148628
topics
596798

Bệnh truyền nhiễm nhóm B là gì? Đã có thể xem Covid-19 là bệnh thông thường?

18/03/2022 16:14

Mới đây Chính phủ đã thay đổi mục tiêu kiểm soát dịch, chuẩn bị chuyển biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, vậy bệnh truyền nhiễm nhóm B là gì? Người dân đã có thể xem Covid-19 là bệnh đặc hữu hay bệnh thông thường?

Theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm số 03/2007/QH12 phân bệnh truyền nhiễm thành các nhóm A B C tùy theo các mức độ..

Tiêm ngừa vaccine Covid-19 cho học sinh.

Bệnh truyền nhiễm nhóm A là các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và có tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A bao gồm bệnh bại liệt, cúm A-H5N1, dịch hạch, đậu mùa, sốt xuất huyết do vi rút Ê – bô – la (Ebola)..

Còn bệnh truyền nhiễm nhóm B là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong. Một số bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B như cúm, ho gà, lao phổi, sốt xuất huyết Dengue, sốt rét, sốt phát ban, bệnh sởi, tay-chân-miệng..

Đánh giá về Nghị quyết 38/NQ-CP của Chính phủ trong Chương trình phòng, chống dịch COVID-19, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: “Nghị quyết đưa ra quan điểm như vậy là rất đúng và hợp lí… Chúng ta cần nghiên cứu và căn cứ tình hình dịch bệnh cũng như khả năng đáp ứng cả về khoa học và thực tiễn để xây dựng kế hoạch chuyển đổi bệnh nhóm A sang B làm sao để vừa kiểm soát được dịch bệnh và phục hồi kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên cơ sở đặt sức khỏe và tính mạng người dân lên trên hết”.

Ông Phu đồng thời nhấn mạnh, khi chuyển đổi nhóm bệnh, phải hình thành kèm theo các chính sách đáp ứng để đảm bảo vừa phát triển kinh tế, vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, nhất là người nghèo, nhóm người dễ bị tổn thương.

Chăm sóc bệnh nhân Covid-19.

Theo ông Phu, việc xây dựng lộ trình cần nhiều bộ ngành cùng tham gia chứ không chỉ riêng Bộ Y tế. Do đó phải thành lập các nhóm nghiên cứu, có sự tham gia của các ngành, các cấp, đặc biệt Bộ Y tế, Bộ Tài chính.

“Bộ Y tế nghiên cứu về dịch bệnh, còn các ngành, các cấp phải cùng nghiên cứu về chính sách. Nghiên cứu và các chính sách cần sâu sát tới từng địa phương vì mỗi tỉnh thành có điều kiện kinh tế, đáp ứng khác nhau. Một mình Bộ Y tế thì không thể làm được”.

Ông Phu phân tích thêm: “Khi chuyển sang bệnh nhóm B, coi như cúm mùa thì ngành Y tế không công bố số ca mắc hằng ngày nữa, giống như bệnh cúm chỉ giám sát chứ không thống kê ca mắc từng ngày, đồng thời không xét nghiệm nhiều như đang làm với COVID-19 hiện nay”.

Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân.

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao cho Bộ Y tế tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có biện pháp phù hợp, hiệu quả để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem COVID-19 là bệnh đặc hữu.

Khi coi COVID-19 là bệnh đặc hữu tức là sẽ không xem COVID-19 là đại dịch nữa mà coi như một bệnh lý chuyên khoa truyền nhiễm, bệnh chuyên khoa thông thường. Tại các cơ sở y tế, bác sỹ sẽ tập trung chẩn đoán chính xác, điều trị hiệu quả, giảm biến chứng, giảm tử vong.

Theo Phó Giáo sư Hoàng Bùi Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 (Đại học Y Hà Nội), khi tiến tới việc thay đổi từ đại dịch sang bệnh đặc hữu thì việc thanh toán, chi trả tiền khám, chữa bệnh COVID-19 cũng cần ứng xử như với các bệnh lý khác, nghĩa là có thể do bảo hiểm y tế chi trả hoặc khám dịch vụ do người dân tự chi trả.

Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) nêu ý kiến cho rằng Việt Nam nên tiến tới xem COVID-19 là bệnh đặc hữu bình thường, từ đó giảm gánh nặng cho Nhà nước./.

Hồng Anh 

Đọc nhiều