Bầu cử Mỹ từ đấu khẩu sang đấu trí
Sau màn tranh luận hỗn loạn và chỉ trích nhau thậm tệ hôm 29-9, chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump lẫn đối thủ Joe Biden đều phải có sự điều chỉnh vì một sự kiện bất ngờ: ông Trump mắc COVID-19.
Tự do ngôn luận sẽ không ủng hộ ai nếu nó được dùng để xúc phạm người khác. Có thể thấy càng nhiều người ghét ông Trump bày tỏ hi vọng tiêu cực về tình hình sức khỏe của ông, càng nhiều người sẽ cảm thông cho ông hơn.
Tôi nghĩ mọi thứ đang ổn! Cảm ơn tất cả mọi người. Yêu thương!!!
Tổng thống Donald Trump viết trên Twitter ngày 2-10, khi đang điều trị ở Walter Reed.
Giai đoạn “cạnh tranh tử tế”
Đảng Dân chủ hiểu rõ điều này, và đây là lý do cho thấy ông Biden cũng đang phải tính toán rất cẩn trọng trong việc “tận dụng thời cơ” trước chuyến đi tới Michigan vận động tranh cử ngày 2-10.
Ông Biden tại Michigan đã không chỉ trích việc ông Trump xử lý COVID-19, thay vào đó bày tỏ sự chia sẻ và mong “Chúa phù hộ gia đình tổng thống và mọi gia đình đang đối mặt với virus”.
New York Times dẫn lời một quan chức Đảng Dân chủ thạo vấn đề cho biết hiện nay chiến dịch của ông Biden cũng đã gỡ các nội dung quảng cáo tiêu cực chỉ trích cách xử lý virus của chính quyền ông Trump.
Giám đốc quản lý chiến dịch của ông Biden, Jennifer O’Malley Dillon, cũng đã gửi email cho toàn bộ nhân viên, khuyến nghị tất cả “hạn chế đăng bài trên mạng xã hội về tình hình hiện nay”.
Song song đó, ông Biden sẽ tiếp tục khéo léo mượn tình huống của ông Trump để củng cố chính sách thận trọng của mình với dịch bệnh.
Hôm 2-10, các nghị sĩ Dân chủ kêu gọi ông Biden hãy tiếp tục chiến dịch của mình và tìm cách truyền tải thông điệp về COVID-19 nhưng không cần nhắc tới tên ông Trump.
Có thể nói sự kiện ông Trump mắc COVID-19 đang đẩy cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 vào giai đoạn “cạnh tranh tử tế”.
Phe Cộng hòa hi vọng ông Trump sẽ điềm tĩnh hơn trong giọng điệu, còn Đảng Dân chủ cũng mong ông Biden từ từ tiến bước, tránh tạo hình ảnh phản cảm vì đối thủ gặp nạn.
Hiện nay, có thêm lý do để Đảng Dân chủ không vội vã. Một số phân tích được trích dẫn trên truyền thông Mỹ cho rằng sự cảm thông dành cho ông Trump có thể tăng lên nhưng chưa chắc được chuyển đổi thành lá phiếu ủng hộ.
Ví dụ New York Magazine dẫn khảo sát của YouGov cho thấy khi Thủ tướng Anh Boris Johnson mắc COVID-19, tỉ lệ ủng hộ ông tăng lên ngay sau đó nhưng không chứng kiến thêm chuyển biến tích cực nào về sau này.
Điều chỉnh bất ngờ của Twitter
Mạng xã hội Twitter ngày 3-10 thông báo sẽ xóa các tài khoản có bài đăng mang nội dung cầu mong ai đó chết vì dịch bệnh do virus corona chủng mới gây ra (COVID-19).
Các trang công nghệ như TechCrunch cũng lập tức liên tưởng thông báo của Twitter tới việc ông Trump mắc COVID-19.
Thoạt nhìn, thông báo của Twitter như một dạng chống lại nội dung xấu nói chung, nhưng nó đặc biệt được chú ý trong 24 giờ qua – giai đoạn xuất hiện các dòng trạng thái cay nghiệt cầu mong Tổng thống Trump chết vì COVID-19.
Tâm lý của người dùng Internet khi đọc qua thông tin nêu trên cũng sẽ là yếu tố then chốt diễn tả tác động từ sự kiện ông Trump mắc COVID-19 tới cuộc bầu cử tổng thống năm nay.
Nếu độc giả thấy phản cảm với những người có mong muốn cay độc nhằm vào Tổng thống Trump, đây lại là một điểm cộng cho chiến dịch tranh cử của ông.
Nói như tờ New York Times, việc ông Trump lâm bệnh ở góc độ nào đó cũng là chi tiết giúp ông và Đảng Cộng hòa lấy được sự cảm thông của cử tri; ngược lại, xu hướng này là tin không tốt cho Đảng Dân chủ của ứng viên Biden.
Câu chuyện trên phản ánh mối quan tâm của dư luận Mỹ và quốc tế nói chung trong những ngày này, khi họ theo sát những diễn biến tiếp theo của cuộc bầu cử Mỹ sau sự cố không mong đợi của đương kim tổng thống.
Nếu “sự cảm thông của cử tri” là mặt lợi thì điểm tai hại cho chiến dịch của ông Trump là việc ông sẽ gặp khó khăn khi không thể lập tức xuất hiện tại các cuộc vận động trước ngày bầu cử 3-11.
Sau khi có thêm thông tin nhiều quan chức Cộng hòa dương tính với virus từ sự kiện đề cử bà Amy Coney Barrett vào vị trí thẩm phán Tối cao Pháp viện tại Vườn Hồng (Nhà Trắng), dư luận Mỹ cũng xuất hiện luồng ý kiến tố cáo đó là một “sự kiện siêu lây nhiễm”.
Điều này dĩ nhiên càng khiến phe Cộng hòa khó lòng tổ chức các sự kiện tụ tập đông người cho đợt tranh cử này. Lâu nay ông Trump được cho nắm lợi thế lớn hơn đối thủ Biden vì vẫn tổ chức vận động trực tiếp, thay vì tuân thủ cách ly xã hội như Đảng Dân chủ.
Sức khỏe ông Trump đang tiến triển tốt
Khuya 3-10 (giờ VN), bác sĩ Nhà Trắng Sean Conley đã có cuộc họp báo cập nhật tình hình sức khỏe của ông Trump sau khi mắc COVID-19. Theo đó, ông Trump đang có sức khỏe “rất tốt”.
Theo Hãng tin Reuters, ông Trump đang được theo dõi sát sao và không phải thở oxy. Ông cũng đã hết sốt trong 24 giờ qua và tình trạng ho, nghẹt mũi đang được cải thiện.
Đài CNN dẫn nguồn tin riêng cho biết ông Trump đã thức dậy và làm việc vào sáng 3-10 tại Quân y viện Walter Reed.
Ông Trump còn nói với các bác sĩ rằng ông thấy khỏe và cảm giác như có thể xuất viện ngay trong ngày.
Tuy vậy, bác sĩ Conley cho biết ông chưa thể nói khi nào ông Trump sẽ được xuất viện. Ông Trump sẽ được điều trị bằng thuốc kháng virus Remdesivir trong 5 ngày và 48 giờ tới sẽ rất quan trọng đối với sức khỏe của tổng thống Mỹ.
MINH KHÔI/TT