8
category
324714

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM ‘kêu cứu’

13/09/2019 06:21

Đầu tháng 9.2019, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM gửi công văn đến UBND TP.HCM, Sở Y tế TP.HCM “cầu cứu” về việc chưa được cấp chỉ tiêu quy hoạch xây dựng khoa khám bệnh. 

Hành lang khu vực giếng trời được dùng làm nơi đo sinh hiệu bệnh nhân /// DUY TÍNH
Hành lang khu vực giếng trời được dùng làm nơi đo sinh hiệu bệnh nhân

Trong khi đó bệnh nhân đông, không gian khám chữa bệnh chật hẹp, xuống cấp, nguy cơ lây nhiễm cao.

Theo đó, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (764 Võ Văn Kiệt, Q.5) nhận được Công văn số 3922 ngày 8.5.2019 của Văn phòng UBND TP.HCM về chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Công văn số 2561 ngày 3.6.2019 của Sở QH-KT gửi UBND Q.5 về quy hoạch sử dụng đất tại bệnh viện này và tiến độ lập, trình thẩm định và phê duyệt hồ sơ quy hoạch phân khu trên địa bàn Q.5. Nhưng đến nay Bệnh viện Bệnh nhiệt đới vẫn chưa được Sở QH-KT cấp chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc bệnh viện để thực hiện dự án “xây dựng khối khoa khám bệnh của bệnh viện”.

Theo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, dự án xây dựng khối khoa khám bệnh được bắt đầu ghi vốn chuẩn bị đầu tư từ năm 2011, đến nay đã gần 8 năm nhưng thủ tục trình duyệt dự án vẫn chưa xong vì vướng mắc ở khâu quy hoạch tổng thể mặt bằng bệnh viện. Dự án một lần nữa bị đình trệ, có nguy cơ không kịp trình thẩm định phê duyệt dự án vào cuối năm 2019 và không được tiếp tục ghi vốn cho năm sau.

Theo TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, hiện việc xây dựng khối khoa khám bệnh hết sức cần thiết và cấp bách vì bệnh nhân quá tải, cơ sở vật chất xuống cấp nặng nề. “Diện tích sử dụng hiện tại của khoa khám bệnh và khoa cấp cứu quá nhỏ, khó bảo đảm tiếp nhận cấp cứu; khám, sàng lọc, cách ly bệnh nhân mắc các bệnh nhiễm trùng – truyền nhiễm, đặc biệt là các loại dịch bệnh nguy hiểm… Bệnh viện Bệnh nhiệt đới xin báo cáo và kính đề nghị TP.HCM chỉ đạo, có hướng tháo gỡ vướng mắc khó khăn trên, tạo điều kiện cho bệnh viện sớm được cấp chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc khu đất”, công văn nêu.

Nhiều năm chưa quy hoạch xong

TS-BS Lê Mạnh Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, cho biết năm 2012, nhân kỷ niệm 150 năm thành lập Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Thành ủy và UBND TP.HCM quyết định cho bệnh viện xây dựng khối khoa khám bệnh. Tuy nhiên, sau đó họp các sở ban ngành thì mới biết Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đã được UBND Q.5 quy hoạch thành… khu công viên cây xanh và mở đường từ những năm 2007 nên không thể xây dựng được. Nhưng khi quy hoạch Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thì các ban ngành của TP.HCM chưa có phương án đưa bệnh viện về đâu. Sau khi nghe ý kiến, nguyện vọng từ bệnh viện, UBND TP.HCM có công văn thông báo giải tỏa quy hoạch để bệnh viện xây dựng.

Ngày 18.12.2012, Văn phòng UBND TP.HCM thông báo kết luận chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM sau cuộc họp với các sở, ban ngành: “Bệnh viện Bệnh nhiệt đới là bệnh viện lâu đời nhất tại TP.HCM, có một quá trình phát triển lâu dài và đạt được những thành tựu to lớn trong công tác điều trị, khám chữa bệnh nhiễm trùng – truyền nhiễm, được nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế quan tâm và nghiên cứu khoa học. Để đảm bảo sự phát triển bền vững của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, đảm bảo phù hợp quy hoạch của TP.HCM, UBND TP.HCM chủ trương giữ nguyên hiện trạng của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, chưa tính đến phương án mở đường Cao Đạt cắt ngang khuôn viên bệnh viện và đường Lê Hồng Phong nối dài”. UBND TP.HCM giao Sở QH-KT hướng dẫn UBND Q.5 thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch phân khu của khu vực theo quy định.

Khi vừa “xóa” được quy hoạch của UBND Q.5 và được cấp sổ đỏ thì Bệnh viện Bệnh nhiệt đới lại dính vào ranh quy hoạch khu di tích lịch sử quốc gia trong khuôn viên bệnh viện (Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán, nơi nhà cách mạng Trần Phú hy sinh vào ngày 6.9.1931). Ranh bảo vệ vòng 2 của khu di tích là 30 m, như vậy nếu xây khoa khám bệnh thì sẽ lấn vào ranh nên không thể xây dựng được. Do vậy, bệnh viện làm công văn đề xuất UBND TP.HCM kiến nghị điều chỉnh ranh giới khu di tích gửi Bộ VH-TT-DL. Đầu năm 2017, bộ này chấp thuận, giao cho bệnh viện được sử dụng gần 7.000 m2 trong quy hoạch ranh giới di tích để xây dựng khu khám bệnh.

“Sau đó, mặc dù Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đã có nhiều văn bản “cầu cứu” xin cấp chỉ tiêu quy hoạch xây dựng để tiến hành xây dựng nhưng vẫn chưa được cung cấp. Đến tháng 5.2019, UBND TP.HCM ký văn bản yêu cầu Sở QH-KT gửi UBND TP.HCM chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc khu vực, trong đó có Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Rồi Sở QH-KT có văn bản yêu cầu Q.5 gửi cho sở này bản quy hoạch chi tiết vùng. Cuối cùng đến nay “đứng hình” luôn. Bệnh viên chưa biết nguyên nhân từ đâu”, TS-BS Hùng nói. Do vậy, ngày 3.9 Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới mới có công văn “cầu cứu” như trên.

Quận chưa linh động

Chiều 11.9, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở QH-KT TP.HCM, cho biết sau khi UBND TP.HCM chỉ đạo, Sở QH-KT đã phối hợp UBND Q.5 xem xét dự án theo hướng hết sức linh động. Tuy nhiên dự án có hướng điều chỉnh về mặt quy hoạch và việc điều chỉnh này đang được UBND Q.5 thực hiện.

“Đồ án quy hoạch trước đây đã lấy ý kiến cộng đồng dân cư nhưng giá trị việc lấy ý kiến chỉ kéo dài 1 năm và đến nay đã hết hạn. Do đó việc điều chỉnh quy hoạch cần phải lấy lại ý kiến cộng đồng dân cư. Sự việc đang được Sở QH-KT theo dõi rất kỹ để tạo điều kiện nhanh nhất cho phía Bệnh viện Bệnh nhiệt đới triển khai nhanh dự án”, ông Nhã nói và cho biết việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư không được đưa vào quy trình giải quyết thủ tục của dự án mà chỉ được thực hiện sau khi người dân chốt được thời điểm họp. Ngoài ra trong quá trình thực hiện ở quận chưa có sự linh động nên tiến độ việc lấy ý kiến diễn ra hơi chậm.

Theo ông Nhã, phía UBND Q.5 cũng báo với Sở QH-KT việc lấy ý kiến này sắp xong. Hiện Sở QH-KT đang chờ Q.5 chuyển phương án lấy ý kiến này cùng với đề xuất phương án điều chỉnh quy hoạch cục bộ. Nếu hai phương án này được chuyển lên, trong vòng vài ngày Sở QH-KT sẽ cấp chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc của bệnh viện trình UBND TP.HCM.

Theo thông tin PV nắm được, Chủ tịch UBND Q.5 Phạm Quốc Huy đang chỉ đạo Phòng Quản lý đô thị Q.5 triển khai lại, lấy ý kiến cộng đồng để chuyển lên Sở QH-KT để sở này có ý kiến về mặt quy hoạch liên quan dự án.

(Theo Thanh Niên)

Đọc nhiều