130115
topics
540240

‘Bệnh viện dã chiến tuyến huyện’ ở TP.HCM chữa khỏi cả ngàn F0

07/08/2021 13:49
‘Bệnh viện dã chiến tuyến huyện’ ở TP.HCM chữa khỏi cả ngàn F0 - Ảnh 1.
Hệ thống 3 trường THCS, THPT và tiểu học Tân Túc (Bình Chánh) được trưng dụng làm bệnh viện dã chiến – Ảnh: THU HIẾN

Không phải bệnh viện dã chiến thực sự, cũng không nằm trong các bệnh viện trong hệ thống 5 tầng tháp của TP.HCM, chỉ được gọi tạm là ‘Bệnh viện dã chiến tuyến huyện’ ở Bình Chánh, thế nhưng nơi đây đã điều trị khỏi cho hàng nghìn ca F0.

Bình Chánh là một trong những huyện có số lượng F0 dẫn đầu của TP.HCM. Tính đến sáng 7-8, huyện có tổng cộng 11.762 ca nhiễm COVID-19. Các y bác sĩ, chính quyền đang nỗ lực từng phút, từng giây để cứu sống hàng nghìn bệnh nhân COVID-19.

“Chúng tôi về, bệnh nhân sẽ chết”

Tranh thủ ít phút nghỉ trưa ngắn ngủi, bác sĩ Nguyễn Viết Thịnh thuộc Bệnh viện Nhân dân 115, người phụ trách chính tại ‘Bệnh viện dã chiến tuyến huyện’ Bình Chánh, mới có cơ hội trò chuyện với chúng tôi.

Theo đúng lịch của bệnh viện, đây sẽ là thời gian nghỉ ngơi của các y bác sĩ sau 5 tuần tham gia chống dịch, tuy nhiên đã nhiều tuần nay bác sĩ Thịnh cùng 10 đồng nghiệp khác vẫn tình nguyện ở lại để cứu các bệnh nhân COVID-19.

2 tuần trước, bác sĩ Thịnh và 13 đồng nghiệp được điều đến Bình Chánh để điều trị cho các ca F0. Do số lượng F0 tăng mạnh, huyện đã tức tốc trưng dụng cụm 3 trường THCS, THPT và tiểu học Tân Túc để điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Đặc điểm của 3 trường học này nằm kề nhau, có thể triển khai công suất lên hơn 1.800 giường điều trị.

“Do tình thế cấp bách, chúng tôi đã gấp rút chạy đua với thời gian để tiếp nhận và điều trị cho 2.000 trường hợp F0 của huyện Bình Chánh, chỉ trong 2 ngày để kịp thời cứu sống các bệnh nhân suy hô hấp nặng”, bác sĩ Thịnh nói.

Do thành lập trong thời gian cấp bách, cơ sở vật chất của bệnh viện thiếu rất nhiều từ oxy, thuốc, giường bệnh… huyện đã chủ trương kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ. Đến nay hầu như các trang thiết bị từ máy monitor, hệ thống oxy, máy thở, thuốc… đã đáp ứng để kịp thời cứu sống hàng trăm ca F0 nặng.

Tuy nhiên, số lượng bệnh nhân quá đông, các bác sĩ và điều dưỡng tại đây phải làm việc cật lực, gần như không có thời gian nghỉ ngơi. Không chỉ bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, nhiều bệnh nhân COVID-19 nặng cũng được các bác sĩ hỗ trợ kịp thời.

“Số lượng bệnh nhân lớn, chúng tôi phải luân phiên nhau theo dõi những ca nguy kịch và hầu như không có thời gian nghỉ. Ban đêm nhiều ca trở nặng, chúng tôi chạy bộ lên các tầng cao vì không có thang máy để hồi sức cho bệnh nhân”, bác sĩ Thịnh tâm sự.

Dưới sự nỗ lực của các y bác sĩ, qua nửa tháng đi vào hoạt động, hàng nghìn bệnh nhân đã được xuất viện.

“Chúng tôi gần như đã kiệt sức, nhưng nếu nghỉ ngơi lúc này nhiều bệnh nhân sẽ phải đối mặt với nguy hiểm tính mạng. Chúng tôi nghỉ, bệnh nhân sẽ chết”, bác sĩ Thịnh nói.

Hàng nghìn ca F0 xuất viện, hàng trăm ca COVID-19 nặng được điều trị khỏi

Chiều 6-8, trong buổi xuất viện, anh N.V.T. (34 tuổi, Bình Chánh) vui mừng khôn xiết vì đã được trị khỏi bệnh.

“Tôi điều trị tại đây 2 tuần, ban đầu vào sức khỏe rất yếu. Điều tôi cảm thấy ấm áp và xúc động nhất đó là sự tận tình của các y bác sĩ, tôi muốn gửi lời cảm ơn đến các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch”, anh T. xúc động nói.

Không chỉ điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng, ‘bệnh viện dã chiến’ đặc biệt này còn chăm sóc cho các ca F0 là những em bé nhỏ tuổi, cho đến phụ nữ có thai, người già yếu và cả những bệnh nhân tâm thần (đã có 3 bệnh nhân tâm thần được xuất viện).

Hiện tại bệnh viện đang điều trị cho khoảng 70 bệnh nhân nặng, đã cho xuất viện hơn 1.000 bệnh nhân, trong đó có trên 150 bệnh nhân nguy kịch, ngang ngửa với con số xuất viện tại các bệnh viện dã chiến của TP, giúp số ca xuất viện của TP tăng lên từng ngày.

Không chỉ riêng các y bác sĩ, nhiều tình nguyện viên là những sinh viên y khoa năm 1, năm 2 đến năm 4 cũng góp sức mình vào cuộc chiến của bệnh viện. Họ là những người chăm sóc cho bệnh nhân, tập vật lý trị liệu, vệ sinh, cai máy thở… bất kể ngày đêm.

Bạn Huy Thành, sinh viên năm 1 Trường ĐH Y dược TP.HCM, cho biết: “Bản thân em cảm thấy mình cần đóng góp nhiều cho xã hội, nhiều đêm liền chỉ chợp mắt được 2-3 tiếng đồng hồ nhưng vẫn cảm thấy vui”.

Chiều 6-8, hơn 300 bệnh nhân của bệnh viện tiếp tục được xuất viện. Những chuyến xe chở bệnh nhân về nhà cũng là lúc những chuyến xe mới chở các ca F0 đến điều trị.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu và giúp đỡ các bệnh nhân cho tới cùng, nhưng chúng tôi cần có thời gian để nghỉ ngơi vì đã quá kiệt sức. Tôi vẫn mong muốn có thêm các đồng nghiệp sát cánh đến hỗ trợ chúng tôi thêm để nhiều bệnh nhân được hồi phục”, bác sĩ Thịnh chia sẻ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện UBND huyện Bình Chánh cho biết trong quá trình bóc tách các ca F0 ra khỏi cộng đồng, do số lượng lớn, huyện đã chủ trương trưng dụng các trụ sở, công trình trên địa bàn để tiếp nhận thu dung các trường hợp dương tính. Đồng thời vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ các trang thiết bị cần thiết.

3 khu cách ly của Trường Tân Túc như một bệnh viện dã chiến thực sự với trang thiết bị hiện đại để chữa trị cho cả bệnh nhân nặng. Điển hình là từ ngày 5 đến ngày 6-8 đã có hơn 700 bệnh nhân xuất viện.

Huyện cũng đã huy động người dân và hệ thống chính trị để tham gia vào cuộc chiến chống dịch. Hiện nay Bình Lợi là xã đầu tiên của Bình Chánh thiết lập vùng xanh, người dân tại đây tự phân công, gìn giữ giám sát và tự chăm lo lẫn nhau. 15 xã còn lại cũng đã đăng ký tổ nhân dân xanh, ấp xanh, khu phố xanh…, chỗ nào thiết lập được vùng xanh thì có thể đăng ký và tham gia thi đua để các xã thi đua với nhau.

 

‘Bệnh viện dã chiến tuyến huyện’ ở TP.HCM chữa khỏi cả ngàn F0 - Ảnh 5.
Bệnh nhân F0 đang được hỗ trợ thở oxy tại bệnh viện dã chiến huyện Bình Chánh – Ảnh: THU HIẾN

THU HIẾN

Đọc nhiều