Bên trong Bệnh viện Hồi sức Covid-19 lớn nhất Việt Nam
17/07/2021 16:58
Bệnh viện Hồi sức Covid-19 với quy mô 1.000 giường là đơn vị tuyến cuối điều trị Covid-19 tại TP.HCM, có nhiệm vụ tiếp nhận những bệnh nhân rất nặng và nguy kịch.
Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 (TP Thủ Đức. TP.HCM) được trưng dụng làm Bệnh viện Hồi sức Covid-19. Cơ sở này đi vào hoạt động từ ngày 15/7. Đây là bệnh viện tuyến cuối điều trị Covid-19 của TP.HCM. Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Lê Anh Tuấn, Phó giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19, cho biết quy mô bệnh viện là 1.000 giường, trong đó 100 giường hồi sức tích cực cho bệnh nhân tiên lượng nặng và 900 giường cho bệnh nhân nặng. Về nhân lực, bệnh viện có 340 bác sĩ và 1.050 điều dưỡng. Lực lượng tinh nhuệ nhất được huy động từ 3 bệnh viện gồm: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh nhân Nhân dân Gia Định. Ngoài ra, 5 cơ sở chi viện gồm Sở Y tế Thanh Hóa (59), Sở Y tế Phú Thọ (52), Hải Phòng (114), Bệnh viện 71 Trung ương (30), Bệnh viện 74 Trung ương (30). Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm Phó giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19, gần như luôn có mặt trong buồng cấp cứu. Ông trực tiếp tham gia công tác hồi sức, theo dõi những bệnh nhân Covid-19 tại đây. Hiện tại, bệnh viện có 60 bệnh nhân hồi sức nguy kịch và gần 100 bệnh nhân hồi sức nặng. Trong đó, 50 người thở máy và một ca chạy ECMO (tim phổi nhân tạo). Nhân viên y tế liên tục chuyển những máy thở oxy dòng cao đến buồng bệnh. Một số buồng cấp cứu được lắp máy thở trước để sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân cần hồi sức từ nơi khác chuyển đến. Tối 16/7, đội ngũ bác sĩ trực tiếp mang máy ECMO đến Bệnh viện Trưng Vương để cấp cứu thai phụ mắc Covid-19, sau đó chuyển về Bệnh viện Hồi sức Covid-19. Đây là ca được can thiệp ECMO đầu tiên tại bệnh viện. Trước đó, bệnh nhân vào Bệnh viện Trưng Vương khi đang mang thai 35 tuần, mắc Covid-19, tổn thương phổi nặng, sau 3 ngày mổ lấy thai, sức khỏe của người phụ nữ này diễn tiến xấu, không thể kiểm soát bằng máy thở. Các bệnh nhân tại đây đa số trong khoảng 50-60 tuổi, có nhiều bệnh nền phức tạp. Về mặt thiết kế, bệnh viện bố trí luồng đi thuận lợi cho nhân viên, bệnh nhân Covid-19 và bệnh nhân điều trị ung thư. Hệ thống xử lý rác thải và cung ứng đồ sạch cũng có lối đi riêng, theo tiêu chuẩn hiện đại. “Bệnh viện Hồi sức Covid-19 sẽ là đơn vị tập trung cứu chữa cho bệnh nhân toàn khu vực phía Nam chứ không riêng ở TP.HCM. Đó là chiến lược lâu dài của thành phố”, bác sĩ Lê Anh Tuấn nói. Bác sĩ Trần Thanh Linh đã trải qua những chuyến chi viện tại Đà Nẵng, Bắc Giang rồi tiếp tục trở về TP.HCM nhận nhiệm vụ tại bệnh viện hồi sức Covid-19 lớn nhất cả nước. “Các y bác sĩ tại đây luôn động viên nhau rằng đây sẽ là cuộc chiến chống dịch lớn nhất và dài hơi nhất trong lịch sử”, bác sĩ Linh chia sẻ. Duy Hiệu