Bên nào sẽ ‘xuống nước’ trong thương chiến Mỹ – Trung?

07/09/2019 07:48

Trong một bài bình luận trên kênh truyền thông NHK (Nhật Bản), các chuyên gia cho rằng, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung leo thang, áp lực đến với cả hai phía. Mặc dù “trong rối” nhưng bề ngoài cả Mỹ, Trung Quốc có vẻ như vẫn quyết “thi gan” với nhau.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang leo thang. (Nguồn: AP)
Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đang leo thang. (Nguồn: AP)

Cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc đang leo thang đến cường độ mới, đẩy cả hai nước vào tình trạng khó khăn và gia tăng áp lực khiến hai bên buộc phải tìm lối thoát. Tuy nhiên, một chuyên gia kinh tế Mỹ cho rằng, Bắc Kinh đang chịu nhiều áp lực hơn Washington, bất chấp cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào năm 2020. Ngoài ra, chuyên gia này cũng nhận định về khả năng “xuống nước” của cả hai bên trong thời gian tới.

Cuối tháng Tám vừa qua, ngay sau khi Trung Quốc tuyên bố áp thuế đối với 75 tỷ USD giá trị hàng hóa Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sẽ đẩy thuế đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc lên thêm một mức nữa: từ 25% lên 30% đối với 250 tỷ USD giá trị hàng đã đánh thuế từ trước, và từ 10% lên 15% đối với 300 tỷ USD giá trị hàng hóa sẽ bị đánh thuế bắt đầu từ tháng Chín này. Không những thế, ông Trump còn ra lời “hiệu triệu” các công ty Mỹ đang làm ăn ở Trung Quốc quay trở về Mỹ – một động thái mà nếu nó xảy ra sẽ khiến Trung Quốc điêu đứng.

“Trong rối, ngoài rắn”

Theo giới chuyên gia, nếu cuộc chiến tranh thương mại này tiếp tục leo thang, Trung Quốc sẽ là bên thiệt hại nhiều hơn. Đồng thời, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc (NDT) đã xuống giá qua mức hơn 7 NDT đổi 1 USD, điều này sẽ khiến người dân Trung Quốc chuyển tiền ra nước ngoài.

Tăng trưởng GDP của Trung Quốc đã hạ xuống 3% (mặc dù con số công bố chính thức là 6%), đầu tư tài sản cố định trong 6 tháng đầu năm nay chỉ tăng 3% so với mức 30% trong các năm 2010 và 2011, và trong quý vừa rồi, Trung Quốc phải tung ra gói kích thích kinh tế 300 tỷ USD. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đang đối mặt với những khó khăn, dù bề ngoài vẫn tỏ ra cứng rắn. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp nhiều áp lực nếu kinh tế không tăng trưởng và người dân mất việc làm.

Về phía Tổng thống Mỹ Donald Trump, vấn đề đánh thuế tăng cường sẽ ảnh hưởng đến sức mua của người dân Mỹ – vốn là trụ cột của nền kinh tế Mỹ. Con số 540 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc dù rất lớn nhưng cũng không đáng kể (khoảng 3%) so với 20.000 tỷ USD quy mô kinh tế của Mỹ. Tuy nhiên, kinh tế Mỹ sau gần 10 năm tăng trưởng với tốc độ cao sắp sửa bước vào suy thoái theo chu kỳ và cuộc chiến thương mại sẽ đẩy suy thoái đến sớm hơn. Mặc dù vậy, tác động của điều này đối với cơ hội của ông Trump trong kỳ bầu cử tổng thống sắp tới là không nhiều, kể cả đến khi diễn ra bầu cử Trung Quốc vẫn không có bất kỳ nhượng bộ nào đối với các yêu sách chủ chốt của Mỹ. Ông Trump có những người ủng hộ rất trung thành, ngay cả nông dân ở Mỹ, đối tượng bị ảnh hưởng nặng nhất bởi thuế quan của Trung Quốc cũng vẫn ủng hộ ông Trump.

Cuộc đấu trí giữa Mỹ và Trung Quốc được đánh giá là sẽ còn kéo dài.
Cuộc đấu trí giữa Mỹ và Trung Quốc được đánh giá là sẽ còn kéo dài.

Thời gian đứng về phía ai?

Áp lực kinh tế suy thoái và thời gian tranh cử gần kề mà vẫn chưa có được thỏa thuận thương mại, phải chăng thời gian đang “chống” lại chính quyền của Tổng thống Trump? Các chuyên gia cho rằng, cả hai phía Mỹ – Trung đều có áp lực riêng. Ông Trump đối mặt với áp lực từ cuộc bầu cử, chính vì vậy ông mới liên tục yêu cầu Cục Dự trữ Liên bang (Fed) giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng và kéo kinh tế Mỹ khỏi nguy cơ suy thoái. Ông cũng có thể tung ra gói kích thích bằng cách đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Nếu làm được như vậy thì có thể giúp Mỹ đẩy lùi suy thoái trong vòng 1- 2 năm nữa. Khi đó, Trung Quốc sẽ bị thiệt hại nhiều hơn.

Trong khi đó, nhiều nhà quan sát nhận định rằng Trung Quốc đang chơi chiến thuật “câu giờ” nhằm đợi cho đến kỳ bầu cử năm 2020 cho nên họ không tích cực đàm phán tìm giải pháp cho cuộc chiến thương mại. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Trung Quốc cần cân nhắc lợi hại khi áp dụng chiến thuật này, bởi nếu ông Trump tiếp tục tại vị Nhà Trắng thì mọi việc sẽ khó khăn hơn đối với Bắc Kinh.

Các chuyên gia nhận định, ở thời điểm này, khả năng hai nước đạt được thỏa thuận là không cao. Mặc dù xét về tổng thể sức mạnh, Mỹ có ưu thế hơn Trung Quốc để ít bị ảnh hưởng hơn trong cuộc chiến thương mại này, nhưng Bắc Kinh lại hơn Washington về các “biện pháp”. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể dùng liệu pháp tuyên truyền để người dân của họ chấp nhận khó khăn phía trước, trong khi Mỹ khó có thể làm được điều này.

Tuy nhiên, vào lúc này, một thỏa thuận khả thi có thể là một thỏa thuận mà trong đó không nhất thiết phải đáp ứng toàn bộ những yêu cầu của Mỹ đưa ra, bao gồm giảm thâm hụt thương mại, giảm trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước và đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ. Từ nay đến cuộc bầu cử Mỹ năm 2020, rất có thể Trung Quốc sẽ tiếp tục giữ thái độ cứng rắn. Nếu Bắc Kinh vẫn không nhượng bộ, ông Trump cũng sẽ vẫn duy trì cường độ như hiện nay, cũng sẽ không thoái lui bất chấp cuộc bầu cử đang tới gần.

Theo NHK

Đọc nhiều