BBC Tiếng Việt có hiểu chút gì về bầu cử ở Việt Nam?

Hải Anh 08/06/2021 16:27

Mới đây, BBC News Tiếng Việt đã đăng tải bài viết “Quốc hội VN sẽ bầu lại các chức cao nhất với nghị trường 499 đại biểu” về việc kỳ họp Quốc hội khoá mới vào tháng 7/2021, bầu các chức danh Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ. Trang mạng BBC News Tiếng Việt cho rằng: “Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam sẽ lại tuyên thệ thêm một lần nữa, chỉ cách lần tuyên thệ trước vài tháng và đây được cho là một điều lạ lùng, trái khoáy, gây lãng phí thời gian cho người dân và cả nước”.

Thậm chí trang mạng này còn mượn lời “giới quan sát tại Việt Nam”, “nhà báo tự do” như Nguyễn Lân Thắng, Sương Quỳnh, Võ Văn Tạo để xuyên tạc, bình luận rằng: “Hiện tượng Quốc hội Việt Nam, mới hồi đầu tháng 4/2021 đã bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, rồi chỉ tới tháng 7/2021 này, lại bầu lại mấy chức danh ấy cho thấy chuyện bầu cử ở Việt Nam khá rối rắm, luộm thuộm, khó hiểu”. Các nhà “bình luận”
này tiếp tục rêu rao rằng “người dân thì thừa biết lá phiếu của họ chỉ là hình thức và ông bà nào trúng cử thì cũng do Đảng sắp đặt”…

Và ngay cả việc trong tổng số 500 Đại biểu Quốc hội ở Việt Nam, 499 người được bầu và trúng cử cho khóa mới, “nhà dân chủ” Nguyễn Lân Thắng còn lu loa rằng “Việc Quốc hội Việt Nam đang trong quá trình bầu cử Quốc hội Khóa XV, mà ông Trần Văn Nam tuyên bố rằng ông không đủ sức khỏe, để rồi Quốc hội Việt Nam phải tuyên bố chỉ có 499 mà không phải là 500 Đại biểu Quốc hội khóa XV trúng cử, tôi cho rằng đó là việc bất thường. Bất thường ở chỗ khi những vòng đầu tiên để ra bầu cử Quốc hội với các ứng cử viên, thì sức khỏe là một trong những yếu tố quan trọng mà kể cả người trong cuộc, lẫn các Hội đồng bầu cử đều sẵn sàng xét đến”

Điều này có lẽ phần nào đã cho thấy tầm hiểu biến quá hẹn hẹp của BBC News Tiếng Việt hiểu về hệ thống chính trị tại Việt Nam. Việc tuyên thệ khi nhận chức đối với các chức danh chủ chốt cần phải làm hai lần. Lần một là tuyên thệ với các đại biểu cũ vì sau đó một số đại biểu sẽ nghỉ hưu. Lần hai là tuyên thệ với các đại biểu mới. Theo quy định của Hiến pháp, có một số chức danh phải tuyên thệ sau khi được bầu và kỳ họp lần này là tuyên thệ thuộc khóa XIV. Đến đầu nhiệm kỳ sau có thể bầu lại người đó, có thể bầu người khác, nhưng đương nhiên là người nào được bầu vào chức danh đó thì vẫn phải tuyên thệ. Quốc hội có nhiệm kỳ 5 năm và kiện toàn đợt này là thẩm quyền của Quốc hội khóa XIV. Đến tháng 7 này, chúng ta có Quốc hội khóa XV sẽ tiếp tục hoàn thiện công tác kiện toàn bộ máy.

Xin thưa BBC News Tiếng Việt và các “nhà dân chủ”, vấn đề không phải là tuyên thệ một lần hay hai lần. Trong một nhiệm kỳ, khi được bầu sẽ chỉ tuyên thệ một lần. Nhưng hiện nay là bầu bổ sung của nhiệm kỳ khoá XIV thì phải tuyên thệ một lần của khoá XIV, sang nhiệm kỳ khoá XV nếu tiếp tục được bầu thì sẽ phải tuyên thệ một lần nữa trước Quốc hội khóa XV. Do đó, việc tuyên thệ ở Quốc hội khoá mới là điều đương nhiên.

Thứ hai, về luận điệu cho rằng “Việc Quốc hội Việt Nam đang trong quá trình bầu cử Quốc hội Khóa XV, mà ông Trần Văn Nam tuyên bố rằng ông không đủ sức khỏe, để rồi Quốc hội Việt Nam phải tuyên bố chỉ có 499 mà không phải là 500 Đại biểu Quốc hội khóa XV trúng cử là việc bất thường”.

Nhưng thực tế, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân không quy định cụ thể việc giải quyết trường hợp xin không làm đại biểu khi chưa được công bố trúng cử. Việc Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam có đơn xin không làm đại biểu Quốc hội khóa XV “vì lý do sức khỏe” khi Hội đồng bầu cử quốc Gia chưa công bố danh sách người trúng cử và chưa có nghị quyết xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội, là chưa có tiền lệ.

Ở cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, sau khi công bố danh sách người trúng cử, Hội đồng bầu cử quốc Gia đã phải họp thêm 2 phiên để xem xét tư cách đại biểu Quốc hội của ông Trịnh Xuân Thanh và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường.

Ông Trịnh Xuân Thanh không được xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội vì ông ta đã vi phạm pháp luật. Mặc khác, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường không được xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội vì có quốc tịch nước ngoài, thời điểm đó bà Hường cũng có đơn xin rút. Hội đồng bầu cử quốc Gia xem xét 2 trường hợp này đều dựa trên các văn bản báo cáo của các cơ quan chức năng.

Như vậy, người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, nếu không có vi phạm, sai phạm dẫn đến không được xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội, thì theo quy định của Luật bầu cử sẽ được công nhận tư cách đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, về trường hợp của ông Trần Văn Nam, từ khi còn là Phó chủ tịch UBND tỉnh, đã có một số quyết định liên quan đến quản lý đất đai gây hậu quả nghiêm trọng. Do đó, Hội đồng bầu cử quốc Gia có Nghị quyết 746 về việc không xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội của ông Trần Văn Nam, ủy viên Trung ương Đảng, bí thư Tỉnh ủy Bình Dương là điều hoàn toàn bình thường.

Có thể khẳng định, cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khoá XV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2016 tại Việt Nam được thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản, bảo đảm tính dân chủ, thượng tôn pháp luật. Những người trúng cử là những người nhận được niềm tin của quần chúng nhân dân.

Không hiểu BBC News Tiếng Việt lấy những lời nói ngô nghê, kém tri thức của một “nhà báo tự do” làm dẫn chứng lại để đi bôi nhọ chính quyền, đặt điều làm vấy bẩn tính dân chủ trong công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội cũng như các hoạt động của Quốc hội để làm giảm uy tín của cơ quan quyền lực Nhà nước. Suy cho cùng, mục đích mà những đối tượng xấu hướng đến vẫn là nhằm xuyên tạc tính dân chủ trong công tác bầu cử tại Việt Nam, thực chất là để tạo cớ để bôi lem, vấy bẩn, chống phá đất nước Việt Nam, hòng tìm cách lật đổ chế độ mà thôi.

Hải Anh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.

Đọc nhiều