Báo Trung Quốc nhận vơ áo dài Việt: Sao chép, phản cảm
Theo nhà thiết kế Việt, việc đưa nhiều mẫu thiết kế áo dài vào bộ sưu tập, trình diễn trong khuôn khổ tuần lễ thời trang là…copy phản cảm.
Mới đây tờ China Daily phiên bản tiếng Anh đăng nhiều hình ảnh trình diễn của dàn mẫu nữ trong trang phục áo dài cùng dòng tiêu đề: “Chinese style delights China S/S Fashion Week” (Phong cách Trung Quốc được yêu thích tại China S/S Fashion Week). Điều này khiến khán giả Việt Nam bức xúc, đồng thời lên tiếng tố cáo Ne-Tiger ăn cắp trắng trợn áo dài Việt Nam.
Nói về việc này, sáng ngày 22/11, trao đổi với báo Đất Việt, GS.TS Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam cho rằng, áo dài là hình ảnh đặc trưng của Việt Nam, do người Việt Nam thiết kế đầu tiên. Bởi vậy, có thể khẳng định rằng, áo dài là của người Việt Nam.
“Trung Quốc không có áo 2 vạt mềm mại, duyên dáng như áo dài của Việt Nam đâu. Nhắc đến chiếc áo dài này, ai cũng biết nguồn gốc rõ ràng là của Việt Nam rồi. Áo dài bắt nguồn từ thời cổ xưa, có những cái rõ rệt như thế và nó bắt đầu định hình từ nhà may Cát Tường mà người Pháp đã đặt tên là “áo dài Le Mur”.
Nếu áo dài bắt nguồn từ Trung Quốc thì người Pháp đã nói rồi. Bởi vậy, tôi cho rằng, đã khẳng định áo dài của Việt Nam thì chúng ta không cần tranh luận nhiều về điều ấy. Nếu chúng ta đi tranh cãi với Trung Quốc chẳng khác nào chúng ta đang mắc mưu của họ”, GS.TS Trần Lâm Biền cho biết.
GS Biền nhấn mạnh, áo dài, nón lá đã được khẳng định từ lâu là thuộc văn hóa Việt Nam và trong những bước đường phát triển cũng đã được khẳng định.
“Áo dài có đặc trưng là ôm sát lấy cơ thể, cổ cao và có chiều dài chấm gót chân. Dù cho thời gian có thay đổi thế nào, các trang phục khác được du nhập vào nước ngày một đẹp hơn đến mấy thì áo dài vẫn là một biểu tượng đẹp, gắn với hình ảnh dịu dàng, đắm thắm của người phụ nữ Việt”, GS Biền nói thêm.
Cũng chia sẻ về việc này, theo thông tin trên tờ Zing.vn, NTK áo dài Võ Việt Chung cho biết đây không phải là lần đầu anh chứng kiến các mẫu áo dài của Việt Nam xuất hiện trong các bộ sưu tập của các nhà thiết kế Trung Quốc. Anh kể 10 năm trước dự Tuần lễ thời trang ở Thượng Hải, anh đã chứng kiến điều này.
Theo quan điểm của người làm thời trang, nhà thiết kế cho rằng không thể có sự mượn ý tưởng ở đây.
“Trong thời trang, chất liệu của nhà thiết kế này đã làm thì nhà thiết kế khác cũng không thể sử dụng.
Ở đây lại là trang phục truyền thống của dân tộc. Tôi cho rằng đây hoàn toàn là sự copy, ăn cắp ý tưởng, hoàn toàn không thể lý giải bằng sự mượn ý tưởng”, NTK Võ Việt Chung nhấn mạnh.
NTK Võ Việt Chung cho rằng nếu các mẫu thiết kế này biểu diễn trong một chương trình hợp tác về văn hóa thì chấp nhận được nhưng lại đưa vào bộ sưu tập, trình diễn trong khuôn khổ tuần lễ thời trang thì là copy phản cảm.
Cùng chung quan điểm, NTK áo dài Sỹ Hoàng cũng bày tỏ sự bức xúc khi nhìn những bức ảnh áo dài từ nhà thiết kế Trung Quốc.
“Có lẽ không phải tôi với tư cách nhà thiết kế là áo dài mà thông tin này khiến rất nhiều người Việt tức giận.
Cách đây 2 năm cũng từng có vụ việc ồn ào liên quan đến trang phục của Trung Quốc na ná áo dài nhưng đến bây giờ thì họ làm giống hệt luôn rồi”, NTK Sỹ Hoàng bức xúc.
Trong khi đó, NTK áo dài Đỗ Trịnh Hoài Nam cho rằng: “Đã rất lâu rồi, mọi người đều thấy áo dài Việt Nam khác hoàn toàn sườn xám của Trung Quốc. Đây là bằng chứng rõ nhất cho việc tà áo dài Việt Nam rất đẹp nên đã bị nhà thiết kế Trung Quốc sao chép, đạo ý tưởng”.
Tuy nhiên, NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam nói thêm, thay vì làm sự việc thêm căng thẳng, các nhà thiết kế Việt nên sáng tạo và đưa áo dài Việt quảng bá ra thế giới nhiều hơn.
“Nếu nhà thiết kế Trung Quốc đó chỉ làm ra vài chục mẫu thì các nhà thiết kế Việt đã làm từ bao năm nay. Theo tôi, thay vì có phản ứng làm mọi chuyện căng thẳng thì hãy quảng bá cho áo dài Việt Nam nhiều hơn để khẳng định được vị thế”, NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam nói.
(Theo Thu Hoài/Đất Việt)