130115
topics
603575

Bệnh nhân Covid-19 chạy ECMO cuối cùng của Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 14

20/05/2022 21:47

Câu chuyện về ca ECMO cuối cùng là một minh họa cho nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ, tuyến đầu chống dịch ở Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 14. Họ chỉ thực sự trở lại cuộc sống bình thường, khi cơ sở này dừng hoạt động.

Ca ECMO cuối cùng của Bệnh viện dã chiến ba tầng số 14 là bà Lê Thị Lệ Thủy, quê huyện Củ Chi, TP.HCM. Bệnh nhân 58 tuổi nhập viện ngày 14-2. Hai tháng sau, dịch COVID-19 thuyên giảm nhiều, Bệnh viện được Sở Y tế cho phép tạm ngưng hoạt động. Bà Thủy cai ECMO và được chuyển về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới ngày 25-4. Trải qua những thời khắc thập tử nhất sinh, nay bệnh nhân này đã hồi phục, chuẩn bị được xuất viện.

Bệnh nhân Lê Thị Lệ Thủy, ca ECMO cuối cùng của BV dã chiến ba tầng số 14, bên các y bác sĩ điều trị cho mình.

Trải qua ba bệnh viện điều trị COVID-19

Bác sĩ Dương Bích Thủy, Phó Giám đốc Bệnh viện dã chiến ba tầng số 14, cho biết trước đó bệnh nhân Thủy nhập viện điều trị COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi. Tại đây, bà được thở ôxy lưu lượng cao nhưng tình trạng suy hô hấp vẫn tiến triển nặng nên được chuyển về Bệnh viện dã chiến.

Tại đây, bệnh nhân được đặt nội khí quản, thở máy xâm lấn. Sau 4 ngày, tình trạng hô hấp vẫn không cải thiện, thông số máy thở cao nên bệnh nhân được chỉ định can thiệp ECMO, dùng máy ôxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể.

Bác sĩ Thủy nhớ lại:

“Lúc tình trạng bệnh nhân nặng nhất, các y bác sĩ phải phối hợp nhiều biện pháp điều trị như thở máy, ECMO, thông khí nằm sấp, lọc máu, dùng thêm thuốc trợ tim, truyền máu và chế phẩm máu…

Dần dần tình trạng cải thiện, bệnh nhận được giảm dần các thuốc an thần, giãn cơ để tỉnh lại. Sau đó, bệnh nhân được hướng dẫn tập thở và vận động. Sau 60 ngày sử dụng ECMO, chức năng hô hấp của bệnh nhân ổn định nhiều, được chỉ định ngưng ECMO, tuy nhiên vẫn cần máy thở trợ giúp”.

Còn bác sĩ Nguyễn Văn Thành Được – Trưởng Khoa ICU Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 14 kể: Thời điểm đó, cả cơ sở chỉ còn lại ba bệnh nhân. Bà Thủy là ca nặng nhất trong nhóm. Do Bệnh viện dã chiến tạm ngưng hoạt động nên bệnh nhân Thủy được chuyển về Bệnh viên Bệnh nhiệt đới tiếp tục điều trị. Toàn bộ đội ngũ y bác sĩ dã chiến cũng được rút về đây và tiếp tục chăm sóc bệnh nhân này.

“Trong suốt quá trình điều trị, chị Thủy rất chịu khó hợp tác cùng y bác sĩ. Nhờ vậy sau khi ngưng ECMO, quá trình cai máy thở nhẹ nhàng hơn các bệnh nhân khác” – bác sĩ Được nhận xét.

Hoàn thành sứ mệnh

Theo bác sĩ Được, sau khi chuyển về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới được khoảng một tuần, bệnh nhân Thủy được tập ngưng máy thở ngắt quãng rồi ngưng máy thở hoàn toàn, tiếp tục vật lý trị liệu, tập thở, tập vận động.

Vài ngày tiếp theo, bệnh nhân được rút ống thở, tự thở ôxy mũi và tập ăn từ từ. Gần đây, bác sĩ đã giảm liều ôxy, cho bệnh nhân cai ôxy ngắt quãng. Bệnh nhân hiện đã tự ăn uống khá hơn, tầm vài ngày nữa sẽ xuất viện.

Khi hỏi về cảm giác sau khi điều trị thành công ca ECMO cuối cùng của Bệnh viện dã chiến, bác sĩ Thủy trải lòng: “Cả đội ngũ y bác sĩ ai cũng đều rất mừng. Ê-kíp cứ nói đùa với nhau rằng ngày mà cô Thủy hồi phục là ngày cả đội hoàn thành sứ mệnh cứu chữa bệnh COVID-19. Mọi người bảo nhau cùng cố gắng vì bệnh nhân này. Ca cuối cùng mà hồi phục tốt thì giống như mình hoàn thành tốt sứ mệnh”.

Nhớ lại những ngày đã qua, vị Phó Giám đốc Bệnh viện dã chiến cho biết từ sau Tết Nguyên đán, dù ca bệnh COVID-19 giảm nhiều, cuộc sống thành phố cũng như người dân đã trở lại bình thường thì với anh chị em đồng nghiệp công tác tại Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 14 vẫn chưa có cảm giác trở lại cuộc sống yên bình 100%.

“Chỉ đến ngày Bệnh viện dã chiến tạm ngưng hoạt động, tuyến đầu chống dịch như chúng tôi mới cảm giác đúng nghĩa là ngày cuộc chiến kết thúc, ngày được trở về với cuộc sống bình thường như trước” – bác sĩ Thủy bộc bạch.

Lời cảm ơn gửi tới lực lượng tuyến đầu chống dịch

Đang nằm ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, đợi vài ngày nữa là xuất viện, bà Lê Thị Lệ Thủy (58 tuổi) cho biết cảm thấy rất mừng. Bà bày tỏ: “Sức khỏe của tôi đã dần ổn định, tôi cảm thấy rất vui. Sau hơn 3 tháng nhập viện điều trị, cuối cùng tôi cũng gần được xuất viện rồi. Nhớ lại lúc tình trạng diễn tiến nặng, bị đưa đi viện, người nhà ai cũng tưởng tôi sẽ không qua khỏi.

Tỉnh dậy từ cơn hôn mê dài, tôi cảm thấy rất mừng vì mình đã thoát chết. Thời gian đầu, tôi gặp toàn ác mộng nên rất sợ. Nhưng may có các y bá sĩ luôn quan tâm, động viên. Lúc tập vật lý trị liệu, mọi người nâng từng tay, từng chân, giúp tôi từng ly từng tí. Mỗi lần tôi nhúc nhích là mọi người hỏi liền tôi có khó chịu ở đâu không. Tôi rất biết ơn tập thể cán bộ y tế ở đây đã ngày đêm tận tình cứu chữa để tôi có cơ hội được sống”.

Thảo Anh 

Đọc nhiều