Bầu cử tổng thống Mỹ: Ông Trump hừng hực, Đảng Dân chủ lo
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang chạy đua vận động tranh cử ở các bang, và tỉ lệ ủng hộ đang có vẻ tăng lên, trong khi ứng viên Joe Biden 22 ngày không xuất hiện nơi công cộng.
Tổng thống Trump tiếp tục tung ra những đòn mang tính quyết định: công bố các quyết sách về chăm sóc sức khỏe hướng đến số đông, buộc giảm giá bán thuốc chữa bệnh như một cách thực thi lời hứa cải tổ y tế mà ông đã tuyên bố khi bắt đầu nhiệm kỳ. Rồi ông cùng Phó tổng thống Mike Pence lên đường đi vận động ở nhiều điểm những ngày cuối tuần này.
Trong khi đó ở chiến tuyến bên kia, đối thủ Joe Biden của Đảng Dân chủ có vẻ im hơi lặng tiếng thấy rõ. Tính từ ngày 11-8, khi lựa chọn nữ thượng nghị sĩ Kamala Harris của bang California đứng cùng liên danh, ông Biden đã có 22 ngày không xuất hiện ở nơi công cộng, chỉ tổ chức các cuộc quyên góp quỹ tranh cử theo hình thức trực tuyến hoặc chỉ từ nhà của mình ở bang Delaware đi nhà thờ.
Ông chỉ có 12 lần đi khỏi bang Delaware trong giai đoạn này, gồm cả chuyến về Washington ngày 25-9 để tham dự buổi tưởng niệm nữ thẩm phán quá cố Ruth Bader Ginsburg.
Trong khi đó cùng thời gian này, ông Trump đã thực hiện đến 24 chuyến đi đến 17 bang khác nhau khắp nước Mỹ, chưa tính chuyến đến New York mang tính cá nhân để thăm người em trai đang chữa bệnh ở bệnh viện hoặc những lần đi đánh golf ngày cuối tuần hay đi Washington (tưởng niệm nữ thẩm phán quá cố Ruth Baker Ginsburg), đi vận động ở Florida, Georgia và Virginia chỉ trong ngày 25-9.
Sự lặng tiếng của ông Biden được người thân cận và các trợ thủ của ông giải thích theo hướng là “chiến thuật có chủ ý” và là vì ông tôn trọng các chỉ thị về bảo vệ sức khỏe cộng đồng, tránh tụ tập đông người có thể làm lây truyền virus corona.
Các chuyến đi của ông Biden đến các bang được tổ chức rất chuẩn mực (bài phát biểu qua video ghi sẵn, nói chuyện bàn tròn nhỏ, nói chuyện ở tòa thị chính với quy định chỗ đúng giãn cách, quy tụ dưới 25 người và thi thoảng mới có chuyến dừng chân trong một doanh nghiệp địa phương hay những cuộc nói chuyện với truyền thông cũng thực hiện theo nhóm rất nhỏ nên kéo dài nhiều giờ).
Trong khi đó, ông Trump liên tục thực thi kiểu vận động hừng hực, quy tụ nhiều người, thậm chí bất chấp cả các quy định về giãn cách của chính quyền địa phương mà ông đến. Vì thế, không ít chính trị gia Đảng Dân chủ đâm lo.
Như ông Gilberto Hinojosa – chủ tịch Đảng Dân chủ bang Texas – cho rằng cách biện hộ “không đi vận động nhiều do dịch giã” là cách “lý giải khập khiễng” bởi ông Biden cũng có đi nhưng lại quá tập trung ở Wisconsin, Michigan và Pennsylvania, trong khi nơi cần đến phải là Texas và Arizona!
Không chỉ có chuyện ít đi lại vận động tranh cử, các chính trị gia Dân chủ còn mong muốn ứng viên của đảng mình phải mở rộng chủ đề hơn nữa vì hiện ông chỉ tập trung chủ yếu vào cách Mỹ ứng phó đại dịch COVID-19, tức là một điểm bị xem là yếu của ông Trump.
Nhưng sau một thời gian vật vã chống dịch, giờ đây uy tín của ông Trump có vẻ đang tăng điểm trở lại. Bất chấp suy thoái kinh tế, ông Trump vẫn giành được sự ủng hộ lớn hơn so với ông Joe Biden trong câu hỏi: “Ai sẽ xử lý nền kinh tế tốt hơn?”.
Một thăm dò của Đài CNN công bố vào đầu tháng này cho thấy ông Trump nhận được 49% số phiếu ủng hộ của người Mỹ về các vấn đề kinh tế, cao hơn 48% của ông Biden.
Một tháng trước đó, tỉ lệ ủng hộ về vấn đề trên của ông Trump ở mức 53% so với 45% của ông Biden.
Một khảo sát của Đài CBS News và YouGov trong tháng này cũng cho thấy ông Biden đang bám đuổi Tổng thống Trump về tỉ lệ ủng hộ đối với vấn đề kinh tế (44% so với 45%).
Tất cả đang chờ cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa hai ứng viên tại Đại học Case Western Reserve ở Cleveland, bang Ohio vào ngày 29-9 tới.
Bỏ phiếu về nghị quyết chuyển giao quyền lực
Hạ viện Mỹ đã lên kế hoạch bỏ phiếu trong tuần sau về một nghị quyết nhằm tái khẳng định sự ủng hộ đối với việc chuyển giao quyền lực thuận lợi, sau khi Tổng thống Trump có những bình luận úp mở về vấn đề này nếu ông thất cử.
Thậm chí đến tối 25-9, phát biểu tại buổi vận động bầu cử ở Newport News, bang Virginia, ông Trump vẫn còn tỏ ý băn khoăn về cách thức bầu cử qua thư do tình hình dịch bệnh. Ông tiếp tục úp mở về chuyện có thể có gian lận trong hình thức kiểm phiếu bầu và gây tốn kém thời gian.
Vào ngày 24-9, Thượng viện Mỹ đã thông qua một nghị quyết tương tự. Nghị quyết do thượng nghị sĩ Joe Manchin (Đảng Dân chủ) đề xuất và đã nhận được sự đồng thuận của tất cả các thành viên trong thượng viện.
LÊ KIM (từ Mỹ)