420
category
418735

Bảo vệ chủ quyền để phát triển kinh tế hay dùng hoạt động kinh tế để bảo vệ chủ quyền?

11/01/2020 10:23

Sự kiện tàu hải cảnh 5402 vẫn liên tục tiếp cận lô khí 06.1, gần các giếng khí và giàn khoan đang được khai thác của Việt Nam, một lần nữa lại gợi lên câu hỏi về mối quan hệ giữa bảo vệ chủ quyền và phát triển kinh tế, việc hợp tác với các đối tác nước ngoài trong khai thác dầu khí.

Tàu hải cảnh 5402 của Trung Quốc vẫn đang quanh quẩn ở lô 06.1 (gần bãi Tư Chính). Cách đó không xa có sự hiện diện của tàu kiểm ngư Việt Nam.

1. Vấn đề chung

Theo người viết, cần phải coi bảo vệ chủ quyền để tạo môi trường phát triển kinh tế. Không thể lập luận ngược lại là dùng các hoạt động kinh tế để bảo vệ chủ quyền. Vai trò của nhà nước là được ủy thác để thực hiện các nhiệm vụ chung của quốc gia, là bảo đảm an ninh và môi trường phát triển. Các hoạt động kinh tế đã có nghĩa vụ nộp thuế để duy trì hoạt động nhà nước trong đó có an ninh và quốc phòng có nghĩa vụ tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động kinh tế của các nhân tố trong xã hội (kể cả các doanh nghiệp nhà nước) bên cạnh đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia. Trong thời bình, không thể đẩy trách nhiệm này lên các nhân tố xã hội thêm một lần nữa. Họ không thể vừa đóng góp nguồn lực (tài chính) cho đảm bảo an ninh, vừa phải đóng góp sức lực cho bảo vệ an ninh.

Giàn Tam Đảo 01 của Vietsovpetro.

Với các dự án kinh tế trên lãnh thổ Việt Nam, hoặc trong vùng đặc quyền kinh tế, Việt Nam phải có nghĩa vụ cung cấp môi trường an toàn, an ninh. Không thể hy vọng vào việc các quốc gia bên ngoài khi có doanh nghiệp tham gia kinh doanh tại Việt Nam sẽ can thiệp bảo vệ chủ quyền cho Việt Nam. Nếu có, các quốc gia bên ngoài chỉ có thể gây sức ép ngoại giao mà không thể can thiệp nếu không có thỏa thuận rõ ràng thông qua hiệp định với chính phủ Việt Nam về việc này. Nhất là khi các doanh nghiệp nước ngoài là công ty đại chúng (vốn trôi nổi trên thị trường chứng khoán) thì không thể hy vọng các quốc gia bên ngoài can thiệp khi Việt Nam đối mặt với đe dọa.

Cần phải thừa nhận rằng đó là một rủi ro của môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Điều này khiến chi phí tăng lên và mức độ hấp dẫn của Việt Nam giảm đi.

2. Vai trò của hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư và biên phòng đối với bảo vệ chủ quyền và đảm bảo an toàn cho các hoạt động kinh tế

Cần nhấn mạnh hai vấn đề:

Thứ nhất, nhiệm vụ của các lực lượng vũ trang và bảo vệ pháp luật là tạo môi trường an toàn, độc lập với các hoạt động kinh tế

Không thể thiếu sự có mặt của tàu kiểm ngư Việt Nam gần khu vực hạ đặt giàn khoan dầu khí.

Thứ hai, các hoạt động kinh tế có phải báo trước để yêu cầu được bảo vệ. Trong trường hợp đó, phải suy nghĩ đến “phí bảo vệ”.

3. Năng lực công nghiệp quốc gia: yếu tố quan trong đảm bảo giữ vững chủ quyền và quyền tự quyết

Khi thiết kế một nền kinh tế mở, ưu đãi doanh nghiệp nước ngoài (doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp FDI hoặc liên doanh) thì cần làm sao tạo ra được hệ thống doanh nghiệp nội địa có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế?

Năng lực công nghiệp quốc gia đảm bảo tính tự chủ, không phụ thuộc và tính chủ động trong quan hệ quốc tế. Năng lực ấy, nếu không có sẵn (như trường hợp Việt Nam hiện tại) thì làm thế nào để thu hút đầu tư từ bên ngoài, nội địa hóa được (hiểu được quy trình thiết kế và lựa chọn thiết kế, các giới hạn kĩ thuật) và lan tỏa nó (không chỉ giới hạn ở một vài cơ sở mà trở thành trình độ chung của nền công nghiệp). Ba bước này là bắt buộc nếu muốn trở nên một quốc gia “công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Chiến lược của Việt Nam là gì khi trong các văn bản chưa thấy đề cập đến các nội dung này.

Việt Nam có lẽ vẫn đang là quốc gia tiêu thụ công nghệ, nghĩa là mua sản phẩm công nghệ về để khai thác thương mại tại chỗ (rất ít cho xuất khẩu). Việc này chỉ khiến tài chính quốc gia chịu thêm nhiều gánh nặng cả trong hiện tại và tương lai trong khi không thể tạo ra năng lực quốc gia để cạnh tranh trên thế giới và đem lại lợi ích kinh tế và chính trị quốc tế. Ngoài gánh nặng tài chính thì sự phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài cho các vấn đề thiết yếu sẽ tạo ra sự phụ thuộc về chính trị của Việt Nam.

Công nghệ lưỡng dụng được ứng dụng nhiều trong phát triển công nghiệp, nhất là đối với công nghiệp quốc phòng. Bức ảnh trên là tàu tên lửa hiện đại lớp Molniya do Việt Nam chế tạo.

Tất cả các nước phát triển nhanh, từ Pháp, Đức, Nhật, tiếp theo là Hàn Quốc, Đài Loan và hiện nay là Trung Quốc đều sử dụng thị trường nội địa, đặc biệt là thị trường công (Chính phủ hoặc các doanh nghiệp nhà nước đặt hàng), làm đòn bẩy xây dựng các doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh quốc tế. Chỉ có như vậy mới làm đất nước phát triển. Nếu chỉ tiêu thụ sản phẩm công nghệ thì tuy có thể tạo ra vẻ hào nhoáng bên ngoài nhưng bên trong sẽ không có nội lực, chưa nói đến chinh phục thị trường quốc tế mà ngay cả thị trường trong nước cũng mất về tay các công ty nước ngoài. Điều đó sẽ dẫn đến phụ thuộc về chính trị.

Riêng về công nghiệp quốc phòng và công nghiệp lưỡng dụng, Việt Nam cần xác định đây có phải là một thị trường hay không? Dù chính phủ Việt Nam đã tự tạo ra một thị trường với chi phí hơn 10 tỷ USD/năm hiện tại và tốc độ tăng trưởng đều không dưới 2%/năm. Việt Nam có tham gia thị trường ASEAN hay thế giới không? Ngoài lý do lịch sử để lại, tại sao lại gắn với Nga – vốn theo 1 tiêu chuẩn riêng biệt và không tương thích với hầu hết các hệ thống của các nước “bạn bè” của Việt Nam là ASEAN, Nhật, Hàn Quốc, Úc, châu Âu? Ngay cả khi gắn bó với Nga, Việt Nam có đặt điều kiện “có đi có lại” với Nga trong khi với hệ thống Mỹ và phương Tây, “có đi có lại” là điều hiển nhiên, từ 30% đến thậm chí 100% hợp đồng, nghĩa là một tỉ lệ % lớn của các hợp đồng mua bán vũ khí cần được nước bán hàng đầu tư lại cho nước mua hàng để phát triển công nghiệp nước mua hàng. Ví dụ nước bán hàng phải mua lại trang bị quốc phòng, đầu tư phát triển nhà máy, đặt hàng nghiên cứu phát triển, ở mức không dưới 1/3 giá trị hợp đồng.

Để trả lời cho câu hỏi: Làm sao Việt Nam có thể bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tự quyết trên vùng biển của mình và kháng cự lại được các áp lực chính trị từ bên ngoài? Chúng ta cần suy nghĩ nghiêm túc vấn đề này để có giải pháp phù hợp.

Theo Đại sử ký biển Đông 

Đọc nhiều