Bất chấp phản đối, Mỹ vẫn quyết tài trợ “khủng” cho Ukraine
Trang Reuters vừa trích lời hai quan chức Mỹ cho biết, Mỹ đang chuẩn bị gói viện trợ quân sự trị giá hơn 1 tỉ USD cho Ukraine.
Đây là gói viện trợ đầu tiên nằm trong dự luật Ukraine – Israel nhiều khả năng sắp được ký duyệt.
Một quan chức Mỹ tiết lộ gói viện trợ lần này sẽ lớn hơn đáng kể so với đợt viện trợ quân sự gần đây nhất (trị giá 300 triệu USD). Gói viện trợ mới sẽ bao gồm xe bọc thép quân đội Humvee (HMMWV) và M113, xe chiến đấu Bradley, tên lửa.
Gói viện trợ bao gồm các phương tiện quân sự, đạn phòng không Stinger, đạn bổ sung cho hệ thống pháo phản lực cơ động cao, đạn pháo 155 mm, đạn chống tăng TOW và Javelin, các vũ khí khác có thể được đưa vào sử dụng ngay trên chiến trường…
Tổng thống Joe Biden đã yêu cầu Quốc hội Mỹ phê duyệt 60,8 tỉ USD viện trợ cho Ukraine từ năm ngoái nhưng bị các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện ngăn cản.
Trong diễn biến mới nhất, hôm 23-4 (giờ địa phương), Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua 3 dự luật được Hạ viện thông qua trước đó, với tỉ lệ bỏ phiếu là 79 phiếu thuận và 18 phiếu chống.
Trong số đó, một dự luật dành cho Ukraine. Dự luật thứ hai liên quan tới 26 tỉ USD viện trợ cho Israel, dự luật thứ ba liên quan tới 8,12 tỉ USD “để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.
Dự luật dành cho Ukraine yêu cầu chuyển giao ATACMS (Hệ thống tên lửa chiến thuật của quân đội) với tầm bắn lên tới 305 km mà Kiev cam kết không sử dụng trong lãnh thổ Nga.
Nga đã tăng cường ném bom tầm xa vào cơ sở hạ tầng năng lượng và các thành phố của Ukraine trong những tuần gần đây, gia tăng áp lực lên Kiev.
Theo Reuters, một khi dự luật Ukraine được ký duyệt, quỹ bổ sung dự trữ của Mỹ sẽ tăng trở lại. Điều này làm giảm bớt lo ngại của Lầu Năm Góc rằng việc Tổng thống Joe Biden sử dụng quyền rút vốn của tổng thống (PDA) để hỗ trợ Ukraine sẽ làm tổn hại đến khả năng chuẩn bị của quân đội Mỹ.
Hàng chục tỉ USD trong dự luật sẽ được dành để mua vũ khí thay thế gửi tới Ukraine cùng với chi phí vận chuyển và hành chính.
Nếu dự luật này được thông qua, Tổng thống Biden có thể chuyển số vũ khí trị giá 11,9 tỉ USD từ kho dự trữ của Mỹ mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội để ứng phó với tình huống khẩn cấp.
Ngoài ra, khi các quỹ bổ sung được triển khai, các công ty quốc phòng Mỹ cũng giành được nhiều hợp đồng hơn trong bối cảnh cuộc xung đột Nga – Ukraine tiếp diễn.
Trong khi đó, đối với Ukraine, gói viện trợ dự kiến được Mỹ thông qua vào tuần này là phao cứu sinh và có thể là diễn biến mang tính bước ngoặt trong cuộc xung đột với Nga.
“Nếu viện trợ được thông qua sớm hơn, tình hình có thể đã thay đổi đáng kể” – một binh sĩ giấu tên của Ukraine khẳng định với Reuters ngày 22-4.
Người này cho biết thêm tình trạng thiếu thốn đạn pháo đã buộc pháo binh Ukraine hạn chế hỏa lực, khiến họ hứng chịu tổn thất nhân mạng lẫn lãnh thổ.
Sau 6 tháng bế tắc, Quốc hội Mỹ dự kiến thông qua gói viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỉ USD vào tuần này, trong đó có 61 tỉ USD cho Ukraine.
Nguồn khí tài mới sẽ cải thiện cơ hội của Kiev trong việc ngăn chặn bước đột phá lớn của Moscow ở phía Đông, 2 nhà phân tích quân sự giấu tên cho biết.
Dù vậy, vấn đề lớn trên chiến trường của Kiev lúc này là thiếu binh sĩ, chuyên gia Konrad Muzyka của Công ty Rochan (Ba Lan) khẳng định.
Sau nhiều tháng tranh luận, Tổng thống Volodymyr Zelensky ngày 16-4 ký ban hành luật cải tổ tuyển quân để quá trình này diễn ra nhanh chóng, minh bạch và hiệu quả hơn kể từ tháng 5.
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ tân binh cần được huấn luyện trong nhiều tháng trước khi sẵn sàng ra chiến trường. Điều này sẽ mở ra “cánh cửa cơ hội” để Nga khai thác, chuyên gia Muzyka nói.
“Tình hình có thế sẽ tiếp tục chuyển biến xấu hơn cho Ukraine trong 3 tháng tới. Tuy nhiên, nếu quá trình tuyển quân diễn ra như kế hoạch và viện trợ Mỹ được khai thông, tình hình sẽ cải thiện” – ông khẳng định.
Điện Kremlin nhấn mạnh viện trợ Mỹ không thể đảo ngược kết quả xung đột và sẽ chỉ khiến Ukraine hứng chịu tổn thất nhân mạng gia tăng.
Nga chiếm thế thượng phong kể từ khi đoạt quyền kiểm soát thành trì Avdiivka ở vùng Donbas hồi tháng 2. Áp đảo về nhân lực lẫn hỏa lực, quân đội Nga thời gian qua từng bước giành thêm lợi thế trên chiến trường.
Họ đang tấn công thị trấn Chasiv Yar và một thắng lợi sẽ đồng nghĩa Moscow tiến gần hơn đến những thành phố Donbas còn lại do Kiev nắm giữ gồm Kostiantynivka, Kramatorsk và Sloviansk.
Nga và Ukraine không công bố dữ liệu chính thức về sức mạnh quân sự và thương vong của họ.
Dù vậy, chuyên gia Muzyka nói rằng quân đội Ukraine cần một lượng quân nhân “khổng lồ” để chặn đà tiến quân của Nga ở toàn bộ tiền tuyến.
Giám đốc khoa học quân sự Matthew Savill của Viện nghiên cứu RUSI (London) nhận định năng lực phòng thủ của Ukraine trong năm 2024 sẽ được cải thiện đáng kể, song quốc gia này nhiều khả năng “mất thêm một phần lãnh thổ vào tay Nga”.
Theo ông Savill, đây là kết quả từ cuộc phản công thất bại của Ukraine vào năm 2023, cũng như từ sự tập trung lực lượng của Nga và sự chậm trễ của viện trợ Mỹ.
“Thách thức hiện tại của Ukraine là xây dựng tuyến phòng thủ vững chắc và chuẩn bị cho một cuộc tấn công vào năm 2025” – ông nói.
Bảo Trâm