Bất chấp sức ép của phương Tây, Ấn Độ muốn ổn định quan hệ kinh tế với Nga

09/04/2022 22:18

 

Ấn Độ đang tập trung ổn định quan hệ kinh tế với Nga và nỗ lực thiết lập một cơ chế thanh toán trong bối cảnh phương Tây trừng phạt Mátxcơva, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết ngày 8/4.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đón Tổng thống Nga Vladimir Putin sang thăm vào tháng 12/2021. (Ảnh: Reuters)

Ấn Độ kêu gọi chấm dứt bạo lực ở Ukraine nhưng không đứng về phe phương Tây để chỉ trích Nga, khi hai nước có quan hệ hợp tác chính trị và an ninh lâu năm.

“Chúng tôi đã thiết lập quan hệ kinh tế với Nga. Với tình hình hiện nay ở Ukraine, tôi nghĩ hai bên đang nỗ lực để bảo đảm quan hệ kinh tế tiếp tục ổn định”, Reuters dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Arindam Bagchi nói tại cuộc họp báo.

“Đó không phải là việc tăng cường mà là ổn định, vì quan hệ kinh tế này đã có và chúng tôi có lợi ích trong việc bảo đảm các hoạt động kinh tế tiếp tục, và chúng tôi đang đánh giá xem chúng tôi có thể ổn định các hoạt động này bằng cách nào”, ông Bagchi nói.

Trước khi xung đột nổ ra ở Ukraine, các công ty lọc hoá dầu Ấn Độ ít mua dầu mỏ của Nga vì chi phí cao. Hàng loạt lệnh trừng phạt của phương Tây khiến các hãng nhập khẩu trên thế giới tránh giao dịch với Nga, đẩy mức chiết khấu của giá dầu Nga tăng lên và các công ty Ấn Độ muốn nhảy vào.

Từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24/2, các hãng lọc hoá dầu Ấn Độ đã đặt hàng ít nhất 16 triệu thùng dầu giá rẻ hơn của Nga, tương đương lượng mua của cả năm 2021, theo tính toán của Reuters.

Trong chuyến thăm New Delhi vào cuối tháng 3, một quan chức cấp cao của Mỹ nói rằng Washington không muốn thấy sự “tăng tốc nhanh chóng” trong hoạt động nhập khẩu dầu từ Nga vào Ấn Độ.

Mỹ và Úc gần đây chỉ trích việc Ấn Độ cân nhắc một đề xuất tiền tệ với Nga mà phương Tây cho là sẽ làm suy yếu các lệnh trừng phạt.

Trước sức ép của Mỹ, Ấn Độ nói rằng họ cần vũ khí của Nga để đối phó với Trung Quốc, vì các nguồn vũ khí khác quá đắt đỏ. Quan hệ chiến lược giữa Ấn Độ và Nga bắt đầu từ Chiến tranh Lạnh, dù New Delhi trở nên gần gũi hơn với Washington trong những năm gần đây.

Khai Tâm

Tags :
Đọc nhiều