Bắt buộc làm rõ sai phạm tại Phòng CSGT Đồng Nai
Đoạn clip ghi lại hình ảnh tổ công tác của CSGT Đồng Nai không thể xử lý xe vi phạm, phải cho đi vì “xe đã gửi đội”, “xe của sếp lớn”, “xe này gửi một tháng mấy triệu”,… lan truyền trên mạng xã hội chưa rõ thực hư thế nào nhưng khiến nhiều người dân hoang mang và một lần nữa làm dấy lên nghi ngờ có tình trạng tiêu cực trong lực lượng CSGT tỉnh Đồng Nai hiện nay. Ngay lập tức, người đứng đầu ngành Công an đã có chỉ đạo.
Vụ việc nổi lên gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng xấu tới hình ảnh lực lượng Công an nói chung và CSGT nói riêng. Vì thế, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã chỉ đạo, giao Thanh tra Bộ Công an và một số đơn vị chức năng của Bộ Công an kiểm tra, xác minh, làm rõ thông tin báo chí phản ánh; báo cáo lãnh đạo Bộ Công an trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, yêu cầu Công an tỉnh Đồng Nai khẩn trương xác minh, phối hợp, xử lý vấn đề này. Nếu phát hiện cán bộ, chiến sỹ sai phạm thì kiên quyết xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật và quy định của lực lượng Công an nhân dân. Với tình hình thực tế đang diễn ra, chỉ đạo này cho thấy sự quyết liệt của người đứng đầu ngành Công an với nỗi mong mỏi khắc khoải làm sạch tận gốc những vết chàm mà Công an tỉnh cũng như Phòng CSGT tỉnh Đồng Nai đang dính phải trong thời gian vừa qua. Và trên hết vẫn là tạo lòng tin, niềm hy vọng trong nhân dân.
ĐBQH Phạm Văn Hòa cũng đã khẳng định rằng: “Mặc dù chuyện tố cáo lãnh đạo trạm CSGT Đồng Nai bảo kê xe vi phạm đang chưa rõ ràng nhưng cũng cần phải làm rõ. Bộ Công an vào cuộc kiểm tra là tín hiệu đáng mừng để người dân được an tâm, làm trong sạch đội ngũ công an ở Đồng Nai”. Cũng đúng thôi, thời gian qua xảy ra quá nhiều tiêu cực với Công an tỉnh này, đặc biệt có liên quan đến một số cán bộ thuộc phòng CSGT. Vụ “Đưa hối lộ, làm môi giới hối lộ” trong đường dây logo “xe vua” đã bị TAND Cấp cao tại TP.HCM hủy án sơ thẩm vì có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm đối với 80 CSGT và thanh tra giao thông các địa phương. Cơ quan chức năng đã xác định được danh tính một số CSGT đang công tác tại Công an tỉnh Đồng Nai “có nhúng chàm”.
Hơn nữa, những nội dung tố cáo CSGT ở Đồng Nai gần đây không phải quá mới, trước đây một số cán bộ, lãnh đạo công an tỉnh này đã mắc phạm sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng vũ khí, đất đai, công tác nhân sự, tiếp thị sữa, kiểm soát của CSGT trên Quốc lộ 51; vụ CSGT lập chốt sai nguyên tắc ở Dầu Giây,… Vào tháng 9, tháng 10 vừa qua, “lửa lò” cũng đã cháy rực, nhiều lãnh đạo, cán bộ công an Đồng Nai bị kỷ luật, cả Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai Huỳnh Tiến Mạnh cũng bị cách hết mọi chức vụ trong Đảng và chính quyền. Dường như, tất cả đã tạo nên một bức tranh u tối về CSGT Đồng Nai nên khi clip “bảo kê” cho xe quá tải nổi lên, người dân có quyền đặt nghi vấn và mong muốn điều tra làm rõ.
Ai cũng biết Đồng Nai là địa phương có nhiều tuyến đường huyết mạch đi qua: Quốc lộ 1, Quốc lộ 51, Quốc lộ 20, đường cao tốc TP.HCM – Long Thành,… Mỗi ngày có hàng ngàn lượt xe lưu thông; nếu có tình trạng “bảo kê” những chuyến xe quá tải như clip của người tố giác nói thì món lợi từ hành vi này không phải là nhỏ. Chưa nói đến mức độ nghiêm trọng hơn, nó như một tảng đá đang cản trở con người và hàng hóa đi trên các tuyến đường huyết mạch nói trên, thậm chí là nhịp độ vận chuyển, sự phát triển của ngành Giao thông vận tải. Chính vì vậy, trong vụ việc lần này, người dân trông đợi, thậm chí rất cần sự chỉ đạo cứng rắn từ lãnh đạo đầu ngành đến khả năng xử lý nhanh chóng, trung thực của chính cơ quan điều tra tỉnh này. Điều tích cực trong câu chuyện là rất nhiều người đã bày tỏ niềm tin rằng, lãnh đạo ngành công an sẽ sớm xác minh, tìm ra sự thật và xử lý sai phạm nếu có.
Một điều chúng ta cần phải suy nghĩ nữa, nếu bằng chứng tố cáo kia là xác thực thì chắc chắn sẽ có một số cán bộ bị kỷ luật, thậm chí có thể bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, nếu Công an tỉnh Đồng Nai chỉ dừng lại ở việc xử lý theo kiểu “lửa ở đâu dập tắt ở chỗ đó” thì không ai dám chắc trong tương lại không còn xảy ra vụ việc tương tự. Vì vậy, nên chăng sau khi điều tra rõ vụ việc thì Công an tỉnh Đồng Nai cũng cần có cơ chế giám sát hoạt động CSGT, quy định xử lý nghiêm khắc hơn với những trường hợp vi phạm. Một cán bộ, chiến sỹ vi phạm thì nên chăng phải truy cứu trách nhiệm của của lãnh đạo đứng đầu bộ phận, phòng ban đó. Căn nguyên của vấn đề là làm trong sạch bộ máy từ cấp quản lý cho đến từng vị trí làm việc. Mục tiêu cuối cùng là không để một số người vi phạm làm xói mòn niềm tin của bao người đối với lực lượng công an đang vất vả ngày đêm bảo vệ trật tự xã hội, tính mạng và của cải cho người dân.
Thời gian qua, có lẽ hầu hết người dân đã thấy tinh thần kỷ cương, thái độ cương quyết xử lý sai phạm ở nhiều cơ quan công an địa phương. Họ đã nghiêm túc xử lý được đúng người, đúng tội một Đại úy Lê Thị Hiền, một Thượng úy Nguyễn Xô Việt, loại bỏ những “con sâu làm rầu nồi canh” này ra khỏi ngành. Thế nên, Công an Đồng Nai cũng hoàn toàn có thể tự điều tra, xử lý dứt điểm các vấn đề đang gặp phải và đưa ra giải pháp phòng ngừa tối ưu, đảm bảo sự minh bạch, công bằng, giữ vững niềm tin của nhân dân.
Theo thông tin được biết, vừa qua có hai chiến sỹ CSGT Công an tỉnh Đồng Nai đã gửi đơn tố giác yêu cầu cơ quan bảo vệ pháp luật từ Trung ương đến địa phương vào cuộc làm rõ lãnh đạo cấp đội, cấp phòng đã “nhiều lần bảo kê xe quá tải, can thiệp với cấp dưới để thả xe tải” trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Ngoài đơn, người tố giác còn cung cấp nhiều clip ghi lại hình ảnh, âm thanh chân thực để chứng minh họ đang xử lý xe quá tải chạy trên quốc lộ 20 thì ngay sau đó lãnh đạo của đội tuần tra giao thông trên quốc lộ 20, quốc lộ 1 gọi điện can thiệp và đề nghị cho đi. Từ các clip đó, chúng ta cũng thấy có rất nhiều xe bị chặn lại nhưng chỉ vài phút sau đã có Sếp gọi điện và cuối cùng tài xế không bị xử lý, tiếp tục lên xe chạy đi. Khi có ý kiến về việc “bảo kê” này với lãnh đạo Phòng CSGT Đồng Nai thì một ngày sau đó, họ đã bị điều chuyển đi khỏi đội.
Đặng Trường