Bếp Dã chiến Việt Nam lập thành tích mới
Tham gia Army Games 2019 tại LB Nga, Đội tuyển Bếp Dã chiến Việt Nam lần đầu tiên lọt vào giai đoạn 3 của môn thi, vượt thành tích so với lần đầu tham gia hội thao vào năm ngoái, ở nội dung bắn súng, nấu ăn và làm bánh. Ở nội dung thi đấu thể thao, đội tuyển đã giành giải Nhì môn chống đẩy phối hợp và được BTC tặng Cúp.
Đội tuyển Bếp Dã chiến Việt Nam được coi là hiện tượng của cuộc thi Bếp Dã chiến năm nay vì là đội châu Á duy nhất lọt được vào tới vòng cuối cùng, thi tài với 6 đội tuyển đều là các nước SNG trước đây và chủ nhà LB Nga.
Đây cũng là các đội kỳ cựu, dày dạn kinh nghiệm, từng nhiều lần có mặt ở vòng đấu quyết định ở các hội thao trước.
Thành tích vượt lên chính mình của Bếp Dã chiến Việt Nam đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của truyền thông nước chủ nhà. Hầu như không ngày nào không có các nhà báo của Nga tới gian thực hành thi của Bếp Dã chiến Việt Nam đề nghị quay phim, chụp ảnh và phỏng vấn Đội trưởng Đội tuyển Bếp Dã chiến Việt Nam.
Đài truyền hình Quốc gia của Nga, Kênh Russia 24… đã tới quay phim, ghi hình các hoạt động thi đấu của Bếp Dã chiến Việt Nam ở giai đoạn 3.
Nhà báo Boris Maksudov, Kênh truyền hình Russia 24: Việt Nam đã chuẩn bị rất tốt cho Army Games 2019
Tham gia Army Games 2019 các đội tuyển Việt Nam đã chuẩn bị rất tốt. Tôi không biết nhiều về các đội khác của Việt Nam, nhưng cứ nhìn những gì Bếp Dã chiến Việt Nam thể hiện ấn tượng ở cuộc thì thấy các bạn đã chuẩn bị tốt. Đối với các đội châu Á, tham gia môn Bếp Dã chiến còn nhiều cái mới.
Những món ăn châu Âu kiểu Nga không quen với các bạn. Ở Nga có rất nhiều người Việt, nên tôi từng có nhiều dịp được thưởng thức các món ăn Việt Nam, nhất là cà phê của các bạn rất ngon.
Tôi rất thích Bếp Dã chiến của Việt Nam với hai thợ làm bánh và hai đầu bếp. Tôi đã nghĩ Việt Nam chắc chắn vào vòng thi cuối cùng. Những đầu bếp của Quân đội Việt Nam, họ không đơn thuần chỉ là đầu bếp, mà còn thể hiện nhiều nội dung khác rất tốt (bắn súng, thi đấu thể thao).
Tôi đã theo dõi cuộc thi qua ti vi và ấn tượng với sự chuẩn bị các món ăn của Bếp Dã chiến Việt Nam. Tôi cũng ấn tượng về đất nước Việt Nam và lịch sử của đất nước các bạn.
Việc nấu các món ăn truyền thống của Nga đối với các đội tuyển nước này không có gì khó khăn. Nhưng với bộ đội Hậu Cần Việt Nam, họ phải mất rất nhiều thời gian làm quen và tập luyện cách chế biến các món ăn, món bánh kiểu Âu họ chưa từng biết đến, thậm chí chưa thưởng thức bao giờ.
Chưa kể giai đoạn tập luyện ở trong nước, các loại thực phẩm không giống hoàn toàn với thực phẩm được nước chủ nhà cung cấp khi thi đấu.
Ở giai đoạn thi cuối cùng, nội dung thi nấu ăn và làm bánh theo thực đơn bắt buộc khó hơn nhiều so với ở vòng 2, đòi hỏi phải tuân thủ các quy định khắt khe hơn. Khâu chấm điểm bắt đầu tính từ giai đoạn sơ chế thực phẩm, chứ không phải chỉ khi đã bày món ăn lên đĩa.
Vì vậy, đòi hỏi các thành viên tham gia thi không chỉ thành thạo các kỹ năng chuyên môn mà phải đọc kỹ quy chế của cuộc thi với rất nhiều các quy định rất dễ mắc lỗi trừ điểm.
Đặc thù của Bếp Dã chiến là bảo đảm đủ lượng thực phẩm cho lực lượng trên chiến trường, nên các quy định trong cuộc thi về định lượng của mỗi món ăn, mỗi thực đơn rất nghiêm ngặt, chỉ cho phép xê dịch 1 lạng là tối đa.
Các “anh nuôi” Bộ đội Việt Nam đã cho thấy tài năng sáng tạo, thích nghi cũng như vượt khó để thực hiện nhiệm vụ. Thực hiện xong bài thi vừa vặn thời gian quy định 4 tiếng, được coi là cả một nỗ lực lớn của 2 thành viên tổ nấu ăn: Đại úy Lê Huy Hùng và Đại úy Trần Văn Trường.
Vì với 2 thực đơn bắt buộc, mỗi thực đơn gồm 5 món ăn của Nga, thêm 1 món bánh pho mai tráng miệng, dành cho 10 người ăn/thực đơn, đối với hai thành viên vốn không quen nấu món Âu, là điều không hề đơn giản.
Món bánh phomai thực sự là 1 thách thức vì với 1 kg pho mai tươi, 3 quả trứng và 30 gam bột mì, họ phải cho ra chiếc bánh nặng đúng 1,1kg đến 1,2kg theo quy định. Quá nhiều phomai tươi, lại thêm trứng gà nên khi trộn với bột mì bánh bị ướt, rất khó nướng.
Hai thành viên tổ nấu ăn đã mất 3 tiếng để nướng chiếc bánh này. Vừa nướng bánh, vừa chế biến các món ăn, Đại úy Lê Huy Hùng và Trần Văn Trường vẫn hoàn thiện bài thi đúng giờ nhờ khả năng phối hợp, hiệp đồng tốt.
Còn đối với hai thành viên tổ làm bánh: Thiếu tá QNCN Cao Quang Vị và Đại úy QNCN Lê Văn Lâm, nội dung thi làm bánh theo thực đơn bắt buộc cũng không làm khó họ.
Khác với lần thi ở vòng 2, các đội phải làm 11 loại bánh khác nhau, ở vòng cuối cùng, Ban tổ chức chỉ yêu cầu mỗi đội làm 1 loại duy nhất là bánh mì gối với số lượng 12 chiếc. Nhưng cái khó chính là quy định về trọng lượng mỗi chiếc chỉ được phép nặng từ 1,1kg đến 1,2 kg.
Tuy nhiên, phần thi đã được tổ làm bánh hoàn thành đúng thời gian, với thành phẩm cho màu vàng đẹp đặc trưng và có vị thơm ngon.
Đại úy Lê Huy Hùng chia sẻ, thử thách ở nội dung thi nấu ăn trong vòng thi cuối cùng chính là các món ăn quy định đều có nguyên liệu giống nhau lại phải nấu ra những món ăn khác nhau. Cái quyết định chính là ở các loại gia vị quyết định mùi vị món ăn nên cần phải có sự nhanh nhạy và tinh tế khi trổ tài chế biến.
Trung tá Drevlo Sviatoslav Olegovich, Đội trưởng Đội tuyển Bếp Dã chiến Belarus: Tôi đã chấm điểm cao cho các món của Bếp Dã chiến Việt Nam
Đội tuyển Bếp Dã chiến Việt Nam đến đây mạnh hơn năm ngoái rất nhiều, cho thấy các bạn có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Đặc biệt trình độ của tổ làm bánh và tổ nấu ăn đã cao hơn, có kinh nghiệm hơn, thể hiện qua những món ăn trình bày đẹp mắt, ngon miệng. Họ không chỉ nấu ăn ngon mà bắn súng cũng giỏi, với kết quả bắn xếp thứ 3 trong các đội thi Bếp Dã chiến.
Các bạn đã làm tốt ở giai đoạn 1 và giai đoạn 2 theo thực đơn tự chọn, nhất là 10 loại bánh. Món ăn châu Âu không phải thế mạnh của Bếp Dã chiến Việt Nam, nhưng các bạn đã lần đầu tiên lọt vào giai đoạn thi cuối cùng.
Đội Belarus đã chấm điểm rất cao cho các món của Bếp Dã chiến Việt Nam. Bếp Dã chiến Việt Nam đã cho thấy sự chuyên nghiệp và cho thấy là một đội mạnh. Các bạn đã thi đấu với tình thần nỗ lực hết sức mình.
Mỹ Hạnh/ Quân đội nhân dân