130115
topics
357550

Bí ẩn “ông trùm” ổ dịch nCov ở Vũ Hán

Cánh Én 30/01/2020 07:35

Chợ hải sản Hoa Nam ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, là địa điểm mà nhà chức trách Trung Quốc tìm thấy lượng lớn virus corona chủng mới (nCov) gây dịch bệnh viêm phổi cấp.

Những gì quý hiếm nhất chỉ có ở chợ Hoa Nam

Thông tin của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc ngày 26/1 cho biết, cơ quan này đã đạt được tiến triển mang tính giai đoạn trong nghiên cứu nguồn gốc virus nCov khi lần đầu xét nghiệm thấy virus này từ 33 trong số 585 mẫu vật thu được ở chợ hải sản Hoa Nam – một chợ đầu mối bán buôn ở Vũ Hán. Trung tâm cũng lưu ý rằng các virus này có nguồn gốc từ những động vật hoang dã được kinh doanh tại đây.

Trung tâm chỉ ra, những ca bệnh được xác nhận lây nhiễm ở Vũ Hán trong giai đoạn đầu của dịch bệnh có liên hệ mật thiết với chợ Hoa Nam. Điều tra cho thấy khu chợ này tồn tại tình trạng mua bán trái phép động vật hoang dã. Việc truy tìm, kiểm soát nguồn gốc, làm rõ vật chủ phát tán virus là bước quan trọng trong nỗ lực ngăn chặn virus tiếp tục lây nhiễm từ động vật sang người.

Ông trùm chưa học hết tiểu học và gia tộc bí ẩn đứng sau chợ hải sản Vũ Hán bị phát hiện virus nCov - Ảnh 1.
Chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán

Tuần san Tân Dân (Xinmin Weekly, Trung Quốc) đặt ra loạt nghi vấn liên quan đến chợ Hoa Nam: Điều gì khiến một khu chợ hải sản có thể bán động vật hoang dã? Vì sao chợ chiếm được vị trí vàng ngay bênh cạnh ga tàu hỏa Hán Khẩu và nhiều lần bị niêm phong nhưng không thể giải tỏa? Ông chủ đứng sau cơ sở này có địa vị thế nào? Chính quyền Vũ Hán có làm “ô dù” cho chợ Hoa Nam hay không?

Theo Xinmin, trước khi bị niêm phong, Hoa Nam là chợ bán buôn thủy hải sản lớn nhất khu vực Hoa Trung, Trung Quốc, cách ga tàu Hán Khẩu không đầy 1km. Theo số liệu kỳ Xuân vận năm 2019 (chỉ thời gian người Trung Quốc về quê ăn Tết), lưu lượng người qua lại ga Hán Khẩu là 140.000 lượt, ngày cao nhất đạt 164.200 lượt.

Một người làm trong ngành nhà hàng tại Vũ Hán tiết lộ, nếu khách hàng muốn thưởng thức những món ăn quý hiếm thực sự ở thành phố này thì chỉ có thể tìm thấy ở chợ Hoa Nam.

Các báo cáo của truyền thông Trung Quốc cho thấy chợ hải sản Hoa Nam không chỉ bán hải sản, mà là một khu chợ tổng hợp với ít nhất 8 cửa hàng bán các loại động vật hoang dã khác nhau. Người mua có thể nhìn thấy trên “thực đơn” có bán hươu còn sống với giá 6.000 nhân dân tệ/con nhỏ, hay rẻ nhất là bọ cạp có giá 5 tệ/con. Ngoài ra, đà điểu sống có giá 4.000 tệ/con, khổng tước và cáo còn sống giá khoảng 500 tệ/con.

Ông trùm chưa học hết tiểu học và gia tộc bí ẩn đứng sau chợ hải sản Vũ Hán bị phát hiện virus nCov - Ảnh 2.
Một bảng báo giá các loại động vật hoang dã có bán ở chợ Hoa Nam, Vũ Hán

Wang, một ông chủ trong ngành ẩm thực Vũ Hán và là khách quen tại chợ Hoa Nam, nói rằng một số loại động vật hoang dã có giá cao nhưng không được bày bán tại quầy mà có những con đường “nhập hàng” cố định, và chỉ thông báo cho người mua đến nhận khi “hàng về”.

“Chợ hải sản Hoa Nam rất lớn và chia thành hai khu Đông-Tây. Một số hàng bán động vật hoang dã có vị trí khuất, nằm trong ngách nhỏ, nếu không có người quen đưa tới thì rất khó tìm thấy,” Wang nói, cho hay trước đây rất nhiều nhà hàng ở Vũ Hán đã nhập hàng ở chợ này. Giai đoạn Tết Âm lịch cũng là cao điểm để người dân mua sắm.

Wang nói, tại chợ Hoa Nam người mua có thể tìm thấy vô số chủng loại động vật, thậm chí cả loài sóc Marmota có thể lây bệnh dịch hạch, bên cạnh cầy hương, nhím, mèo rừng, hay chó cảnh bị bắt trộm để làm thịt.

Ông trùm chưa học hết tiểu học và gia tộc bí ẩn đứng sau chợ hải sản Vũ Hán bị phát hiện virus nCov - Ảnh 3.
Sóc Marmota tại một cửa hàng trong chợ Hoa Nam

Tuy nhiên, sự thịnh vượng của chợ Hoa Nam không đi cùng những điều kiện vệ sinh an toàn cần thiết. Theo Xinmin, phóng viên từng xâm nhập chợ này trước khi nó bị niêm phong, và phát hiện tại các gian hàng bán động vật hoang dã có nhiều vết máu, xác động vật chưa xử lý đựng trong hàng chục chiếc lồng.

Trên thực tế, tình trạng mua bán động vật sống và động vật hoang dã ở chợ Hoa Nam từng bị giới chức Vũ Hán yêu cầu điều chỉnh nhưng vẫn chưa thực hiện thành công.

Người phụ trách cơ quan lâm nghiệp và đất rừng thành phố Vũ Hán trả lời báo giới ngày 22/1, khẳng định chưa từng cấp giấy phép kinh doanh bán buôn động vật hoang dã cho chợ hải sản Hoa Nam. Song đến ngày 26/1, một nhân viên cơ quan này nói rằng chưa nắm rõ và vẫn cần tìm hiểu thêm về việc phê duyệt giấy phép của chợ Hoa Nam.

“Đại ca” Từ Chúc Sinh là ai?

Sau khi dịch viêm phổi cấp do virus nCov gây ra bùng phát và lây lan ra các tỉnh thành bên ngoài Hồ Bắc, thân phận của người đứng sau chợ Hoa Nam trở thành vấn đề được dư luận Trung Quốc quan tâm hàng đầu.

Thông tin công khai cho thấy khu chợ này thuộc sở hữu của tập đoàn Hoa Nam, có pháp nhân tên là Từ Điềm, cổ đông Từ Kỳ Trạch là em trai của Từ Điềm. Theo Xinmin, cha của chị em họ Từ, ông Từ Chúc Sinh, được các giới trong xã hội ở Vũ Hán gọi là “đại ca”.

Ông Từ Chúc Sinh, sinh năm 1962 tại Vũ Hán, là con thứ tám trong gia đình, có 4 anh và 3 chị, trình độ văn hóa thấp, chưa tốt nghiệp tiểu học. Ông này từng làm việc trong ngành kiến trúc, năm 1994 đăng ký thành lập công ty móng cọc Hoa Nam – là sản nghiệp ban đầu của gia tộc họ Từ. Ngày 26/10/2019, ông Từ đã ly hôn với vợ là bà Triệu Hồng.

Nguồn thạo tin của Xinmin tiết lộ, “Đại ca [Từ Chúc Sinh] thích đánh bạc, có nhiều tiền, nhiều đất, nhiều nhà, tính cách rộng rãi, phóng khoáng. Ông ấy có quốc tịch nước ngoài, cả gia đình không ở trong nước.”

Trước đó, các thông tin trên mạng xã hội Trung Quốc cho rằng bà Từ Điềm là con dâu của Phó chủ tịch Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân (Chính hiệp) tỉnh Hồ Bắc, ông Trịnh Tâm Tuệ. Tuy nhiên, báo Tân Kinh (Trung Quốc) ngày 28/1 dẫn thông tin từ Chính hiệp tỉnh Hồ Bắc bác bỏ thông tin này, với khẳng định ông Trịnh không có con trai.

Hôm 27/1, chủ nhiệm một trung tâm nghiên cứu của Đại học chính pháp Trung Quốc, phó giáo sư Ngô Đơn Hồng, đăng tải một báo cáo trên trang Weibo cá nhân, đề cập việc ông nhận được một thư khiếu nại từ Vũ Hán gửi vào tháng này, trong đó có cáo buộc ông Từ Chúc Sinh điều hành một tổ chức xã hội đen, thực hiện nhiều hoạt động phi pháp, giam giữ người trái phép hay cưỡng ép giao dịch,…

Xinmin Weekly nêu, ông Từ không có học vấn cao và khó có khả năng quản lý các khu chợ, mà dựa vào người vợ cũ là bà Triệu Hồng. Tư liệu công khai của bà Triệu cho biết bà sinh năm 1965 tại Vũ Hán, tốt nghiệp thạc sĩ tại Viện khoa học xã hội Trung Quốc. Một tài liệu trên website của Đại học Vũ Hán cho thấy Triệu Hồng từng nhập học vào năm 2006, chuyên ngành nhiếp ảnh. Bà cũng được cho là một nhân vật có tiếng trong cộng đồng nhiếp ảnh ở tỉnh Hồ Bắc và thành phố Vũ Hán.

Ngoài Triệu Hồng, thông tin về những thành viên khác trong gia đình của Từ Chúc Sinh hầu như không thể tìm thấy trên mạng Internet. Bà Triệu từng học quản trị doanh nghiệp, nên được trao nhiệm vụ quản lý chợ Hoa Nam trong giai đoạn 1999-2006, sau khi kết hôn với ông Từ vào năm 1994.

Một họ hàng của Từ hé lộ, bà này đã quản lý khu chợ rất tốt. “Trong giai đoạn có dịch SARS, cúm gia cầm thì đều thực hiện khử độc hàng ngày, không có ca truyền nhiễm nào xảy ra,” nguồn tin nói.

Gia tộc họ Từ nắm hơn 50 doanh nghiệp

Thông tin công khai trên trang Tianchayan (Trung Quốc) cho thấy Từ Chúc Sinh cùng người thân kiểm soát thực tế hơn 50 doanh nghiệp. Ngoài phần lớn doanh nghiệp đăng ký tại Vũ Hán còn có doanh nghiệp thành lập ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân, Tây An. Các doanh nghiệp này tham gia vào nhiều lĩnh vực, gồm bất động sản, kiến trúc, dịch vụ, cầm cố, truyền thông,… Sau nhiều lần điều chỉnh trong những năm gần đây, Triệu Hồng và Từ Chúc Sinh dần dần tách ra khỏi nhóm quản lý cấp cao, thay vào đó là Từ Điềm bắt đầu nổi lên.

Ngày 1/4/2015, Từ Chúc Sinh rút khỏi vai trò cổ đông của chợ hải sản Hoa Nam, hoàn thành chuyển giao sản nghiệp cho thế hệ tiếp theo. Con trai Từ Kỳ Trạch là người nắm 51.5% cổ phần của chợ này, bà Từ Điềm nắm 48.5%. Từ ngày 28/3/2017, cổ phần của chị em họ Từ trở nên bằng nhau.

Ông trùm chưa học hết tiểu học và gia tộc bí ẩn đứng sau chợ hải sản Vũ Hán bị phát hiện virus nCov - Ảnh 5.
Thông tin về biến động cổ phần của chợ Hoa Nam trên trang dữ liệu công khai Tianchayan của Trung Quốc

Số liệu của Tianchayan còn cho biết, từ ngày 9/1/2018, chợ hải sản Hoa Nam đã điều chỉnh phạm vi kinh doanh, từ chỉ khai thác dịch vụ quản lý, bãi trông xe, tăng thêm kinh doanh thủy sản, nông sản sơ cấp bán buôn và bán lẻ, cùng với kinh doanh thực phẩm.

Gia tộc họ Từ – nổi bật là những cái tên Từ Chúc Sinh, Từ Điềm, Từ Kỳ Trạch – đã đưa hoạt động kinh doanh bao phủ các lĩnh vực thực phẩm, địa ốc, tài chính,… Từ Điềm hiện là pháp nhân của 12 công ty, cổ đông của 20 công ty, quản lý cấp cao tại 18 công ty, nắm quyền quyết định tại 34 công ty khác. Từ Kỳ Trạch là pháp nhân tại 3 công ty, cổ đông của 12 công ty, quản lý cấp cao của 12 công ty, và nắm quyền quyết sách tại 32 công ty.

Ông Từ Chúc Sinh hiện chỉ làm pháp nhân của 1 công ty là Trung tâm cung ứng bê tông Hoa Nam. 7 tư cách pháp nhân mà ông này từng nắm ở các công ty đã chuyển sang cho bà Từ Điềm.

Phóng viên của Xinmin Weekly đã liên hệ với từng đơn vị trong chuỗi doanh nghiệp của gia đình họ Từ, cũng như liên hệ với cá nhân ông Từ Chúc Sinh và bà Triệu Hồng, song chưa nhận được phản hồi chính thức.

Đọc nhiều