136553
topics
323960

Bất động sản công nghiệp Việt ‘nóng’ vì loạt nhà máy rời Trung Quốc

07/09/2019 08:38

Theo chuyên gia, tác động của thương chiến cùng những lợi thế về chi phí xây dựng, nhân công và triển vọng phát triển của Việt Nam đã khiến bất động sản công nghiệp nóng lên.

Đầu năm 2019, Goertek – hãng lắp ráp tai nghe AirPods của Apple tại Trung Quốc đã bỏ ra 260 triệu USD để đầu tư xây dựng một nhà máy sản xuất mới tại Khu công nghiệp Quế Võ, xã Nam Sơn, TP Bắc Ninh. Đây là một trong những động thái của tập đoàn Hong Kong này nhằm né những đòn áp thuế mạnh mẽ của Mỹ lên các sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc.

Không chỉ Goertek, những diễn biến khó lường của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đang khiến nhiều công ty nước ngoài “khăn gói” lên đường tìm đến thị trường Việt Nam để đặt nhà máy. Điều này đã mang lại một làn gió mới cho thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam.

Cơn sóng di dời nhà máy đến Việt Nam 

Cùng với Goertek, các tập đoàn lớn như Hanwha đến từ Hàn Quốc, Yokowo của Nhật Bản, Huafu và TCL của Trung Quốc đều đã và đang xây dựng nhà máy tại Việt Nam. Hanwha, một trong 500 tập đoàn lớn nhất thế giới, đã khánh thành nhà máy sản xuất phụ tùng máy bay Hanwha Aero Engines diện tích 9 ha ở Khu Công nghệ cao Hòa Lạc với tổng vốn đầu tư 200 triệu USD vào cuối năm 2018.

Trước đó, Tập đoàn Yokowo cũng đã chi 18 triệu USD cho nhà máy 3,6 ha của mình ở khu công nghiệp Đồng Văn II (Hà Nam).

Bat dong san cong nghiep Viet 'nong' vi loat nha may roi Trung Quoc hinh anh 1
TCL là một trong những tập đoàn lớn của Trung Quốc di dời nhà máy sang Việt Nam để tránh thuế quan. Ảnh: Twitter.

Ngay bản thân các công ty Trung Quốc cũng cảm thấy bất an trước cuộc chiến của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới với hệ thống dây chuyền sản xuất trong nước.

TCL đã nhanh chóng chọn một khu đất rộng 7,3 ha để đặt nhà máy sản xuất TV với mức đầu tư 53,56 triệu USD ở Bình Dương vào đầu năm nay. Trong khi ông lớn ngành may mặc Huafu cũng bỏ ra 362 triệu USD để xây dựng nhà máy tại Long An nhằm tiếp cận tới các nguồn nguyên liệu rẻ hơn, giảm chi phí lao động cũng như tránh được hàng rào thuế quan.

Sự dịch chuyển của TCL và Huafu cho thấy không chỉ các công ty đa quốc gia đang lo ngại về mức thuế quá cao, các công ty trong nước cũng đang buộc phải tìm phương án “rút lui” cho mình.

Theo VinaCapital, một số tên tuổi lớn ngành điện tử và may mặc như Foxconn, Lenovo, Sharp, Asics, Nintendo, Kyocera cũng đang xem xét chuyển nhà máy sản xuất đến Việt Nam.

Thị trường phát triển nhanh nhất Đông Nam Á 2019

Ghi nhận của Ngân hàng Phát triển Châu Á ADB cho thấy Việt Nam duy trì vị trí nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á trong năm 2019 với tốc độ tăng trưởng GDP 6,8%. Trong khi con số này ở Indonesia là 5,8%, Malaysia là 4,5%, Thái Lan 3,5% và Singapore là 2,4%.

Bat dong san cong nghiep Viet 'nong' vi loat nha may roi Trung Quoc hinh anh 2
Các lô hàng từ Mỹ đến Việt Nam đang gia tăng do nhiều công ty tìm cách tránh thuế áp lên các sản phẩm của Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Đồng thời, năm 2018 World Bank cũng đánh giá Việt Nam đứng thứ 69 trong 190 nền kinh tế dễ hoạt động kinh doanh, cao hơn Thái Lan, Malaysia và Singapore.

Bên cạnh đó, các yếu tố như nguồn nhân công dồi dào với giá phải chăng và chi phí xây dựng nhà xưởng thấp hơn các quốc gia trong khu vực khiến các doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn đến việc xây dựng nhà máy sản xuất ở Việt Nam.

Trading Economics thống kê, lương lao động trung bình trong ngành sản xuất ở Việt Nam là 237 USD/tháng, trong khi con số này ở Malaysia, Trung Quốc và Thái Lan lần lượt là 924 USD, 866 USD và 412 USD. Trong tháng 7/2019, chỉ số PMI của Việt Nam là 52,6, tăng trưởng sản xuất công nghiệp 9,6%, cao hơn các nền kinh tế lớn khác trong khu vực.

Trong 3 tháng đầu năm 2019, U.S Census Bureau cho biết Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với 40,2%.

BĐS công nghiệp phát triển nhờ nguồn đầu tư FDI

Bat dong san cong nghiep Viet 'nong' vi loat nha may roi Trung Quoc hinh anh 3
Quỹ đất công nghiệp ở còn khá dồi dào ở Việt Nam. Nguồn: Savills Vietnam.

Phân khúc bất động sản công nghiệp Việt Nam đang phát triển trên đà tăng của nguồn vốn FDI cao gấp 10 lần trong suốt thập kỷ qua. Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống kê trong nửa đầu 2019, ngành công nghiệp đón nhận 1.723 dự án FDI mới đăng ký với tổng vốn đầu tư 7,41 tỷ USD. Trong đó phân khúc sản xuất thu hút 605 dự án, chiếm 71,2% FDI với 13,15 tỷ USD, tăng 39,8% theo năm. Nguồn vốn này chủ yếu đến từ các công ty từ Hong Kong, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Đánh giá về thị trường bất động sản công nghiệp, ông John Campbell, tư vấn cấp cao, phòng Dịch vụ công nghiệp của Savills Việt Nam nói: “Mặc dù tỷ lệ lấp đầy ở các tỉnh trọng điểm tăng trưởng mạnh theo năm nhưng quỹ đất dồi dào và các dự án tiêu biểu gia tăng đã thúc đẩy sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường trong nước”.

Bat dong san cong nghiep Viet 'nong' vi loat nha may roi Trung Quoc hinh anh 4
Ông John Campbell, tư vấn cấp cao, phòng Dịch vụ công nghiệp của Savills Việt Nam. Ảnh: Hải Tuệ.

Ông cũng nhận định các nhà sản xuất đang chú ý hơn vào các tỉnh miền Trung trong khi các chủ đầu tư cũng đẩy mạnh chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất công nghiệp, tạo nguồn cung mới.

Nghiên cứu mới nhất của Savills cho thấy nguồn cung đất công nghiệp dồi dào đang tạo điều kiện cho các dự án sản xuất và tăng lựa chọn thuê đối với cả nhóm nhà xưởng xây sẵn cho thuê và nhà xưởng xây theo yêu cầu.

Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá trước sự phát triển này, Việt Nam cần cẩn trọng hơn trong việc lựa chọn các dự án trong tương lai để tăng trưởng hơn trong giá trị chuỗi, tăng tính cạnh tranh và phát triển bền vững.

Hải Tuệ/Zing

Đọc nhiều