Bất ngờ với thỏa thuận trị giá “khủng” mà Apple dùng để xoa dịu Trung Quốc

Bảo Trâm 14/12/2021 06:45

Trang The Information của Mỹ vừa tiết lộ bí mật “khủng”, được xem như thỏa thuận ngầm giữa Apple và Trung Quốc mà ông Tim Cook đã ký với nỗ lực xoa dịu giới chức Trung Quốc và cải thiện hoạt động kinh doanh ở nước này.

Dựa theo các tài liệu nội bộ của Apple do trang The Information thu thập được, Giám đốc điều hành của hãng Apple, ông Tim Cook đã ký một thỏa thuận bí mật với Trung Quốc trị giá 275 tỉ USD trong nỗ lực xoa dịu giới chức Trung Quốc và cải thiện hoạt động kinh doanh ở nước này.

Theo thỏa thuận được ký vào năm 2016, ông Tim Cook đã đến Trung Quốc vào thời điểm đó khi doanh số bán sản phẩm của Apple tại quốc gia này đang trên đà giảm dần. Thời điểm đó, Apple phải đối mặt với “loạt các hành động quản lý” từ Trung Quốc, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của công ty.

Theo The Information, các quan chức Trung Quốc tin rằng Apple chưa đóng góp đủ cho kinh tế nước này. Trong trong năm 2016, ông Cook đã vận động các quan chức Trung Quốc bỏ qua những hành động có thể đe dọa đến dịch vụ App Store, Apple Pay, iCloud. Doanh số iPhone sụt giảm nghiêm trọng do quy định của nhà chức trách nước này.

Nhiều tài liệu nội bộ cho thấy ông Tim Cook đã “đích thân vận động các quan chức” ở Trung Quốc về các mối đe dọa từ Apple Pay, iCloud và App Store. Ông Cook còn chuẩn bị sử dụng một “biên bản ghi nhớ” giữa Apple và một cơ quan đầy quyền lực trong chính quyền Trung Quốc – Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia để chính thức đổi ý với một số nhượng bộ nhằm đổi lại các miễn trừ về quy định. Thỏa thuận dài 1.250 từ được viết bởi nhóm phụ trách về chính phủ Trung Quốc và được ông Cook phụ trách khi ông gặp các quan chức nước này.

Theo Information, trong các cuộc đàm phán riêng tư vào năm đó, ông Tim Cook đã ký một thỏa thuận có thời hạn kéo dài 5 năm, và sẽ được gia hạn thêm một năm, đến tháng 5/2022 nếu cả 2 phía không có phản đối gì với các quan chức Trung Quốc.

Theo thỏa thuận, nhà sản xuất iPhone và iPad đã đồng ý thiết lập các cửa hàng bán lẻ mới, thực hiện các dự án năng lượng tái tạo cũng như xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển.

Ngoài ra, Apple cũng hứa sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với các công ty và trường đại học Trung Quốc, mua các linh kiện và bộ phận từ các nhà cung cấp Trung Quốc và hợp tác với các trường đại học và giới nghiên cứu của quốc gia này.

Trang The Information cũng tiết lộ, để đổi lấy sự hỗ trợ và trợ giúp cần thiết từ Chính phủ Trung Quốc, Apple sẽ phát triển cùng với các doanh nghiệp Trung Quốc trên cơ sở đôi bên cùng có lợi.

Theo sau thỏa thuận là khoản đầu tư trị giá 1 tỉ USD từ Apple vào Didi Chuxing, công ty Trung Quốc là đối thủ của hãng Uber vào tháng 5-2016. Không lâu sau đó, ông Tim Cook, giám đốc hoạt động Jeff Williams và người đứng đầu các vấn đề chính phủ Lisa Jackson đã gặp những quan chức cao cấp của Trung Quốc tại trụ sở của Đảng Cộng sản Trung Quốc

Chưa hết, Apple cũng công bố thỏa thuận lớn với Xinjiang Goldwind Science and Technology – nhà sản xuất tuabin gió hàng đầu Trung Quốc, vào năm 2016 và chuyển hoạt động của iCloud sang nước này năm 2017. Apple còn mở quỹ đầu tư năng lượng sạch 300 triệu USD tại Trung Quốc năm 2018, mở 11 cửa hàng bán lẻ tại nước này, cũng như cho phép nhà sản xuất Luxshare Precision Industry sản xuất iPhone 13.

Theo The Information, nhờ có thỏa thuận ngầm đó mà Apple đã trở thành nhà sản xuất điện thoại di động số một tại Trung Quốc. Công ty đạt doanh thu hàng tỉ USD ở nước này và thậm chí còn lập kỷ lục về doanh thu hàng quý vào tháng 6 năm ngoái.

CEO Tim Cook của Apple hội đàm với cựu Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Trương Cao Lệ vào tháng 8/2016 (Ảnh: Zuma Press).

Apple đã mở một cửa hàng mới vào tháng 9 tại T.P Trường Sa, thủ phủ của tỉnh Hồ Nam và đang xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển ở Trung Quốc.

Thỏa thuận ngầm này cũng cho thấy tài năng chính trị của CEO Tim Cook, khi có thể tạo dựng được những mối quan hệ tốt đẹp với giới lãnh đạo của Trung Quốc cũng như với chính quyền Mỹ.

Có vẻ như chính thỏa thuận ngầm này đã giúp Apple có được “sự bình yên” khi hoạt động tại thị trường Trung Quốc, trong bối cảnh mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ trở nên xấu đi dưới thời chính quyền cựu tổng thống Donald Trump. Nhiều hãng công nghệ Mỹ đã bị Trung Quốc áp dụng các biện pháp trừng phạt như một cách trả đũa khi chính quyền cựu tổng thống Trump đưa các công ty Trung Quốc vào “danh sách đen”, tuy nhiên, Apple vẫn “bình an vô sự” khi hoạt động tại Trung Quốc.

Báo cáo của The Information cho thấy Apple phụ thuộc nặng nề vào ông Cook như thế nào khi đàm phán các vấn đề quốc tế và do vậy, có những dự đoán cho rằng công ty có thể gặp khó khăn trước các vấn đề với chính phủ khi ông Cook từ chức CEO Apple.

Trước đó, các công ty công nghệ Mỹ đã bị chỉ trích vì mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc và phụ thuộc nước này về lao động và sản xuất.

Một số công ty Mỹ đã quyết định rút các dịch vụ từ quốc gia châu Á này vì khuynh hướng độc đoán và việc tăng cường kiểm duyệt sản phẩm và con người. Mới đây nhất, tập đoàn Microsoft thông báo sẽ đóng cửa dịch vụ mạng xã hội LinkedIn tại Trung Quốc.

Hiện Apple chưa có phản hồi gì với thông tin của The Information đăng tải.

Bảo Trâm (The Information)

Đọc nhiều