác nhận giữ nguyên bậc tín nhiệm quốc gia ở mức “BB” phản ánh nỗ lực chống dịch Covid-19 của Việt Nam có tác động nhất định đến tín nhiệm quốc gia.

Như vậy, dịch Covid-19 với những tác động tiêu cực lên toàn cầu cả về kinh tế và y tế, đã chặn đà phát triển khá tích cực của Việt Nam trong thời gian qua.

Trong báo cáo đánh giá bổ sung kết quả năm 2019 của Chính phủ gửi tới Quốc hội, Chính phủ cho biết, qua đánh giá thực hiện cả năm 2019 khẳng định chúng ta đã đạt được kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực và củng cố những nhận định mà Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8. Toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt; nhiều chỉ tiêu đạt cao hơn số đã báo cáo Quốc hội.

Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,02% (đã báo cáo trên 6,8%), thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; chất lượng tăng trưởng được cải thiện. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đạt 20,4 tỷ USD, tăng 6,8%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 517 tỷ USD, xuất siêu hơn 11 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay. Thu ngân sách nhà nước vượt 9,9% dự toán; nợ công ở mức 54,7% GDP (đã báo cáo 56,1%).

Bị dồn vào chân tường và 'cơ hội vàng' cho cải cách
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu ra dự kiến có 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020.

Chung tay với doanh nghiệp và người dân

Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng, nhiều chính sách quan trọng đã được các bộ, ngành nghiên cứu ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền kịp thời ban hành nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội.

Trong số đó, đáng kể nhất là chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ tín dụng cho khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 như. Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện nay, mặt bằng lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng đã liên tiếp giảm ở cả ngắn, trung và dài hạn. Mặt bằng lãi suất cho vay cũng theo xu hướng giảm, riêng lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên đã giảm khoảng 0,5%/năm so với cuối năm 2019.

Các ngân hàng thương mại đã triển khai có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng: (i) Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 170.746 khách hàng với dư nợ 128.210 tỷ đồng; (ii) Miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho 14.372 khách hàng với dư nợ 28.441 tỷ đồng; (iii) Hạ lãi suất dư nợ hiện hữu cho 318.528 khách hàng với dư nợ là 980.163 tỷ đồng (mức hạ lãi suất phổ biến từ 0,5-2%, thậm chí một số TCTD đã hạ lãi suất 2,5% lên tới trên 4% cho khách hàng như: Vietinbank, ACB, VCB, Việt Nam Thương tín, Quân đội, Việt Á, Liên Việt, SCB, Đông Nam Á,…); (iv) Cho vay mới với lãi suất ưu đãi thấp hơn so với lãi suất cho vay trước khi có dịch khoảng 1%-2% cho 147.637 khách với doanh số cho vay mới lũy kế từ ngày 23/01/2020 đạt 533.122 tỷ đồng.

Hiện nay, mặt bằng lãi suất huy động đã liên tiếp giảm ở cả ngắn, trung, dài hạn. Mặt bằng lãi suất cho vay cũng theo xu hướng giảm, riêng lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên đã giảm khoảng 0,5%/năm so với cuối năm 2019. Theo số liệu công bố của IMF gần đây, lãi suất cho vay của Việt Nam ở mức 7,7%, tương đương với lãi suất cho vay của Philippines (7,13%) và thấp hơn một số nước có trình độ phát triển tương đồng trong khu vực như: Indonesia (10,01%), Mông Cổ (16,81%) và Bangladesh (9,62%), Ấn Độ (9,4%), Myanmar (16%).

Bị dồn vào chân tường và 'cơ hội vàng' cho cải cách
Chính phủ đồng hành với doanh nghiệp và người dân

Kết quả này cho thấy nỗ lực rất lớn của ngành ngân hàng trong bối cảnh dịch Covid-19 gây ảnh hưởng sâu rộng đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế.

Bên cạnh đó, chính sách tài khóa cũng đang song hành. Bộ Tài chính đang thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ về thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí cho doanh nghiệp và người dân, trong đó về gói giải pháp gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất có giá trị khoảng 180.000 tỷ đồng; các giải pháp, đề xuất về miễn, giảm thuế, phí và lệ phí có giá trị khoảng 40.000 tỷ đồng.

Bộ Tài chính đang kiến nghị Chính phủ, trong thời gian còn lại của năm 2020 chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp, trong đó yêu cầu đảm bảo cân đối ngân sách các cấp, điều hành sử dụng dự phòng ngân sách nhà nước triệt để tiết kiệm, trước mắt sử dụng khoảng 50% dự phòng của ngân sáchTrung ương và ngân sách địa phương, tập trung cho các nhiệm vụ khắc phục hậu quả dịch Covid-19, các nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh. Các địa phương thực hiện đúng nguyên tắc “trường hợp giảm thu phải giảm chi tương ứng”.

Bộ Công Thương đã kiến nghị giảm giá điện để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh cho 02 nhóm khách hàng sản xuất và du lịch với tổng số tiền hỗ trợ dự kiến gần 8 nghìn tỷ đồng; đồng thời đã yêu cầu EVN thực hiện hỗ trợ tiền điện từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 cho các cơ sở trực tiếp chống dịch Covid-19 với tổng số tiền hỗ trợ ước khoảng 100 tỷ đồng.

Trong đó không thể không kể đến gói 62.000 tỷ đồng hỗ trợ trực tiếp cho người dân, người lao động, hộ kinh doanh gặp khó khăn do Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng.

Bị dồn vào chân tường và 'cơ hội vàng' cho cải cách
Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam nhìn nhận, sát hạch lại năng lực thực sự, sức chống chịu, thích ứng trước biến cố thị trường.

Cơ hội vàng để có cách điều hành khác

Tuy nhiên, các gói hỗ trợ về tài khóa của Chính phủ, dù đã rất nỗ lực, vẫn là chưa đủ. Trong bối cảnh Covid-19 gây khó khăn khôn lường cần tư duy và điều hành khác truyền thống.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, cần tiếp tục rà soát cắt giảm và không tạo thêm các rào cản về thủ tục hành chính, pháp lý cho doanh nghiệp. Loại bỏ triệt để tình trạng cố tình gây khó khăn, nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp của một số bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, sự trì trệ, thiếu trách nhiệm tại một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương, đặc biệt ở cấp cơ sở.

Đổi mới mạnh mẽ quan điểm, phương pháp tiếp cận khi xây dựng các chính sách liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh theo hướng chọn bỏ, dễ hiểu, dễ áp dụng, đảm bảo thực thi chính sách một cách thống nhất, kịp thời, có tầm nhìn dài hạn, ổn định, không phân biệt đối xử, nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách.

Tăng cường các điều kiện cần thiết về cơ sở pháp lý, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực… để đảm bảo môi trường thuận lợi, an toàn cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư phát triển, đồng thời nắm bắt triệt để các cơ hội, thời cơ mới, thu hút dòng đầu tư và các nguồn lực bên ngoài, tạo đà bứt phá cho tăng trưởng kinh tế.

Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp biến khó khăn thành cơ hội thông qua: củng cố nội lực, đặc biệt là trong chuyển đổi số; ứng dụng công nghệ; nâng cao trình độ người lao động; nâng cấp chiến lược kinh doanh, tăng cường liên kết sức mạnh, tạo chuỗi giá trị mới, bền vững; củng cố và mở rộng thị trường; bảo vệ môi trường; nâng cao năng lực chống đỡ trước những thay đổi bất thường của môi trường kinh doanh và nền kinh tế toàn cầu.

Đây là cơ hội “vàng” để thế giới biết tới Việt Nam với lợi thế đặc biệt về “sự tin cậy chiến lược”, là điểm đến đầu tư an toàn và sẵn sàng đón nhận các dòng vốn chuyển dịch tới Việt Nam. Hiện nay, uy tín và vị thế của Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế đánh giá cao qua những thành công đạt được từ công cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19 vừa qua.

Tác động từ dịch Covid-19 tạo ra nhận thức mới, xu hướng chuyển dịch trong thị hiếu tiêu dùng, giao dịch thương mại mới trên nguyên tắc từ xa, hạn chế tiếp xúc; xuất hiện các ngành nghề kinh doanh trực tuyến mới dựa trên kinh tế số,… tạo ra thay đổi về cầu đối với một số sản phẩm, dịch vụ thiết yếu như chế biến thực phẩm; y tế, hoá dược phẩm, chuyển đổi số, e-logistics…; đem lại cơ hội thị trường mới cho các Doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng để tái cơ cấu sản xuất, hình thành các chuỗi giá trị mới và phát triển bứt phá.

Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam nhìn nhận, sát hạch lại năng lực thực sự, sức chống chịu, thích ứng trước biến cố thị trường, an ninh phi truyền thống; rà soát, đánh giá, cơ cấu lại nguồn nguyên vật liệu, khách hàng và tìm ra hướng đi mới chủ động hơn, xây dựng phương án đổi mới mô hình sản xuất, chiến lược kinh doanh mới nhanh chóng nắm bắt tín hiệu, nhu cầu mới của thị trường.

Thời điểm này cũng là dịp để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tập trung đổi mới trang thiết bị, công nghệ với chi phí rẻ hơn; đồng thời thúc đẩy liên kết, mạng lưới cung ứng trong nước, giảm lệ thuộc vào nước ngoài, nâng cao chất lượng, giảm giá sản phẩm dịch vụ để tận dụng cơ hội chiếm lĩnh và củng cố thị phần.

Điều chỉnh 6 chỉ tiêu kinh tế

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cuộc khủng hoảng dịch tễ Covid-19 xuất phát từ yếu tố khách quan nhưng tác động và phạm vi ảnh hưởng nặng nề, mạnh mẽ hơn nhiều so với các cuộc khủng hoảng trước đây.

Do đó, điều chỉnh mục tiêu của năm 2020 là cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế khách quan. Đự kiến có 6 chỉ tiêu cần điều chỉnh so với kế hoạch trước đây.

Cụ thể, GDP tăng khoảng 4,5% (trước đây là 6,8%), nỗ lực phấn đấu đạt mức tăng cao hơn; trường hợp tình hình thế giới thuận lợi, dịch bệnh được kiểm soát tốt, thị trường quốc tế phục hồi, phấn đấu đạt mức tăng 5,4%, nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 5 năm giai đoạn 2016-2020 là 6,5%. Tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân năm 2020 khoảng 4% (trước đây là dưới 4%). Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 4% (trước đây là khoảng 7%);

Tổng số thu ngân sách nhà nước giảm 163.000 tỷ đồng so với dự toán được giao; Bội chi ngân sách nhà nước bằng khoảng 4,75% GDP (tăng 1,31% so với mục tiêu đề ra); Tỉ lệ nợ công bằng khoảng 55,5% GDP (tăng 3,2% so với mục tiêu đề ra).

Tư Giang/ VNN

Đọc nhiều