Bệnh sĩ của người Việt một căn bệnh cần loại bỏ càng sớm càng tốt
Về quê dạo này, tôi thấy nhà nào cũng xây nhà, nhà xây sau to cao và rộng hơn, đẹp hơn nhà xây trước. Thấy bà con xây nhà đẹp mình cũng thấy mừng. Đúng là từ ngày Hà Tây sát nhập về Hà Nội (2008) Hà-Nội-2 quê tôi (theo cách mà người dân vẫn gọi) khá lên hẳn, nhà cửa khang trang đường xá rộng rãi.
Những lúc rảnh rỗi ghé thăm những nhà hàng xóm thân quen. tôi mới biết sự thật. Mấy ông bạn tôi quanh năm bữa cơm dù chỉ với gạo và rau, nước mắm nhưng khi được đền bù đất làm đường là lập tức xây nhà ngay. Nhà nào cũng xây to, mà phải cố vay mượn để xây thật to, mà phải xây to nhất thôn, nhất xóm mới được. Bác tôi nhà có bốn người mà xây hẳn một biệt thự 200m2 ba tầng rất hoành tráng, phòng khách trang trí như khách sạn đủ chỗ, mười mấy phòng còn lại phòng nào cũng to vật vã. Trang trí đủ kiểu, nội thất hiện đại lát đá hoa và điều hòa chạy mát lạnh.
Ngày khánh thành mời các họ đến ăn mừng nhà mới với lời nhắn, quý khách đến dự là gia chủ không nhận quà, nhận tiền mừng. Hỏi ra mới biết bác xây hết hơn 2 tỷ thời giá năm 2018. Hai năm nay nhà rộng thế mà cũng chả có nổi một cân thóc mà cất, vì ruộng vườn đã bán hết lấy tiền để xây nhà. Để tô điểm thêm cho ngôi nhà, bác còn mua hẳn một con xe Kia 2.0 cất trong ga ra cho hoành tráng. Đúng nhà bác đẹp thật, ai đi qua cũng tấm tắc khen, người ta khen nhà đẹp rất nhiều nhưng khen con mắt thẩm mỹ của chủ nhà cũng nhiều không kém. Bác tôi tự hào lắm, tự hào với bà con dòng họ và hàng xóm về căn nhà mà bác vừa khánh thành hai năm trước.
Khổ nỗi xe bác không biết lái, cho con thì bác không muốn mà chỉ để đó ai vào để khoe cho oai. Hai năm trời có dư, con xe mới toanh mới chạy được độ vài trăm cây số vào những dịp cậu cả về thăm nhà. Vừa rồi về gặp bác, bác than với tôi. Cháu xem có ai mua con xe không giới thiệu cho bác vì bác muốn bán. Bác còn nói hai năm chả đi đâu, một đống tiền lù lù trong nhà đã không sinh lời lại còn mất giá trong khi đó tiền vay ngân hàng để xây nhà bác còn chưa trả hết.
Dân làng bảo bác ấy xây nhà to chỉ vì sĩ diện. Tôi nghĩ cũng phải vì ở quê tôi xây nhà to quá chả để làm gì, cho thuê chẳng ai thuê, khách khứa cũng ít đến chẳng nhiều gì để mà khoe, nhà giờ chỉ để hứng bui. Hàng ngày hai ông bà lau dọn cũng đến chết mệt. Khổ nỗi bác tôi không phải là trường hợp duy nhất. Trong làng tôi có biết bao nhiêu trường hợp như bác tôi, vay mượn đủ kiểu để xây nhà, để sắm sửa cũng chỉ vì sĩ diện. Xây xong nhà, sắm xong đồ rồi nai lưng ra trả nợ. Có người mất khả năng chi trả thì bán tống bán tháo chả ai mua. Dân làng gọi những người đó là tự mình bóc lột mình nên không thấy xót.
Dân nhà quê đã vậy, dân thành phố còn sĩ hơn, trong cách mua sắm. Thôi thì người có tiền không nói làm gì, người không có tiền sĩ mới khổ. Nhớ hồi mới có điện thoại di động, những ai sở hữu điện thoại di động thì oai như cóc. Chỉ vì sĩ mà các cuộc gọi thường diễn ra giữa chốn đông người, chỉ cốt để khoe cái điện thoại mà mình đang sở hữu, bất chấp chuyện phải lộ thông tin riêng tư từ những cuộc điện thoại đó. Chết cái là hình như bệnh sĩ trong giới trẻ giờ đây ngày một lan rộng. Những cậu ấm cô chiêu sẵn sàng bỏ ra cả chục triệu chỉ để sắm một cái áo sơ mi cho hơn bạn hơn bè, chỉ vì sĩ diện. Có người bỏ ra cả gần triệu bạc xếp hàng hàng giờ cốt chỉ được ăn bát phở xã đàn. Người đời cho rằng bệnh sĩ là một sự lãng phí, chỉ vì sĩ người ta có thể ném bỏ cả công sức làm việc một tháng, một năm để sắm thứ chả để làm gì nhưng lại là thứ làm cho người ta có được cảm giác hơn người.
Giờ đây người Việt sĩ diện đủ đường, có người bỏ ra hàng tỷ mua xe bốn bánh về chỉ để ngăn, để hơn người, để được khen mình là kẻ chịu chơi. Một điều trớ trêu thay là nhiều người vì sĩ mà khi sa cơ lỡ thế dù không có gì mà ăn vẫn không dám làm những việc bình thường để kiếm sống. Họ khóat vào cái áo giàu có mà không bao giờ muốn vứt bỏ nó kể cả khi không có gì để cho vào mồm.
Chúng ta cần phải học tính cách người Châu Âu bởi họ rất thực dụng. Họ mua cái gì cũng đều nằm trong khả năng của họ. Ăn buffe họ cũng chỉ lấy vừa sức họ, ăn vừa ngon lại không lãng phí. Mua ô tô họ xác định là phương tiện đi lại nên chỉ sắm những thứ đủ để phục vụ việc đi lại. Họ không sắm những thứ chỉ để ngắm ngoài những những tác phẩm nghệ thuật.
Không sĩ diện chính là không lãng phí, không có nhu cầu hưởng thụ quá khả năng của mình. Những hành dộng đó vừa tiết kiệm cho xã hội lại phù hợp với khả năng của mỗi người. Chúng ta đang phấn đấu xây dựng một xã hội phát triển, phấn đấu cho nhân dân được hưởng những gì tốt đẹp nhất trong cuộc sống. Tuy nhiên chúng ta không phấn đấu để sĩ diện, để lãng phí.
Mọi người chúng ta đừng vì một cái nhà, cái xe hay một tài sản nào đó mà cảm thấy ta có cảm giác hơn người. Đành rằng dù có mua sắm trong tầm tay và khả năng của mỗi người, nhưng những thứ đó không làm tăng lên giá trị của một con người.
Đất nước muốn giàu có, muốn hùng cường thì cần những con người yêu lao động và lao động sáng tạo, những con người biết hi sinh vì hạnh phúc của người khác. Đất nước không cần những con người sĩ diện, những con người, những quan chức không biết tự trọng, chỉ vì sĩ diện mà nhắm mắt làm liều tiêu tốn tiền của của nhà nước, của nhân dân vì những câu chuyện không có đầu không có cuối vô nghĩa.
Đỗ Mạnh
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả