8
category
642226

Bão số 3: Cắt điện gần như toàn bộ Hải Phòng, Quảng Ninh

Bích Ngân 07/09/2024 16:47

Theo bản tin lúc 14h chiều hôm nay ngày 7-9, của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 tại đảo Bạch Long Vĩ có gió mạnh cấp 13, giật cấp 14; Đảo Cô Tô có gió mạnh cấp 13, giật cấp 16; Bãi Cháy (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 14, giật cấp 17.

Cửa Ông (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 12, giật cấp 14; Phù Liễn (Hải Phòng) gió mạnh cấp 8, giật cấp 10; Cát Hải (Hải Phòng) gió mạnh cấp 7, giật cấp 10; Đầm Hà (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 10, giật cấp 13,…

Ghi nhận tại thành phố Hạ Long, gió bão kèm theo mưa lớn quần thảo suốt từ 11h trưa đến 14h chiều nay và vẫn đang tiếp diễn. Mái tôn, mái ngói, cửa kính bị gió bão thổi bay, cây cối đổ rạp ở các tuyến đường.

Ở khu vực phía Đông Bắc Bộ đã có mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to như Cửa Ông (Quảng Ninh) 113mm, Cẩm Phả (Quảng Ninh) 110mm, Cát Bà (Hải Phòng) 86mm,…

Lúc 13h, vị trí tâm bão số 3 ở trên vùng ven biển Quảng Ninh – Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (118-149km/h), giật cấp 16. Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 15-20km/h.

Cơ quan khí tượng cảnh báo ở các địa phương ven biển Bắc Bộ – nơi bão đổ bộ đầu tiên, gió bão mạnh còn kéo dài đến chiều tối nay. Nên người dân không nên ra đường.

Tại Quảng Ninh từ khoảng 11h đến 13h, gió rít liên hồi không ngừng. Mái tôn, vật dụng bay từ đất liền hướng ra biển, nhiều cây cối đổ ngổn ngang. Đường phố Hạ Long vắng bóng người.

Ở khu vực Hạ Long, một số tàu thuyền neo đậu trước khi bão vào đã bị trôi tự do theo chiều gió bão.

Bão số 3 gây mưa lớn tại khu vực Tiền Hải, Thái Bình

TP Hải Phòng cắt điện trên diện rộng

13h50 chiều 7-9 do ảnh hưởng của bão, mưa to, gió lớn kèm theo sấm chớp, nhiều cây đổ đè lên đường dây điện, quận Đồ Sơn (TP Hải Phòng) cắt điện trên diện rộng để bảo đảm an toàn cho hệ thống. Trời đang tối đen mù mịt, mưa rất to, gió giật mạnh.

Lúc 13h ngày 7-9, tâm bão số 3 đang ở trên vùng ven bờ biển Quảng Ninh – Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất: Cấp 12-13 (118-149km/h), giật cấp 16. Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc với tốc độ khoảng 15-20km/h.

Người dân hạn chế đi mua sắm, giá thực phẩm tăng nhẹ
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, tại các địa phương, các siêu thị, cửa hàng, quầy hàng tại chợ truyền thống vẫn tiếp mở hàng kinh doanh, song hoạt động mua bán diễn ra đã giảm nhiều so với cuối giờ chiều ngày hôm qua.

Các siêu thị đã có phương án chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào ngay tại thời điểm tối muộn 6-9.

Trong hệ thống siêu thị, nguồn hàng vẫn phong phú, đa dạng, giá bán ổn định do các nhà cung cấp lớn và nhà cung cấp địa phương giao hàng từ tối ngày 6-9 và sáng sớm ngày 7-9.

Tại các chợ truyền thống, giá các mặt hàng rau củ tại chợ nhìn chung tăng nhẹ, các mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt lợn, thịt bò, thủy sản vẫn giữ giá ổn định so với ngày thường. Nguồn cung tương đối đảm bảo nên không xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến.

Tại các siêu thị tại các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng bởi bão vẫn mở cửa liên tục, hàng hóa thực phẩm tương đối nhiều.

Theo ghi nhận thông tin nhanh từ hệ thống các siêu thị lớn tại Hải Phòng, Quang Ninh, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn tính đến 9h sáng nay các hàng hóa thiết yếu như rau củ quả, thịt lợn, thịt gà… đều được cung ứng đầy đủ trên các quầy kệ.

Nhiều người dân đã tranh thủ đi mua sắm các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu từ ngày hôm trước, nên đến hôm nay 7-9 khi trời đã mưa và ngày nghỉ nên người dân ngại không ra đường do đó sức mua không nhiều.

Trong hôm nay và ngày mai, nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống và cửa hàng tạp hóa tiếp tục mở hàng.

Tuy nhiên nhu cầu tiêu dùng trên thị trường sẽ giảm do mưa, bão ngày càng lớn, các mặt hàng được tiêu thụ nhiều vẫn chủ yếu là thực phẩm và mặt hàng thiết yếu.

Bộ Giao thông vận tải tiếp tục ra công điện ứng phó bão, mưa lũ

Chiều 7-9, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục ban hành công điện khẩn yêu cầu các cơ quan, đơn vị, các Sở Giao thông vận tải việc tập trung ứng phó bão số 3 và mưa lũ sau bão.

Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo về triển khai phòng chống bão trước đó của bộ.

Chuẩn bị nhân lực, phương tiện, máy móc, vật tư sẵn sàng ứng phó bão và mưa lũ sau bão; khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, đặc biệt chú ý đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia ứng phó bão và mưa, lũ.

Theo thông tin từ Cục Đường bộ Việt Nam từ 11h ngày 7-9 Khu Quản lý đường bộ 1 đã cấm các phương tiện qua cầu Tân Vũ – Lạch Huyện nhằm đảm bảo an toàn cho người dân trước nguy cơ bão số 3 đổ bộ trực tiếp vào Hải Phòng.

Các địa phương cũng đã cấm người và phương tiện qua cầu Bãi Cháy TP Hạ Long (Quảng Ninh), cầu Kiền trên quốc lộ10 tại (TP Hải Phòng).

Hà Nội: Tạm dừng hoạt động 2 tuyến metro Cát Linh – Hà Đông và Nhổn – ga Hà Nội

Thông tin từ Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) cho biết từ 13h ngày 7-9 đã tạm dừng hoạt động 2 tuyến metro Cát Linh – Hà Đông và Nhổn – ga Hà Nội để đảm bảo an toàn trong bão số 3. Thời gian hoạt động trở lại sẽ được thông báo dựa trên tình hình thực tế sau khi bão tan.

Trước đó, lúc 11h30 ngày 7-9, ông Nguyễn Văn Hưởng – Trưởng phòng Dự báo thời tiết Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia – cho biết bão số 3 sẽ tác động tới Hà Nội chậm hơn ven biển. Từ 15-16h chiều 7-9, Hà Nội có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9-10.

Ông Hưởng khuyến cáo người dân ở Hà Nội không nên ra khỏi nhà vào thời điểm chiều tối khi gió mạnh nhất cây đổ, mái tôn, biển quảng cáo rơi.

Khoảng 13h30 Hà Nội trở gió mạnh kèm mưa lớn. Người dân đi lại trên đường đã gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khu vực giữa các toà nhà cao tầng do khu vực này là nơi hút gió mạnh.

Tại nút giao Kim Mã – Liễu Giai là nơi tập trung các cụm cao ốc, nhiều tài xế xe máy gần như mất lái do gió mạnh. Trong thời gian bão đổ bộ, Công an Hà Nội khuyến cáo người dân không di chuyển ở vị trí nằm giữa các tòa nhà cao tầng (đặc biệt là đoạn ngã tư).

Nguyên nhân bởi đây là nơi hút gió, thậm chí tạo thành những cơn gió xoáy khiến người dân không thể giữ vững được tay lái.

Đồng thời, những luồng không khí có tốc độ di chuyển chậm cũng có thể đột nhiên tăng tốc khi len lỏi qua các khoảng trống ở giữa những tòa nhà cao tầng (những khoảng trống ở giữa các tòa nhà cao tầng thường lớn hơn những nơi khác).

Gió rít, giật mạnh, nhiều chòi canh ngao của người dân Tiền Hải, Thái Bình bị đổ sập
Đến 12h45 mưa nặng hạt kèm gió liên tục rít lên từng hồi ở khu vực biển huyện Tiền Hải (Thái Bình). Tại khu vực biển Đồng Châu (huyện Tiền Hải) nhiều chòi canh ngao đã bị đổ sập, những hàng dừa ven đê chắn biển cũng nghiêng ngả trước gió giật mạnh…

Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, bà Hiền (chủ một nhà hàng ven biển Đồng Châu) cho biết do gió tăng cấp trong mấy giờ gần đây nên những gia đình có hàng quán kinh doanh ven biển rất lo lắng.

“Từ chủ quán đến nhân viên chúng tôi đã di chuyển về nhà từ tối qua. Hàng quán ven biển không có ai nữa. Gió giật mạnh quá không biết hàng quán có “trụ” được không”, bà Hiền nói.

Trong khi đó người dân làng chài ven biển Nam Định cũng cho biết gió đang giật mạnh kể từ thời điểm khoảng 10h sáng. Đến 12h30 gió liên tục đổi chiều, rít lên từng hồi.

Ông Đặng Văn Lý (64 tuổi, thôn Hải Tiền, xã Giao Hải, huyện Giao Thủy, Nam Định) cho biết: “Với kinh nghiệm đi biển của cha ông thì đây là trận bão lớn. Từ sáng nay 100% dân làng chài thôn Hải Tiền ở trong nhà tránh trú bão”.

Theo ông Lý, nhờ có sự chuẩn bị từ nhiều ngày trước nên đến thời điểm hiện tại chưa có thiệt hại do bão số 3 gây nên. “Mong bão qua nhanh để bà con trở lại cuộc sống thường nhật. Trời yên bể lặng chúng tôi lại ra biển đánh bắt cá…”, ông Lý nói.

Gió giật mạnh kèm mưa lớn tại khu vực Tiền Hải, Thái Bình

Hải Phòng: Mưa và gió giật càng lúc càng mạnh

12h, tại Hải Phòng mưa và gió giật càng lúc càng mạnh. Nhiều cây cối, cột đèn gãy đổ, mảng tôn bay vương vãi. Nhiều mái che bằng sắt nặng hàng trăm kg cũng bị gió bay lật xuống mặt đường.

Trong mưa bão, một nhóm công nhân của Công ty Đường bộ Hải Phòng thường xuyên di chuyển bằng ô tô trên các tuyến đường để xử lý các chướng ngại vật gãy đổ chắn ngang đường để đảm bảo giao thông.

Anh Nguyễn Văn Nam (nhân viên Công ty Đường bộ Hải Phòng) cho biết mặc dù mưa bão lớn nhưng vì để đảm bảo các tuyến đường không có vật cản gây nguy hiểm nên nhóm của anh phải thường xuyên thực hiện nhiệm vụ.

“Quá trình thực hiện nhiệm vụ gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm, nhiều khi bị mảng tôn, sắt cứa vào tay chảy máu, nhưng để đảm bảo các tuyến đường thông suốt, chúng tôi luôn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ”, anh Nam nói

Hà Nội: Mưa bắt đầu nặng hạt

Tại Hà Nội, thời điểm 11h45 ngày 7-9, mưa bắt đầu nặng hạt, gió mạnh, giật liên hồi, người dân đi lại khó khăn. Theo dự báo, Hà Nội ngoài gió mạnh, khả năng cao sẽ xảy ra một đợt mưa lớn, với lượng mưa từ 110 -350mm.

Đồng thời với sức gió mạnh cấp 6-7 giật cấp 9-10 sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân thủ đô.

Thời điểm bão tác động trực tiếp, Hà Nội nguy cơ cây xanh gãy đổ sẽ rất lớn; mưa lớn sẽ xảy ra tình trạng ngập úng diện rộng tại thủ đô. Trước nguy cơ trên, sáng 7-9, các xí nghiệp thoát nước thuộc Công ty Thoát nước Hà Nội đã triển lực lượng để ứng trực, sẵn sàng bơm tiêu thoát nước tại các điểm nóng.

Tại các tuyến phố như Phan Bội Châu, Hàng Bài, Tông Đản…, công nhân cùng xe chuyên dụng đã được bố trí để sẵn sàng bơm tiêu thời điểm Hà Nội mưa lớn, hạn chế ngập úng.

Theo Công ty Thoát nước Hà Nội, mực nước trên hệ thống các sông, hồ điều hòa đều được hạ về ngưỡng an toàn.

Để ứng phó với bão số 3, các xí nghiệp thoát nước đã triển khai lực lượng ứng trực, giải quyết thoát nước, vớt rác tại miệng thu trên địa bàn quản lý.

Ngoài ra, các đơn vị vận hành các cửa phai của hồ điều hòa như Đống Đa, Bảy Mẫu, Đầm Chuối… và các trạm bơm đầu mối Yên Sở, Đồng Bông 1, Đồng Bông 2, Cổ Nhuế… hạ mực nước trên hệ thống theo đúng quy định.

Bích Ngân 

Đọc nhiều