Bê bối sàn FTX phơi bày những “mặt tối” phía sau tiền số

18/11/2022 11:30

Giống với Celsius Network, sàn FTX cũng đã mang tiền của khách hàng đi đầu tư vào những lĩnh vực rủi ro mà không xin phép, chính điều đó đã dẫn tới việc mất thanh khoản khi người dùng đồng loạt rút tiền khỏi sàn này…

Sam Bankman-Fried, cựu CEO của FTX.

Chuyện bắt đầu từ Sam Bankman-Fried, khi đó còn là CEO của sàn giao dịch tiền điện tử FTX, thành lập ra công ty khác là Alameda Research.

Theo các nguồn tin tiết lộ với CNBC, Alameda Research sau đó đã “vay” hàng tỷ USD từ sàn giao dịch FTX. Cả hai đều do Bankman-Fried đứng sau. Nguồn tin nhấn mạnh FTX đã tự ý lấy hàng tỷ USD tiền của khách hàng trên sàn để chuyển sang Alameda cho mục đích đầu tư và thâu tóm những dự án khác mà không hề xin phép họ.

Nguy cơ mất an toàn đã manh nha khi số tiền được rút khỏi sàn và tài trợ cho các khoản đầu tư rủi ro đã vượt quá so với số tiền cần thiết để đảm bảo thanh khoản trên sàn FTX. Thông thường, các sàn giao dịch tiền số sẽ phải duy trì một lượng tiền bằng hoặc lớn hơn số tiền mà khách hàng gửi vào sàn. Điều này, nhằm đảm bảo tính thanh khoản để người dùng có thể rút tiền bất cứ lúc nào kể cả khi tất cả rút cùng lúc.

Caroline Ellison, fan “Harry Potter” 28 tuổi và là… CEO của Alameda Research.

Mọi việc bắt đầu bị đưa ra ánh sáng từ báo cáo của CoinDesk ngày 2/11 về bảng cân đối kế toán của Alameda. CoinDesk cho rằng bảng cân đối kế toán đó chứa đầy các đồng tiền điện tử FTT do sàn FTX phát hành, chiếm tới 40% tài sản. Điều này cho thấy sự mất cân đối tài chính nghiêm trọng. Các khoản vay khổng lồ mà FTX dành cho Alameda đã không tạo ra thêm lợi nhuận cho công ty, do đó FTX có nguy cơ không đủ tiền để hoàn trả lại cho khách hàng.

Đối thủ Binance sau đó đã tuyên bố sẽ bán ra token của FTX. Ngày 8/11, khách hàng trên sàn FTX cũng đồng loạt rút tiền. Chỉ trong 72 giờ, số tiền yêu cầu rút đã lên đến 6 tỷ USD. Và thực tế chứng minh, sàn FTX đã không đủ tiền để trả cho người dùng. Bê bối của công ty nhanh chóng lộ diện.

Sau thời gian trằn trọc nhằm tìm ra biện pháp lấp đầy lỗ thủng gần 9,4 tỷ USD cho các nhà đầu tư và đối thủ mà không có kết quả, vào ngày 11/11, sàn giao dịch tiền điện tử FTX đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Hoa Kỳ, để lộ ra khoản thâm hụt lên đến 8-10 tỷ USD.

Theo Luật Chứng khoán của Mỹ, việc tự ý sử dụng tiền của người dùng mà không nhận được sự đồng ý là bất hợp pháp. Bên cạnh đó, hành động này cũng đi ngược với quy tắc về điều khoản dịch vụ mà chính FTX đưa ra.

Cú sụp đổ của FTX Group và sự thiếu minh bạch trong việc quản lý tài chính cũng theo đó mà đã kích hoạt một loạt cuộc điều tra trên toàn cầu. Ở Mỹ, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) đã mở rộng cuộc điều tra nhằm vào FTX, bao gồm điều tra các sản phẩm cho vay cũng như hoạt động quản lý tiền khách hàng của sàn này.

Vụ việc FTX bị phanh phui cho thấy ngành tiền số với yếu tố “phi chính phủ” mà các nhà đầu tư thường cho đó là “tự do” đang ẩn chứa một rủi ro rất lớn. Ở đó, người đứng đằng sau nó, do không chịu chế tài bởi luật pháp, sẽ dễ dàng chiếm đoạt tài sản hoặc có những hành vi xâm phạm đến lợi ích của khách hàng và nhà đầu tư.

Với FTX, đó là dùng tiền nhà đầu tư để giao dịch kiếm chác cho mình một cách thiếu trách nhiệm. Cần biết rằng, FTX đã vươn lên mạnh mẽ và từng được định giá đến 32 tỉ USD, thu hút nhiều nhà đầu tư từ Singapore, Canada cho đến các ngôi sao thể thao, người nổi tiếng. Chỉ mới hồi đầu năm 2022 FTX vẫn còn là một trong những sàn giao dịch tiền điện tử được giới đầu tư nhìn nhận là một trong những sàn tiền số đáng tin cậy nhất trong lĩnh vực tiền số. Tuy vậy, vị thế đứng đầu này đã sụp đổ chỉ vỏn vẹn trong… 10 ngày.

Từ sự vụ của FTX, lại càng phải nói về đồng tiền số dẫn đầu ngành tiền mã hóa – Bitcoin. Mặc dù câu chuyện của FTX là đến từ bê bối của cá nhân một công ty, nhưng về bản chất, sàn FTX và các đồng coin vẫn có điểm giống nhau.

Lý do mà đồng tiền mã hóa Bitcoin ra đời chính là nhằm để phục vụ nhu cầu cho những “cá voi” tài chính, khi họ kinh doanh và thu được nhiều tiền qua thương mại điện tử xuyên biên giới, nhưng lại không muốn đóng một đồng tiền thuế nào từ đó. Đó cũng là một trong những lý do mà cho đến nay, cha đẻ thực sự của Bitcoin vẫn chưa bao giờ lộ diện. Song, có quan điểm cho rằng, đồng Bitcoin không thể sụp đổ vì nhu cầu thanh toán xuyên biên giới ngày càng tăng và thậm chí đặt niềm tin tuyệt đối vào Bitcoin với lý do nó được vận hành bởi công nghệ blockchain có độ minh bạch cao và các giao dịch không thể làm giả được.

Thế nhưng, chúng ta thực tế khó có thể mong chờ sự minh bạch đó, khi sự đảm bảo duy nhất là vài cái tên, mà thậm chí trong trường hợp của Bitcoin thì chính điều đó cũng là… ẩn số. FTX vừa qua là một bài học cho các nhà đầu tư vì đã quá dễ dãi trong việc đặt niềm tin vào những người nổi tiếng, và các sản phẩm đầu tư được “bảo chứng” chỉ bằng lời nói. Những người tạo ra Bitcoin sẽ không hề có trách nhiệm với số tiền của nhà đầu tư, vì không có một hệ thống pháp luật nào ràng buộc được họ cả, giống như FTX đã đứng ngoài vòng pháp luật và sử dụng trái phép tiền tài sản của khách hàng.

Hơn nữa, kể cả khi thế giới chấp nhận một đồng chung dùng cho việc thanh toán xuyên biên giới trên toàn cầu, thì đồng tiền đó cũng phải nằm dưới sự quản lý chung của chính phủ các nước hoặc phải thông qua các tổ chức quốc tế như WTO. Không có sự chấp nhận chính thống, giá trị thật của tiền ảo vẫn sẽ luôn là một công cụ rửa tiền của các giao dịch phi pháp xuyên quốc gia. Và sẽ ra sao nếu các điều luật mới bắt kịp với sự phát triển nhanh chóng của ngành tiền mã hóa?

Hiện nay, các điều luật đang bắt đầu khắt khe hơn và hướng tới ngăn chặn các con đường rửa tiền thông qua Bitcoin và các đồng tiền ảo khác. Tới một thời điểm nào đó, nếu việc rửa tiền qua các đồng coin bị chặn đứng, đồng Bitcoin sẽ nhanh chóng mất đi giá trị với các “cá voi” tài chính. Khi đó, họ sẽ sáng tạo một hình thức mới để rửa tiền và đồng Bitcoin sẽ trở thành “con dê tế thần”.

Dấu hiệu này đã bắt đầu xuất hiện khi Michael Barr – quan chức quản lý hàng đầu của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) – phát đi tín hiệu vào ngày 14/11 rằng, “sự giám sát chặt chẽ hơn đối với tiền điện tử đang đến”. Hàng loạt các quốc gia như Anh, Pháp, Đức… cũng đã xây dựng các dự luật nhằm quản lý hoạt động của tiền ảo. Và ở Việt Nam, vấn đề rửa tiền thông qua tiền ảo cũng đã nhiều lần được Chính phủ đưa ra thảo luận. Lãnh đạo Chính phủ cũng đã nêu lên lo lắng: “Tôi cũng rất sốt ruột về chỗ này khi mình chưa công nhận, nhưng thực tế người ta vẫn giao dịch”.

Luật sẽ phát triển để kiểm soát các giao dịch qua đồng coin. Và một khi đã các chính phủ đã vào cuộc, “sóng gió” với lĩnh vực tiền số phi chính phủ sẽ chỉ mới là bắt đầu.

Huy Hoàng

Đọc nhiều