Bắt giám đốc CDC Hà Nội: Nâng gấp 3 giá bán, “ăn không chừa thứ gì của dân”
Hệ thống Realtime PCR tự động khi nhập khẩu về Việt Nam chỉ có có giá khoảng 2,3 tỷ đồng nhưng CDC Hà Nội mua vào với giá trên 7 tỷ đồng, cao hơn gấp 3 lần, ĐBQH cho rằng, đây là hành vi phi đạo đức xã hội, phi đạo đức nghề nghiệp.
Trao đổi với PV Kiến Thức, về việc Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cùng 6 đồng phạm bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) khởi tố để điều tra “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” đang thu hút sự chú ý của dư luận.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, hành vi của ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc CDC Hà Nội cùng 6 đồng phạm là hành vi không chỉ vi phạm pháp luật mà còn vi phạm nghiêm trọng đạo đức.
Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Tháp cho biết, suốt thời gian qua cả nước chung sức, chung lòng, chung của để phòng chống đại dịch COVID-19.
Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, Việt Nam đã tốn biết bao nhiêu tiền của, công sức. Đại dịch cũng đã gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế và ngân sách quốc gia, cuộc sống người dân bị đảo lộn nhưng người dân rất ý thức tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Thậm chí nhiều người dân đã chung tay ủng hộ cùng Chính phủ chống lại dịch bệnh với sự quyết tâm cao. Từ việc Mẹ Việt Nam anh hùng, các cụ già chắt chiu tiền dành dụm, trẻ em cũng dành những đồng tiền mừng tuổi để quyên góp đến các doanh nghiệp hỗ trợ ủng hộ công cuộc phòng chống dịch COVID-19.
Do đó, việc lãnh đạo CDC Hà Nội cùng một số đồng phạm cấu kết, nâng khống giá thiết bị y tế để trục lợi cá nhân là những hành động phi đạo đức.
“Trong khi Trung ương chi ngân sách, các tỉnh cũng phải trích ngân sách, rồi toàn dân cùng đóng góp tiền để chống dịch, thì họ lại bòn rút những đồng tiền ấy. Đó là việc không thể chấp nhận” – Đại biểu Phạm Văn Hòa nói.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, trong công cuộc phòng, chống đại dịch COVID-19, có sự đóng góp rất lớn của ngành y tế, của những nhân viên y tế nơi tuyến đầu đã cống hiến, bất chấp nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, chấp nhận rủi ro để điều trị cho những người nhiễm COVID-19.
Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh, cả thế giới đều khen Việt Nam trong phòng chống dịch có phần đóng góp rất lớn của các nhân viên y tế tuyến đầu.
“Tuy nhiên, ở tuyến dự phòng vốn được coi là tuyến hậu cần lẽ ra phải có trách nhiệm để cung cấp những trang thiết bị y tế với mức giá, chất lượng phù hợp để phục vụ tuyến đầu. Đằng này CDC Hà Nội đã không làm hết chức trách nhiệm vụ, lại còn tìm cách ăn chặn ngân sách từ chính những thiết bị để phòng chống dịch. Đó là hành vi phi đạo đức xã hội, phi đạo đức nghề nghiệp của ngành y để nâng khống giá thiết bị vật tư y tế vốn để phòng ngừa, phát hiện điều trị dịch bệnh” – Đại biểu Hòa nói.
Theo Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Tháp, để xảy ra sự việc, sự vụ như trên, đối với đội ngũ nhân viên y tế dù chỉ là một ít người vi phạm nhưng “con sâu làm rầu nồi canh” làm uy tín của ngành y tế rất lớn.
Nói về hành vi của ông Nguyễn Nhật Cảm với cương vị là người đứng đầu CDC Hà Nội nhưng lại có hành vi vi phạm pháp luật như trên, Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, ông Cảm là một bác sĩ, lại trên cương vị lãnh đạo như vậy, không có những sáng kiến để giúp đẩy lùi dịch bệnh thì thôi, đằng này lại câu kết để trục lợi.
“Đây là hành động tham ô rất trắng trợn, phi đạo đức, ăn không từ thứ gì của nhân dân. Không những vậy hành động này còn đang phá hoại công cuộc phòng chống dịch của đất nước ta” – ông Hòa nói.
Đại biểu tỉnh Đồng Tháp đánh giá rất cao việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã nhanh chóng điều tra vụ án trên.
“Cơ quan điều tra đã vào cuộc, khởi tố bắt giữ, kịp thời xử lý những đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức xã hội như trên là rất đáng hoan nghênh.
Theo tôi phải xử nghiêm, trừng trị hết khung để răn đe, cảnh tỉnh cho những người lợi dụng vị trí công tác của mình để vun vén, tư lợi cho cá nhân” – Đại biểu Hòa nói.
Đồng thời ông đề nghị quá trình điều tra mà phát hiện thêm những đối tượng khác, sai phạm đến đâu cũng cần phải xử lý nghiêm khắc, không có vùng cấm dù họ là ai. Bởi đây cũng là hình tham nhũng trục lợi của nhà nước nên cần phải xử lý thật nghiêm theo quy định của pháp luật.
Quá trình điều tra bước đầu xác định, đầu năm 2020, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội thực hiện mua sắm một số hệ thống Realtime PCR tự động nhằm đáp ứng nhu cầu xét nghiệm COVID-19 theo phương thức chỉ định thầu. Tuy nhiên, hệ thống Realtime PCR tự động khi nhập khẩu về Việt Nam chỉ có có giá khoảng 2,3 tỷ đồng nhưng CDC Hà Nội mua vào với giá trên 7 tỷ đồng, cao hơn gấp 3 lần.
Sở dĩ, hệ thống Realtime PCR tự động được CDC Hà Nội mua với giá trên 7 tỷ đồng là do các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối “mua đi, bán lại” với nhau và Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành căn cứ để đề xuất mức giá. CDC Hà Nội đã mua vào với mức giá gấp 3 lần so với giá trị thực của hệ thống Realtime PCR tự động.
Đáng chú ý, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) xác định, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cùng 6 đồng phạm được xác định là đã có sự câu kết, gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu mua sắm Hệ thống Realtime PCR tự động – xét nghiệm COVID-19 gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước.
Tâm Đức/KT