128027
category
545381

Bí ẩn loại xe tăng kỳ lạ nhất của Mỹ trên chiến trường Việt Nam: Có nòng mà không bắn đạn

24/08/2021 21:50

Để đối phó với cuộc chiến tranh du kích tại Việt Nam, quân đội Mỹ đã sử dụng nhiều vũ khí kỳ lạ, trong đó có xe tăng phun lửa M67 loại vũ khí đáng sợ đối với bộ binh và công trình.

Bí ẩn loại xe tăng kỳ lạ nhất của Mỹ trên chiến trường Việt Nam: Có nòng mà không bắn đạn

Xe tăng phun lửa – Vũ khí kỳ lạ trên chiến trường Việt Nam

Dựa trên kinh nghiệm của các kíp lái xe tăng M4 Sherman đã được chuyển đổi thành xe tăng súng phun lửa và được sử dụng trong Thế chiến thứ hai, quân đội Mỹ bắt đầu nghiên cứu một loại xe tăng tiếp theo có thể reo rắc nỗi kinh hoàng của xe tăng phun lửa trên chiến trường trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Công việc thiết kế diễn ra từ năm 1952 đến năm 1954, sử dụng khung gầm xe tăng M48 đã được sửa đổi theo sáng kiến ​​của Thủy quân lục chiến Mỹ. Việc sản xuất bắt đầu vào năm 1955 và duy trì trong 4 năm. Tổng cộng có 109 xe tăng M67 được sản xuất cho Thủy quân lục chiến và Lục quân Mỹ.

Mang biệt danh Zippo (một hãng bật lửa nổi tiếng) M67 có trọng lượng 48 tấn, chiều dài 8,1 mét khi nòng súng hướng 12 giờ và có chiều rộng 3,632 mét. Loại xe tăng phun lửa này được xây dựng dựa trên khung gầm của xe tăng M48 Patton với hệ thống bình chứa nhiên liệu và bơm áp lực cao để phun lửa.

Hệ thống bơm áp lực cao của xe cho phép nó phun được ngọn lửa ra xa tới hơn 100 mét nếu điều kiện gió bên ngoài thích hợp – đây là khoảng cách vượt trội hơn nhiều các loại súng phun lửa cầm tay của bộ binh.Tùy từng phiên bản mà dự trữ nhiên liệu của M67 có khả năng từ 700 lít cho tới 1.400 lít.

Ngoài ra xe còn được trang bị một khẩu súng máy cỡ nòng 12,7mm đồng trục và một khẩu 7,62mm gắn ở phía trên nóc xe.

M67 chủ yếu được sử dụng cho các hoạt động theo kiểu dọn dẹp, và giống như tất cả các loại xe tăng súng phun lửa, nó được thiết kế chủ yếu để chống lại bộ binh và nhà cửa chứ nó hoàn toàn không có khả năng đối đầu với thiết giáp.

M67 đã được quân đội Mỹ sử dụng trong một số chiến dịch trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Một trong những chiến dịch đầu tiên trong số này là Chiến dịch Starlite, trong đó một đội gồm 3 xe tăng phun lửa, cùng với 5 xe M48, được triển khai tại khu vực Xanh để hỗ trợ cho Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 7 Thủy quân lục chiến.

Bí ẩn loại xe tăng kỳ lạ nhất của Mỹ trên chiến trường Việt Nam: Có nòng mà không bắn đạn - Ảnh 2.
Xe tăng phun lửa M67 trong trận chiến tại Huế năm 1968.

Tại cuộc chiến tại Huế trong năm 1968, những chiếc xe tăng đầu tiên tiến vào thành phố là hai chiếc M67, cùng với hai M48 từ sở chỉ huy đại đội của tiểu đoàn xe tăng 3, chuyển hướng trong quá trình chuyển giao tiểu đoàn vào Quảng Trị.

Trong 11 ngày, bốn chiến xa này là những phương tiện thiết giáp duy nhất của Thủy quân lục chiến trong thành phố, yểm trợ cho Tiểu đoàn 2 của Trung đoàn 5 và Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 1 Thủy quân lục chiến trong các trận đánh phía nam sông Hương.

Tại Huế, các xe tăng súng phun lửa cũng được sử dụng cho các nhiệm vụ an ninh, tuy nhiên, do không có đủ phương tiện tiếp liệu cần thiết để tiếp nhiên liệu bằng hỗn hợp lửa, M67 sử dụng vũ khí súng máy của chúng thường xuyên hơn nhiều so với súng phun lửa.

Thông thường, xe tăng súng phun lửa ở Việt Nam được sử dụng đơn lẻ và M67 thường được đưa vào các trung đội xe tăng thông thường để tăng cường hỏa lực cho chúng. Nhìn chung, việc sử dụng M67 ở Việt Nam còn nhiều hạn chế.

Do không có đủ lượng hỗn hợp nhiên liệu có thể vận chuyển để sử dụng trong các cuộc đột kích vào sâu, M67 được sử dụng chủ yếu trong hệ thống phòng thủ căn cứ với nhiệm vụ phát quang cây cối xung quanh.

Sự biến mất đột ngột của các loại xe tăng phun lửa

Trong điều kiện chiến tranh du kích, điển hình của cuộc giao tranh ở Việt Nam là việc sử dụng xe tăng phun lửa để tiến hành tấn công tại những nơi có thể trú ẩn của du kích, đặc biệt là khi canh gác chốt – để đốt cháy các bụi rậm dọc theo vệ đường. Ngoài ra, M67 còn tỏ ra là một phương tiện hữu hiệu để chống phục kích.

Bí ẩn loại xe tăng kỳ lạ nhất của Mỹ trên chiến trường Việt Nam: Có nòng mà không bắn đạn - Ảnh 4.
Ngoài vũ khí chính là súng phun lửa, M67 còn được trang bị súng máy M2 cỡ nòng 12,7mm

Một trong những vai trò truyền thống của súng phun lửa là chống lại các vị trí kiên cố. Đặc biệt, M67 được sử dụng để đốt cháy các công sự của Việt Nam trong vùng lân cận căn cứ Cồn Thiên.

Phá hủy những kho đạn dược trở thành một trong những nhiệm vụ chính của M67 trong các chiến dịch tấn công ở Việt Nam và trong vai trò này, xe tăng phun lửa đã thể hiện mình rất thành công.

Tuy được đánh giá là thành công trên một số hoạt động nhưng với những hạn chế đã nêu ở trên, việc sử dụng M67 trên chiến trường cũng gây ra nhiều tranh cãi, tương tự như đối với các loại xe tăng phun lửa trước đây.

Một mặt, súng phun lửa có tác động tâm lý đáng kể và kinh nghiệm của các cuộc xung đột sau chiến tranh cho thấy hiệu quả của nó trong cuộc chiến chống lại nhân lực, công sự và thiết bị.

Đồng thời, một nhược điểm nghiêm trọng của M67, biểu hiện trong các trận đánh ở Việt Nam, đó là thiếu dự trữ hỗn hợp hỏa lực để sử dụng xe tăng trong các cuộc hành quân lâu dài.

Bí ẩn loại xe tăng kỳ lạ nhất của Mỹ trên chiến trường Việt Nam: Có nòng mà không bắn đạn - Ảnh 6.
Xe tăng M67 thiêu hủy các lán trại của Quân Giải phóng.

Mặc dù xe tăng phun lửa đôi khi cũng tham gia vào các hoạt động tấn công, nhưng không đơn vị nào sẵn sàng đưa các phương tiện tiếp tế không bọc thép vào trận chiến để tiếp nhiên liệu cho chúng.

Ngoài ra, các thùng chứa súng phun lửa yêu cầu nguồn cung cấp riêng xăng, các thành phần hỗn hợp cháy và khí nén, cùng với nhu cầu sử dụng các phương tiện hỗ trợ đặc biệt, đã tạo thêm gánh nặng cho các công tác hậu cần và là một lý do khác dẫn đến thái độ tiêu cực với M67 bởi chỉ huy xe tăng.

Ngoài số phát bắn thấp, súng phun lửa dù có tầm bắn tương đối ngắn cũng có độ chính xác thấp.

Bí ẩn loại xe tăng kỳ lạ nhất của Mỹ trên chiến trường Việt Nam: Có nòng mà không bắn đạn - Ảnh 7.
Xe tăng M67 tại Huế.

Đồng thời, mặc dù so với các phương tiện súng phun lửa M132 trên xe bọc thép chở quân cũng được sử dụng ở Việt Nam, khung gầm xe tăng có lớp giáp tốt hơn, M67 cũng đắt hơn gấp nhiều lần, kể cả trong thời gian phục vụ.

Một trong những lý do khiến M67 dần thất sủng trong chiến tranh là sự phát triển nhanh chóng của các loại vũ khí chống tăng cá nhân, loại vũ khí rất phổ biến của Quân Giải phóng và được sử dụng vô cùng hiệu quả.

Tầm bắn tối đa không vượt quá 200-250 và hiệu quả – 100 mét, xe tăng phun lửa không chỉ phải đi vào tầm bắn chính xác của xe tăng, súng chống tăng và súng không giật những loại vũ khí có khả năng bắn nó từ khoảng cách 400-1000 mét và không gặp vấn đề gì khi xuyên giáp mà còn liên quan đến việc sử dụng hiệu quả các loại vũ khí chống tăng vác vai.

Bí ẩn loại xe tăng kỳ lạ nhất của Mỹ trên chiến trường Việt Nam: Có nòng mà không bắn đạn - Ảnh 8.
M67 gặp bất lợi rất lớn trước các vũ khí chống tăng cầm tay như B41 của Quân Giải phóng.

Nếu súng B40 (RPG-2) tỏ ra kém hiệu quả trước lớp giáp của nó, thì B41 (RPG-7), được sử dụng vào năm 1961, cung cấp khoảng 40% cơ hội bắn trúng và tiêu diệt M48A5 (M67A2) chỉ với một phát bắn.

Ngoài những hạn chế về hỏa lực và sự đe dọa của các vũ khí chống tăng thì chính bản thân M67 cũng gặp phải sự cạnh tranh từ các vũ khí tương tự của quân đội Mỹ như xe bọc thép phun lửa M132 và việc các phi vụ ném bom napalm được thực hiện thường xuyên cũng làm giảm nhu cầu về súng phun lửa trên mặt đất.

Sau khi quân đội Mỹ rút về nước, các xe tăng phun lửa M67 Zippo cũng theo chân đoàn quân viễn chinh tháo chạy và biến mất hoàn toàn khỏi Việt Nam. Năm 1974, quân đội Mỹ quyết định cho loại xe tăng này nghỉ hưu và không có bất cứ loại xe tăng phun lửa nào thay thế cho M67 và tới nay Mỹ cũng không còn sử dụng xe tăng phun lửa trong biên chế của mình.

Bí ẩn loại xe tăng kỳ lạ nhất của Mỹ trên chiến trường Việt Nam: Có nòng mà không bắn đạn - Ảnh 9.
Những loại vũ khí như TOS-1A đã thay thế hoàn toàn vai trò của xe tăng phun lửa trong quá khứ.

Trong quân đội Nga, những xe tăng phun lửa TO-55 (hoán cải từ xe tăng chiến đấu chủ lực T-55) cuối cùng đã ngừng hoạt động vào những năm 1990. Hiện nay, công việc này được quân đội Nga giao cho hệ thống hỏa lực hạng nặng TOS-1 bắn loại đạn nhiệt áp hoặc đạn cháy có tầm bắn xa và sức sát thương lớn hơn xe tăng phun lửa truyền thống.

Lê Duy

Đọc nhiều