Bị chặn đứng ngành công nghiệp trọng điểm, TQ bực tức nói Mỹ “lạm dụng” và “ngụy biện”

17/08/2019 07:47

Cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang mở rộng ra nhiều ngành công nghiệp quan trọng khác của cả hai quốc gia.

Bị chặn đứng ngành công nghiệp trọng điểm, TQ bực tức nói Mỹ "lạm dụng" và "ngụy biện"
Khung cảnh giai đoạn 2 của nhà máy năng lượng hạt nhân Hongyanhe tại Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Ảnh: Getty

Mới đây, Bắc Kinh đã chỉ trích việc Mỹ liệt công ty hạt nhân lớn nhất của Trung Quốc vào danh sách đen, chặn đứng tất cả mọi hoạt động giao dịch của các doanh nghiệp Mỹ trong việc mua bán sản phẩm đối với công ty này.

Cụ thể, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa Tập đoàn Năng lượng Hạt nhân Trung Quốc (CGN) vào danh sách thực thể “có vấn đề” vào ngày 14/8 vừa qua, cáo buộc công ty hạt nhân này và ba công ty con khác “tham gia hoặc khuyến khích các hoạt động thu thập công nghệ và nguyên liệu hạt nhân hiện đại của Mỹ để tạo thành các sản phẩm phục vụ mục đích quân sự ở Trung Quốc.”

Đáp lại, tờ Nhân dân Nhật báo (Trung Quốc) đăng tải một bài viết tỏ ý phản ứng mạnh mẽ, cho rằng cáo buộc của Mỹ chỉ là “lời ngụy biện”.

“Mục tiêu đích thực của Washington là tìm cách chặn đứng sáng kiến ‘Made in China 2025’ của Bắc Kinh, và qua đó cản trở sự tăng trưởng của Trung Quốc,” tờ báo viết ngày 15/8.

Được biết, sáng kiến “Made in China 2025” có mục tiêu hướng tới việc đưa quốc gia Châu Á trở thành một siêu cường quốc về công nghệ. Tham vọng này đặt ra những chiến lược cụ thể cho Trung Quốc về cuộc cạnh tranh trong công nghệ 5G, thúc đấy mô hình “Internet vạn vật” – tức là mọi thiết bị đều có thể được kết nối và điều chỉnh thông qua mạng internet – và sự chú trọng phát triển công nghệ hạt nhân được đặt lên hàng đầu.

Trong hơn một năm qua, Mỹ và Trung Quốc đã bị cuốn vào cuộc chiến tranh thương mại chưa có hồi kết. Lí do ban đầu để Mỹ phát động cuộc chiến này là thặng dư thương mại và Trung Quốc đánh cắp sở hữu trí tuệ Mỹ.

Tuy nhiên, hiện tại vấn đề đã mở rộng sang nhiều mảng khác, bao gồm lo ngại về an ninh mạng đối với các sản phẩm công nghệ và việc sử dụng năng lượng hạt nhân của Trung Quốc.

Mark Hibbs, một chuyên gia cấp cao tại cơ quan nghiên cứu chính sách toàn cầu có tên Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế (CEIP) cho biết Bộ Năng lượng Mỹ đã thông báo trong năm 2018 rằng hoạt động xuất khẩu trang thiết bị hạt nhân tới Trung Quốc “sẽ bị kiểm soát chặt chẽ”.

“Động thái mới nhất đã phản ánh đường lối của chính sách này,” ông Hibbs nói với CNBC, giải thích rằng nếu một công ty hoặc cá nhân Mỹ giao dịch với công ty Trung Quốc bị liệt trong danh sách đen, thì họ sẽ vi phạm pháp luật Mỹ và có thể bị đưa ra xét xử.

“Bất kì sự hợp tác nào giữa các doanh nghiệp Mỹ và Trung Quốc đối với các lò phản ứng năng lượng hạt nhân cũng sẽ đều bị từ chối,” ông Hibbs nói.

Trong khi đó, tờ Nhân dân Nhật báo lại cho rằng: “Chính quyền Mỹ đang lạm dụng danh sách đen với lí do bảo vệ an ninh quốc gia và lợi ích chính sách đối ngoại của Mỹ. Chiến lược tương tự cũng đã được tổng thống Mỹ Donald Trump sử dụng trong việc kìm hãm công ty công nghệ Huawei.”

“Tất cả các công ty Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn sàng cho viễn cảnh tồi tệ nhất từ những ngày đầu của thương chiến. Sự tổn hại đối với CGN vẫn nằm trong phạm vi kiểm soát. Quan trọng hơn cả, nếu Mỹ muốn đạt được thỏa thuận với Trung Quốc, thì Washington cần phải tập trung vào việc giải tỏa căng thẳng hơn là làm leo thang nó,” tờ báo viết.

Ngọc Hoàng

Đọc nhiều