Báo Trung Quốc chỉ thẳng mặt tội đồ vụ ông Dương Khiết Trì “mắng sa sả” Ngoại trưởng Mỹ 15 phút

29/07/2021 15:02

Tờ báo Trung Quốc nói rằng phiên dịch viên cho Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ tại hội nghị ở Thiên Tân ngày 26/7 là nhân vật “góp phần” làm gia tăng căng thẳng song phương.

Trang Guancha Syndicate của Trung Quốc ngày 26/7 cho hay, người phiên dịch cho bà Wendy Sherman tại phiên họp cùng ngày với Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong cũng chính là phiên dịch viên cho phía Mỹ tại đối thoại cấp cao ngày 19/3 tại Alaska, và kỹ năng phiên dịch kém của bà này đã góp phần tạo thêm căng thẳng giữa hai nước.

Báo Trung Quốc chỉ thẳng mặt tội đồ vụ Ủy viên Bộ Chính trị mắng sa sả Ngoại trưởng Mỹ 15 phút - Ảnh 1.
Chung Lam (thứ 2 từ trái) đảm nhiệm vai trò phiên dịch viên cho Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman trong cuộc hội đàm ở Thiên Tân, Trung Quốc, hôm 26/7. Ảnh: Reuters

“Các bạn có còn nhớ phiên dịch viên ngoại giao người Mỹ nhuộm tóc màu tím trong cuộc đối thoại chiến lược cấp cao Trung-Mỹ vào tháng 3 năm nay không?” – Guancha đặt câu hỏi.

Đoạn video được đăng tải trên Weibo vào ngày 26/7 vừa qua cho thấy trong cuộc hội đàm giữa ông Tạ Phong và bà Sherman, phía Washington đã đưa theo nữ phiên dịch viên này.

“Hy vọng rằng Hoa Kỳ có thể tiếp tục nâng cao sự hiểu biết của mình về Trung Quốc,” trang Guancha nêu.

Nữ phiên dịch của đoàn Mỹ gây ấn tượng nhờ mái tóc tím đặc biệt của bà. Người dùng mạng Trung Quốc nhanh chóng điều tra ra phiên dịch viên “Tóc tím” góp mặt tại cả hai hội nghị quan trọng giữa Mỹ-Trung Quốc trong năm 2021 có tên Chung Lam (Lam Chung-Pollpeter). Bà tốt nghiệp Học viện Nghiên cứu Quốc tế Monterey thuộc Đại học Matilda, nơi được mệnh danh là “Đại học Harvard” trong ngành dịch thuật.

Báo Trung Quốc chỉ thẳng mặt tội đồ vụ Ủy viên Bộ Chính trị mắng sa sả Ngoại trưởng Mỹ 15 phút - Ảnh 2.
Bà Chung Lam (trái) phiên dịch cho Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong cuộc đối thoại chiến lược cấp cao Trung-Mỹ diễn ra tại Alaska hôm 19/3 (Ảnh: AFP)

Được đánh giá là “người có trình độ phiên dịch tiếng Trung Quốc cao nhất trong số ba dịch giả tiếng Trung hàng đầu tại Hoa Kỳ”, bà Chung trở thành nhân viên chính thức của Bộ Ngoại giao Mỹ vào năm 2017. Bà cũng là thông dịch viên của Tổng thống dưới thời chính quyền Donald Trump và từng tham gia trong nhiều cuộc hội đàm giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ.

Tuy nhiên, theo báo Trung Quốc, ít nhất là trong cuộc đối thoại chiến lược cấp cao Trung-Mỹ hồi tháng 3, khả năng phiên dịch của Chung Lam đã bị đặt dấu hỏi.

Guancha nói rằng nhiều dịch giả đã lên tiếng sau khi so sánh nguyên văn bài phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Antony John Blinken với bản dịch của người phiên dịch trong đối thoại Alaska, và phát hiện bản dịch của bà Chung mang hàm ý “đổ thêm dầu vào lửa” và “tự thêm mắm thêm muối”.

Theo đó, những diễn đạt của bà bị cho là còn mang tính công kích nhằm vào Bắc Kinh hơn cả nguyên văn phát ngôn của ông Blinken.

Cuộc đối thoại hồi tháng 3 được mô tả là một trong những cuộc gặp căng thẳng và đối địch nhất giữa Mỹ và Trung Quốc. Trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc, Ủy viên Bộ Chính trị Dương Khiết Trì, đã có màn “bùng nổ” và phát biểu liên tục trong hơn 15 phút để lên án Mỹ trước mặt Ngoại trưởng Blinken và Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, trong khi phía Mỹ cũng cứng rắn bác bỏ những luận điểm của ông Dương.

Các thông điệp rắn của ông Dương gây tiếng vang lớn tại Trung Quốc, xuất hiện trên nhiều phương tiện truyền thông nhà nước và trên cả các sản phẩm thương mại đại chúng.

Báo Trung Quốc chỉ thẳng mặt tội đồ vụ Ủy viên Bộ Chính trị mắng sa sả Ngoại trưởng Mỹ 15 phút - Ảnh 4.
Thái độ gay gắt của ông Dương Khiết Trì (thứ 2 từ trái) tại đối thoại Alaska ngày 19/3/2021. Ảnh: Xinhua

Cuộc gặp mới đây giữa bà Sherman và ông Tạ Phong cũng được cho là phản ánh tình trạng bế tắc trong quan hệ Mỹ-Trung hiện nay.

Dù tiếp đại diện Mỹ trên “sân nhà”, phía Trung Quốc được cho là không nể nang khi lần đầu tiên đưa ra những yêu sách trực tiếp đối với Washington để hòa dịu quan hệ song phương, bao gồm đòi hỏi Mỹ dỡ bỏ cấm vận với các quan chức Trung Quốc, “chấm dứt làm tổn hại lợi ích” của Bắc Kinh trong các vấn đề Tân Cương, Đài Loan, Hồng Kông,… cũng như đòi Mỹ từ bỏ nỗ lực dẫn độ giám đốc tài chính hãng Huawei Mạnh Vãn Chu từ Canada về Mỹ.

Lưu Bình

Đọc nhiều